Cart

KĨ THUẬT BẢO QUẢN VÀ TIÊM PHÒNG VACCINE CHO VẬT NUÔI

Tiêm phòng vaccine và phương pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả cho vật nuôi. Nhưng để vaccine phát huy được hết tác dụng thì khâu bảo quản và kĩ thuật tiêm lại là yếu tố then chốt

 

Tiêm phòng vaccine cho vật nuôi phải đảm bảo nhanh gọn, đúng đối tượng, đúng thời gian, phát huy tối đa hiệu quả của vaccine, tạo miễn dịch đồng loạt, khép kín

1. Bảo quản vaccine 

Tùy từng loại vaccine sẽ có điều kiện bảo quản khác nhau và được ghi rõ trên nhãn hướng dẫn sử dụng. Thông thường vaccine sẽ được bảo quản ở nhiệt độ 2-8oC. Khi vận chuyển, vaccine phải được đựng trong dụng cụ chuyên dụng, tránh va đập mạnh, tránh ánh sáng trực tiếp.
 

2. Đối tượng và kĩ thuật tiêm vaccine

- Đối tượng: Từng loại vaccine sẽ có đối tượng sử dụng khác nhau và cũng được ghi rõ trên nhãn hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất. Toàn bộ gia súc, gia cầm đều nên tiêm phòng vaccine
- Kĩ thuật tiêm: Đối với vaccine nhược độc đông khô, khi sử dụng phải được pha bằng nước sinh lý của nhà sản xuất. Vaccine pha xong nên dùng càng sớm càng tốt. Tối đa 2-3 giờ sau khi mở nắp. Đối với vaccine vô hoạt, vaccine vi khuẩn nhược độc dạng lỏng, khi dùng phải lắc kỹ, tiêm trong ngày không hết phải hủy. Tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào vaccine
Câu hỏi được đặt ra là nếu tiêm nhiều loại vaccine cùng một lúc cho con vật được không? Câu hỏi là được, nhưng mỗi loại vaccine phải tiêm ở các vị trí khác nhau và dùng kim tiêm, bơm tiêm riêng. Đảm bảo con vật hoàn toàn khỏe mạnh khi tiêm vaccine. Xoa bóp chỗ tiêm để vaccine tan đều và giảm cảm giác đau cho con vật. Theo dõi tình trạng của con vật sau khi tiêm vaccine ít nhất từ 1 – 2 giờ, chủ động thuốc để xử lý khi con vật bị phản ứng vaccine. Dụng cụ dùng cho tiêm phòng vaccine phải được vô trùng tuyệt đối mới được sử dụng. Tùy từng loại vaccine mà có đường đưa thuốc vào cơ thể con vật cũng khác nhau: có thể nhỏ mắt, mũi, cho uống (như vaccine lasota chịu nhiệt), tiêm bắp, tiêm dưới da,.. Đảm bảo gia súc đã được khống chế cẩn thận, đảm bảo an toàn cho người tiêm
 

3. Giám sát sau tiêm

Đây là biện pháp để kiểm tra khả năng sinh kháng thể của vaccine, đánh giá hiệu quả công tác tiêm phòng, chất lượng vaccine. Thời điểm lấy mẫu sau 21 ngày kể từ thời điểm tiêm phòng gần nhất là tốt nhất. Các bệnh được đặc biệt quan tâm như bệnh cúm gia cầm, dịch tả lợn cổ điển, bệnh lở mồm long móng

Lấy mẫu máu sau 21 ngày để kiểm tra kháng thể


4. Giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm

Thường xuyên theo dõi, giám sát đàn gia súc gia cầm. Nếu thấy con vật có triệu chứng bất thường cần thăm khám để có phương án điều trị thích hợp. Nếu trang trại xảy ra bệnh truyền nhiễm phải báo cáo ngay cho chính quyền cơ sở và cơ quan thú y các cấp để tổ chức điều tra, xác minh, lấy mẫu của gia súc, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh để chẩn đoán xác định tác nhân gây bệnh, phục vụ cho công tác phòng chống dịch. Tuyệt đối không được giấu dịch, không bán chạy, bán chui gia súc gia cầm. 
Chủ trang trại cần kê khai hoạt động chăn nuôi với chính quyền địa phương theo quy định của Luật chăn nuôi. 
 
Một lần nữa chúng mình cần nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc tiêm phòng vaccine cho vật nuôi. Nhưng đồng thời bà con cũng cần trang bị cho mình kiến thức bảo quản vaccine và kĩ thuật tiêm vaccine để vaccine có thể phát huy hiệu quả tốt nhất.
Báo Người chăn nuôi
Facebook Linkedin Top