Cart

Chó & Stress

Thế giới hiện đại không những khiến con người bị stress mà những chú chó nuôi trong nhà cũng có thể bị STRESS. Cho dù đó là "stress tích cực" hay "stress tiêu cực" thì những biểu hiện cơ bản khi bị ảnh hưởng bởi stress từ chó cũng như con người, với cùng tác động và sức ảnh hưởng. 

Tình trạng stress cũng là một trong những nguyên nhân khiến chú chó của bạn cảm thấy lo lắng, bồn chồn, bối rối hoặc cáu kỉnh; chúng đều có thể tác động tới hành vi, sức khoẻ cũng như cuộc sống của chúng. Đặc biệt, khi stress không được chú ý điều trị và cứ để tình trạng stress kéo dài cũng có thể khiến chó bị bệnh, hệ miễn dịch bị ức chế, bắt đầu xuất hiện những hành vi bất thường và dễ bị kích động hơn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng bản tính hung hăng của chó. 

Stress là gì? 

"Stress là một phản ứng của cơ thể khi bị đẩy vào tình huống lạ lẫm, bắt buộc bản thân phải thích nghi hoặc thay đổi." 

Theo cuốn "Canine Neuropsychology" của James O'Heare, 2005. 

"Stress Tích cực"  & "Stress tiêu cực"? 

Một số mức độ stress được xem là bình thường, thậm chí còn cần thiết cho cuộc sống và gia tăng chất xám trong não. Các loại stress này chính là stress tích cực, có khả năng kích thích các tế bào sản sinh năng lượng, giúp tinh thần cảm thấy hưng phấn và góp phần phát triển các kỹ năng mới. Stress tích cực rất cần thiết cho sự phát triển bình thường của cơ thể. 

Khi stress trở nên quá dư thừa hoặc chuyển biến xấu sẽ bị coi là "Stress tiêu cực". Mức độ stress này có thể gây tổn thương tới các cơ quan trên cơ thể, làm suy yếu và xuất hiện một số hành vi bất thường (tâm trạng lo lắng và thái độ hung hăng). Stress tiêu cực có thể trở thành một vòng luẩn quẩn: Chó cảm thấy bị stress, thay đổi hành vi và sức khoẻ; khi tình trạng stress ngày một nặng lên, vấn đề trở nên trầm trọng hơn, rồi đến một lúc vượt quá ngưỡng chịu đựng sẽ làm chó bị trầm cảm hoặc tự huỷ hoại bản thân. 

Mức độ nhạy cảm với "Stress tiêu cực" rất khác nhau giữa các cá thể. Cách một cá thể phản ứng lại với "Stress tiêu cực" thường được quyết định bởi sự kết hợp của gene di truyền và các sự kiện đã trải qua trong môi trường chúng đang sinh sống. 

Stress ảnh hưởng tới chó ra sao? 

Stress sẽ ảnh hưởng tới hai mặt: sinh lý và tâm lý. Trên thực tế, sinh lý và tâm lý có sự liên kết và ảnh hưởng lẫn nhau nhất định. Cho dù chó đang gặp "Stress tiêu cực" hay "Stress tích cực" thì chỉ số sinh lý và các phản ứng trong cơ thể sẽ có xu hướng xảy ra tương đồng lẫn nhau. Sự khác biệt chủ yếu giữa 2 loại stress là sức ảnh hưởng về mặt tâm lý, cách chó cảm nhận và vượt qua stress. 

Stress tích cực
(tác động trong thời gian ngắn) 
Stress tiêu cực
(tác động trong thời gian ngắn hoặc kéo dài)
- Tăng khả năng nhận thức - Tăng phản ứng / Cảm xúc thất thường 
- Trở nên thận trọng - Cảnh giác quá mức 
- Cảm thấy hưng phấn - Cáu kỉnh
- Sẵn sàng đón nhận thách thức (sự tự tin)- Mất khả năng phán đoán (ngờ vực mọi thứ)

 

Tại sao chó lại bị Stress? 

Nguyên nhân cơ bản nhất khiến chó bị stress chính là do những nhu cầu thiết yếu của chúng không được đáp ứng. 

Để biết chó nhà bạn có được đáp ứng đầy đủ nhu cầu thiết yếu hay không, bạn có thể tự kiểm tra bằng 5 câu hỏi sau: 

1. Chó nhà bạn có bị đói, khát hay suy dinh dưỡng không? 

Câu hỏi này nghe khá đơn giản vì chỉ cần cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống mỗi ngày là chó đã được đáp ứng đầy đủ. Tuy nhiên cũng cần phải cân nhắc những khía cạnh sau: 

- Thực phẩm chó đang ăn có cung cấp đủ nhu cầu dinh dưỡng, hoặc thành phần tương đồng với chế độ ăn uống tự nhiên của chúng không? 

- Số lượng thức ăn chó đang tiêu thụ như thế nào? Nên biết rằng chó ăn quá nhiều cũng không tốt, vì sẽ dẫn tới vấn đề béo phì và các nguy cơ bệnh tật tiềm ẩn khác. 

2. Chó nhà bạn có thể hiện sự khó chịu? 

Chó cũng như người, đều là những giống loài xã hội và có nhu cầu tương tác với nhau để có được sự thoải mái. Sự khó chịu này có thể xuất hiện do sự thay đổi nhiệt độ, thời tiết, hoàn cảnh sống xung quanh (VD: môi trường ồn ào có thể làm chú chó của bạn khó chịu và mất cảm giác an toàn). 

3. Chó nhà bạn có cảm thấy đau đớn, bị thương hay bị bệnh? 

Bản tính tự nhiên của chó là ẩn giấu sự đau đớn và yếu đuối. Những lúc này chú chó của bạn sẽ trở nên trầm lắng, ít vận động hơn thường ngày, nằm im một góc để tránh sự chú ý. Bạn nên nhận ra hành động này thật sớm để có phương án chăm sóc chú chó của bạn. 

Một phương án thường được bác sỹ khuyến cáo đó là hãy tiêm phòng đầy đủ cho chó của bạn theo lịch tiêm phòng để ng sức khoẻ của chúng. 

4. Chó nhà bạn có được tự do thể hiện những hành vi bình thường? 

Đây là câu hỏi thường bị bỏ qua nhất với những người làm chủ vì khá nhiều hành vi được coi là bình thường ở chó thì bị chủ nuôi cho là bất thường, không thích và có xu hướng quản thúc để hạn chế những hành vi đó được diễn ra. (VD: hành vi ngửi mông). 

Sau khi trải qua những lớp huấn luyện, đa số những chú chó có thể bỏ qua hoặc kiềm chế được các hành vi không phù hợp này, nhưng một số ít sẽ cảm thấy bức bối, khó chịu khi phải kiểm soát những hành vi đó. 

5. Chó nhà bạn có đang sợ hãi hoặc lo lắng? 

Đương nhiên chủ nuôi không bao giờ muốn nhìn thấy chú chó của mình sợ hãi hay lo lắng, nhưng thực tế thường không được như mong muốn. Khi chủ nuôi có cách đối xử không phù hợp hoặc vô tình làm tổn thương, chúng sẽ rất nhanh chóng rơi vào trạng thái stress. Chó bị stress do sợ hãi hoặc biểu hiện thái độ hung hăng hơn, hoặc sẽ bị trầm cảm. 

Đặc biệt, với những chú chó dưới 16 tuần tuổi bị tách đàn, rời xa mẹ về nhà chủ mới sẽ rất dễ bị stress khi phải đối mặt với những thứ lạ lẫm. Trong giai đoạn này nên chú ý quan tâm tới đàn cún, giúp chúng cảm thấy thoải mái để hoà nhập với môi trường và hoàn cảnh sống mới. Nếu giai đoạn hoà nhập này không được xử lý tốt sẽ gây ảnh hưởng tới cuộc sống về sau của chúng. 

Những tình huống phổ biến làm chú chó của bạn bị stress? 

  • Đau buồn do mất đi một thứ gì đó quen thuốc (người chúng yêu thương hoặc người bạn khác) 
  • Thành viên trong gia đình chủ bất hoà, cãi nhau 
  • Vận động thể chất quá mức (chơi hoặc tập thể dục quá nhiều... )
  • Bị hạn chế hoạt động 
  • Mật độ nuôi chật chội với quá nhiều chú chó trong 1 không gian hẹp 
  • Thay đổi môi trường, hoàn cảnh sống (chuyển nhà, môi trường nhiều tiếng ồn...) 
  • Phải chịu đựng những sự kiện quá náo nhiệt, đáng sợ. 
  • Bị đánh đập, hành hạ (đánh bằng roi, sốc điện, đeo vòng gai...) 
  • Bị huấn luyện theo kiểu thưởng - phạt 
  • Không được dạy cách ở nhà một mình 
  • Không được chủ nuôi yêu thương, quan tâm 

Dấu hiệu nhận biết trạng thái stress ở chó? 

Khi bị stress, chó sẽ thể hiện những bất thường qua các dấu hiệu trên cơ thể, âm thanh phát ra và hành vi. Vì thế, nếu chú ý quan sát, chúng ta hoàn toàn có thể nhận ra được chú chó của mình có bị stress hay không. 
Một số dấu hiệu chủ yếu sẽ là: 
1. Mắt: 
  • Đồng tử lớn hơn bình thường 
  • Nheo/nhíu mắt 
2. Miệng 
  • Ngáp 
  • Liếm môi/mũi 
  • Thở hổn hển 
  • Chảy nhiều nước bọt 
  • Hàm răng va vào nhau (gầm gừ hoặc run lập cập) 
  • Phồng má 
  • Nhe răng 
3. Tai 
  • Hai tai cụp xuống 
  • Tai dựng thẳng đứng thể hiện sự cảnh báo 
4. Thân thể
  • Bồn chồn đi qua đi lại 
  • Cào mọi thứ
  • Rụng nhiều lông hơn bình thường 
  • Cứng người - ít hoặc không chịu di chuyển 
  • Có hành vi tiểu bậy 
  • Hạ thấp người, lùi dần về phía sau 
  • Run rẩy 
  • Đổ mồ hôi 
  • Nhăn trán 
5. Âm thanh 
  • Sủa tông thấp = đe doạ đối tượng / Sủa tông cao = lo lắng, sợ hãi, stress 
  • Gầm gừ 
  • Tru / rít 
  • Rên rỉ 
6. Hành vi 
  • Khi stress, hành vi của chó sẽ bị thay đổi. Các hành vi sau thường cho biết chó đang bị stress
  • Trằn trọc, tỏ ra k thoải mái, không nghe lời 
  • Khó ngủ, ngủ ít hơn 17 tiếng một ngày 
  • Ngủ quá nhiều (thường do kiệt sức) 
  • Hay giật mình, tỏ ra rất đa nghi 
  • Dễ bị kích động 
  • Có hành vi phá hoại 
  • Tỏ ra chán ăn 
  • Có hành vi bị ám ảnh/ tự kỷ ám thị (như lẩn trốn/ chạy đuổi bóng của bản thân) 
  • Không thể tập trung 
  • Tỏ ra quá mức tăng động 
  • Tăng vấn đề tiểu tiện và đại tiện 
  • Nôn mửa và tiêu chảy 

Làm thế nào để giảm tình trạng stress ở chó? 

Để giúp giảm tỉnh trạng stress, trước tiên người chủ cần phải hiểu rõ chó nhà mình, sau đó quan sát và cảm nhận tình hình thực tế của chúng. Một khi xác định được nguyên nhân, có rất nhiều phương pháp để giảm stress cho chó. 

Cách hiệu quả nhất để giúp chó vượt qua được trạng thái stress chính là loại bỏ nguyên nhân gây stress ra khỏi cuộc sống của chúng (VD như chó bị stress do quá nhiều tiếng ồn, có thể tạo ra một góc yên tĩnh và an toàn để giúp chúng lấy lại sự bình tĩnh). Khi vấn đề được giải quyết, chỉ một thời gian ngắn sau sẽ thấy chó hồi phục lại bình thường. Tuy nhiên, nên tham khảo ý kiến của bác sỹ thú y hoặc chuyên gia tâm lý để có một giải pháp đúng và phù hợp trước khi tiến hành bất cứ điều gì; bởi vì nếu chọn cách không đúng có thể làm tình hình tệ hơn. 

Các chuyên gia sẽ gợi ý một số phương pháp giúp chó vượt qua được trạng thái stress. Đa số sẽ giới thiệu vài cách để thay đổi môi trường sống hiện tại của chó - tạo một vùng an toàn để giúp chúng lấy lại được bình tĩnh; hoặc đề nghị cho chó tham gia một vài lớp học để dạy chúng thích nghi với hoàn cảnh sống. 

Đối với những con hung hăng hoặc bị trầm cảm, các chuyên gia tâm lý có thể đề nghị thay đổi chế độ ăn uống hiện tại hoặc tiến hành điều trị các liệu pháp bổ sung (bằng thảo dược hoặc thuốc). Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc điều trị, có thể thấy khá nhiều tác dụng phụ ảnh hưởng tới hành vi và tâm lý của chó, nên chỉ sử dụng khi không còn lựa chọn nào khác. 

Stress có thể khiến chúng ta cảm thấy rất khổ sở, thì stress cũng làm điều tương tự với chó. Nếu chó nhà bạn phải sống chung với stress - hãy từng bước giúp chúng thoát khỏi điều đó nhanh nhất có thể. 

-----
(Bài viết được trích từ Tạp chí Thú Cưng Tập 1 - 2017 của Nhà Xuất bản Thông tấn x Công ty TNHH Thương mại thú y Tân Tiến) 
Đơn vị thực hiện bài viết: Ceva Sante Animale, Tổng hợp từ cuốn Stress in Dogs - Tác giả: Martina Scholz & Clarissa von Reinhardt
Facebook Linkedin Top