Cart

CÁCH CHĂM SÓC ĐÀN BÒ NUÔI THÂM CANH THEO TỪNG GIAI ĐOẠN

Việc chăm sóc nuôi dưỡng là một yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển, sức khỏe và năng suất của con vật. Lựa chọn thức ăn phù hợp và bổ sung vào thời điểm hợp lí là điều cần thiết. Mời bà con tham khảo cách chăm sóc đàn bò nuôi thâm canh theo từng giai đoạn

Nuôi bò thâm canh là phương thức nuôi nhốt tại chuồng, phù hợp những địa phương có không gian hạn chế, với ưu điểm là kiểm soát được nguồn thức ăn nên tăng khả năng tăng trọng và kiểm soát bệnh tốt hơn.
 

1. Nhu cầu dinh dưỡng

* Đối với bò thịt
Phải đảm bảo đủ các yếu tố dinh dưỡng như năng lượng, protein, khoáng chất, vitamin và chất xơ. Thức ăn cho bò bao gồm có các loại sau:
- Thức ăn thô xanh: Là những thực phẩm có sẵn trong tự nhiên hay cỏ trồng: cỏ voi, Ghinê, VA06,.. Ngoài ra có thể tận dụng phụ phế phẩm nông nghiệp như cây ngô, mía, lạc,..
- Thức ăn khô: Chủ yếu là rơm rạ. Để tăng tỷ lệ tiêu hóa và tăng dinh dưỡng, rơm cần được xử lý trước khi cho bò ăn bằng cách ủ rơm với urê. Vào mùa đông thì cần phơi khô cỏ để dự trữ thức ăn cho bò
- Thức ăn tinh: Loại này thường được sử dụng trong giai đoạn bò mang thai và nuôi con đặc biệt là giai đoạn cần vỗ béo. Cám gạo, ngô, bột sắn… trộn thêm khô đỗ tương, bột cá để được hổn hợp thức ăn đảm bảo dinh dưỡng.
Ngoài ra, một thứ nên có trong khẩu phần dinh dưỡng của bò là khoáng. Khoáng được bổ sung dưới dạng tảng đá liếm để bò liếm tự do. Chất khoáng giúp bò sinh trưởng phát triển tốt, đặc biệt để nâng cao khả năng sinh sản cho bò cái
 

Cỏ tươi là nguồn thức ăn giá rẻ cho bò

1. Giai đoạn 1 (1-5 tháng tuổi)

Giống như trẻ mới sinh, bê con nên được bú sữa đầu càng sớm càng tốt. Tốt nhất là duy trì ít nhấ trong 1 tháng đầu đời. Bê con nên được nuôi nhốt cạnh bò mẹ, trong chuồng, không nên chăn thả. Từ tháng thứ 2 – 3, tập cho bê ăn cỏ xanh phơi khô được nắng. Nhiều bác sẽ thắc mắc, cho bê con ăn cỏ tươi được không? Thì câu trả lời là không nên vì bê con mới sinh sức đề kháng kém, dễ mắc các mầm bệnh mà trong cỏ tươi có thể chứa các mầm bệnh tiềm tàng nên việc phơi nắng sẽ làm giảm bớt nguy cơ rủi ro. Cho bê con uống nước đầy đủ, nhu cầu của bê sau 1 tháng tuổi là 5 – 10 lít nước mỗi ngày. Đừng quên tiêm phòng vaccine đầy đủ cho bê con các bác nhé: Vaccine sốt rét, viêm ruột hoại tử, viêm khớp, tụ huyết trùng, đậu, lở mồm long móng,...Từ tháng thứ 4 – 5, lượng thức ăn thô khoảng 5 – 7 kg cỏ/con/ngày, thức ăn tinh 0,6 – 0,8 kg/con/ngày. Hàng ngày nên bổ sung thêm lượng thức ăn tinh bằng 0,5% trọng lượng cơ thể (0,5 – 0,7 kg). Các bác có thể cho bê con tập ăn các loại rau củ quả có sẵn trong gia đình như: khoai lang, bí đỏ,.. Khi trời nắng ấm nên thả bê con ra ngoài dạo chơi nhằm hấp thụ ánh nắng mặt trời, giúp xương chắc khỏe
 

2. Giai đoạn 2 (6-21 tháng tuổi)

Giai đoạn này lại được chia làm 2 giai đoạn nhỏ hơn: Giai đoạn sau cai sữa 6-12 tháng và giai đoạn 13-21 tháng
- Giai đoạn sau cai sữa 6-12 tháng: 6 tháng là thời điểm bê con nên được cai sữa và chuyển sang giai đoạn nuôi thịt. Cho ăn thức ăn thô thỏa mãn nhu cầu (khoảng 20 – 30 kg thức ăn thô xanh và 2 – 3 kg rơm/ngày), hàng ngày bổ sung thêm lượng thức ăn tinh bằng 0,5 – 1% trọng lượng cơ thể (khoảng 1 – 1,5 kg). Một nghiên cứu tại Mỹ chỉ ra rằng: Cai sữa sớm cho bê con mang lại nhiều lợi ích nhất là ở những khu vực có điều kiện khắc nghiệt. Bò cái cho bê cai sữa sớm sẽ có trọng lượng nặng hơn và sức khỏe tốt hơn vào mùa đông, giảm được lượng thức ăn chăn nuôi dể duy trì trọng lượng đạt yêu cầu. Cai sữa sớm giúp việc kiểm soát môi trường được dễ dàng hơn và làm tăng khả năng đậu thai sớm của bê cái trong mùa sinh sản. Việc cai sữa sớm cũng giúp những chú bê con trưởng thành sớm hơn so với những con cai sữa muộn
- Giai đoạn 13-21 tháng: Đây là giai đoạn bê con cần nhiều thức ăn thô xanh nhất. Thả bê vào một đồng cỏ xanh ngát chắc chắn là điều mà chúng hằng mong ước. Thức ăn thô thỏa mãn nhu cầu (khoảng 30 – 35 kg thức ăn thô xanh và 2 – 2,5 kg rơm/ngày), hàng ngày bổ sung thêm lượng thức ăn tinh bằng 1 – 1,5% trọng lượng cơ thể (khoảng 2,5 – 3 kg). Ngoài ra, các bác cũng có thể cho chúng ăn thêm thức ăn ủ chua, cỏ khô, rơm ủ với urê và các loại phụ phẩm nông nghiệp như các loại hạt có dầu, khô dầu, rỉ mật, cỏ tươi,...
 

3. Giai đoạn vỗ béo

Đây là giai đoạn vô cùng quan trong trong chăn nuôi bò nó ảnh hưởng đến trọng lượng và chất lượng thịt. Cũng sẽ ảnh hưởng đến kinh tế của bà con nếu bê con đạt trọng lượng không mong muốn. Thời gian vỗ béo từ 80 – 90 ngày, giai đoạn này cần cho bò ăn khẩu phần ăn có tỷ lệ thức ăn tinh cao, uống đủ nước, nuôi nhốt hoàn toàn để cao chất lượng thịt bò, tăng tỷ lệ thịt xẻ. Tuy nhiên các bác cần lưu ý, để việc vỗ béo diễn ra hiệu quả nhất thì các bác cần tẩy giun cho chúng trước đó
 

4. Phòng bệnh

Để đàn bò luôn trong trạng thái tốt nhất thì ngoài chế độ dinh dưỡng thì khâu phòng bệnh cũng vô cùng quan trọng
- Loại bỏ chất thải thường xuyên: Loại bỏ phân và nước tiểu hằng ngày, luôn giữ cho chuồng nuôi sạch sẽ khô ráo là cách để hạn chế mầm bệnh xâm nhập.
- Sử dụng vật liệu lót sàn: Để chuồng nuôi luôn khô ráo thì việc sử dụng chất lót sàn là giải pháp hữu ích và khiến việc dọn dẹp dễ dàng hơn. Các bác có thể sự dụng cát hoặc cỏ khô, mùn cưa, trấu,.. để hấp thụ nước tiểu và phân. Nền chuồng làm đệm lót nên là nền đất. Trường hợp nền xi măng cần đục lỗ hoặc đào rãnh để thoát nước
- Đối với những chú bò bị bệnh hoặc nghi bị bệnh các bác cần đem đi cách li ngay tránh lây nhiễm cho những con còn lại. Tiến hành chăm sóc điều trị cho con bò bị bệnh. Nếu nghi là bệnh truyền nhiễm, cần báo cáo cho chính quyền địa phương sở tại ngay lập tức để có biện pháp phòng và trị bệnh
- Vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng nuôi và khu vực xung quanh theo định kì
- Tiêm phòng vaccine đầy đủ
- Chủ động quan sát và theo dõi đàn vật nuôi
 
 
Nguồn tổng hợp
Facebook Linkedin Top