CÁCH LÀM ĐỆM LÓT SINH HỌC TRONG CHĂN NUÔI GÀ
26/07/24
Bà con chăn nuôi chắc hẳn đã không còn xa lạ với việc làm đệm lót sinh học vì tác dụng tuyệt vời của nó. Đệm lót sinh học được dùng cho rất loài như bò, lợn và cả gà nữa. Bài viết dưới đây VINODA sẽ đề cập đến lợi ích của việc làm đệm lót sinh học và phương pháp làm đệm lót phổ biến nhất cho gà hiện nay
1. Lợi ích của đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà
- Đệm lót sinh học giúp gà khỏe mạnh, phát triển đồng đều, ít bệnh, tăng trưởng tốt, hạn chế được một số bệnh về chân như thối bàn chân, què chân
- Giúp giảm thiểu nguồn nhân lực dọn dẹp, vệ sinh chuồng cũng như nguyên liệu để làm chất độn chuồng vì không cần phải thay chất độn thường xuyên
- Đệm lót sinh học giúp tiêu hủy phân và nước tiểu của gà hiệu quả. Do đó hạn chế mùi hôi thối, khí độc ở trong chuồng. Cải thiện môi trường sống của vật nuôi giúp con vật phát triển tốt. Thêm nữa, nhờ chất đệm lót sinh học người chăn nuôi có thể phát triển mô hình chăn nuôi gà ở ngay trong khu vực dân cư đông đúc vì đã hạn chế được mùi, không làm ảnh hưởng đến mọi người xung quanh
- Giảm chi phí do tỉ lệ mắc bệnh như tiêu chảy, hen ở gà, Tỷ lệ chết của gà đẻ có thể giảm xuống mức 5%, còn gà thịt là 2%.
- Giảm ô nhiễm môi trường
2. Các cách làm đệm lót sinh học phổ biến cho gà
a. Làm đệm lót sinh học cho gà bằng trấu
- Mục đích: Phù hợp sử dụng để úm gà hoặc nuôi gà thịt với quy mô từ 30 đến 50m.
- Tiến hành:
B1: Rải trấu lên toàn bộ nền chuồng với độ dày khoảng 10cm. Sau đó thả gà vào.
B2: Sau một thời gian thì quan sát xem bề mặt chuồng đã bị phân gà trải kín chưa, nếu rồi thì dùng cào cào sơ lớp đệm lót. Lưu ý, khi cào phải quây gà gọn lại một phía để tránh làm xáo trộn đàn gà. Đối với gà nuôi úm thì sau 7 đến 10 ngày, còn nếu gà nuôi thịt thì 2 đến 3 ngày.
B3: Sau khi cào xong lớp mặt bạn hãy rắc chế phẩm để lên men toàn bộ bề mặt chất độn. Tiếp tục sử dụng tay xoa trên bề mặt để men được phân tán đều khắp mọi vị trí.
b. Làm đệm lót sinh học bằng mùn cưa hoặc kết hợp mùn cưa với trấu
- Mục đích: Phù hợp trong chăn nuôi gà, vịt, ngan, thỏ quy mô 30 đến 50m
- Tiến hành:
B1: Rải lớp mùn cưa với độ dày khoảng 15cm lên nền chuồng. Trường hợp bà con muốn sử dụng lớp đệm bằng cả mùn cưa và trấu thì phải trải trấu trước mùn cưa sau với tỉ lệ trải 8cm trấu rồi sau đó trải 7cm mùn cưa.
B2: Nếu mùn cưa khô, bà con cần phun nước sạch đều lên mùn cưa đảm bảo độ ẩm là 20%. Phải phun nước đều như phun mưa, thỉnh thoảng dùng tay xoa cho ẩm đều. Kiểm tra độ ẩm mùn cưa bằng cách quan sát thấy mùn cưa thấm ẩm mà nhìn với tơi rời là được. Lúc này hãy thả gà vào.
B3: Lại thực hiện tương tự như B2 làm lớp lót bằng trấu
B4: Rắc chế men lên bề mặt đệm lót tương tự như làm lớp lót cho gà bằng trấu
Ưu điểm: Mùn cưa có khả năng thấm hút tốt, do vậy sử dụng nó kết hợp với trấu sẽ giúp làm đệm sinh học tốt nhất, đem lại hiệu quả chăn nuôi cao
Làm đệm lót sinh học bằng mùn cưa là tốt nhất
3. Sử dụng và bảo dưỡng
- Luôn đảm bảo bề mặt đệm lót được tơi xốp: Cứ 1-2 ngày nên cào bề mặt đệm lót để bề mặt được tơi xốp và phân dễ phân hủy. Lưu ý không được cào sâu xuống sát nền chuồng. Bao nhiêu ngày thì cào một lần? Thời gian cào phụ thuộc vào lớp đệm lót có bị nén xuống sâu hay không và lượng phân nhiều hay ít, bà con nên dựa theo điều kiện thực tế để đưa ra mốc thời gian phù hợp
- Nếu thấy có mùi hắc, nên cào tơi lớp đệm lót và mở cửa thông thoáng, mùa nóng có thể mở thêm quạt gió
- Nếu thấy đệm lót có mùi NH3 hoặc thối nhẹ có nghĩa là phân chưa được phân giải tốt cần xử lí kịp thời. Các nguyên nhân có thể kể đến như: do đệm lót ướt quá; đệm lót bị nén không tơi xốp; men kém hoạt động. Tùy vào từng nguyên nhân mà có cách xử lí sao cho phù hợp. Chung quy cuối cùng vẫn phải làm khô, xới tơi đệm lót và bổ sung thêm chế phẩm men
- Sau một thời gian sử dụng cần bảo dưỡng để lớp đệm lót luôn được khô và tơi xốp, tiêu hủy phân tốt. Bảo dưỡng bằng cách xới tơi lớp đệm lót rồi bổ sung thêm chế phẩm men. Thường bảo dưỡng vào buổi chiều mát để không làm ảnh hưởng đến gà.
- Tránh nước mưa làm ướt đệm lót
- Nếu thấy nước uống của gà làm ướt lớp đệm lót phải thay ngay bằng lớp trấu mới.
- Do nhiệt độ ở đệm lót luôn ấm nóng nên khi úm gà chỉ cần quây kín ở dưới khoảng trên dưới 50cm còn phía trên phải để thoáng, đặc biệt trong mùa nóng.
- Mùa nóng khi úm gà do đệm lót luôn luôn ấm vì vậy nên treo đèn cao hơn để tránh nhiệt độ cao làm bốc hơi nước làm cho gà bị nhiễm lạnh, ẩm dễ sinh bệnh
4. Thời gian sử dụng đệm lót
Thời gian sử dụng đệm lót phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng nếu các bác sử lí đệm lót tốt thì có thể kéo dài thời gian sử dụng từ 6 tháng đến một năm hoặc có thể dài hơn
* Các yếu tố ảnh hưởng đến thời gian sử dụng đệm lót
- Nguyên liệu dùng làm đệm lót: Dùng chất độn là mùn cưa tốt nhất. Có thể sử dụng riêng mùn cưa hoặc cả trấu và mùn cưa, nhưng cần chú ý là trấu được rải ở dưới còn mùn cưa thường được rải ở lớp trên mặt.
- Chất độn mỏng sẽ có thời gian sử dụng ngắn hơn so với chất độn dầy
- Bảo dưỡng đệm lót tốt thì thời gian sử dụng sẽ được lâu: luôn giữ cho đệm lót khô, tơi xốp
Nguồn tổng hợp