Một số kĩ thuật nuôi vịt trên cạn
26/11/24
Ngoài việc chăn nuôi gà và lợn đem lại hiệu quả kinh tế thì chăn nuôi vịt cũng là mô hình được nhiều bà con quan tâm. Trong đó có kĩ thuật nuôi vịt trên cạn với ưu điểm dễ chăm sóc, hạn chế dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường, đặc biệt người dân có thể chủ động khu vực nuôi sao cho thuận tiện trong quản lý. Mời bà con cùng tham khảo bài viết dưới đây
1. Vịt giống
Đối với bất kể việc chăn nuôi con vật gì thì con giống vẫn luôn là yếu tố quan trọng cần được để tâm. Có rất nhiều giống vịt trên thị trường nhưng bà con có thể tham khảo một số giống vịt sau đây:
- Giống vịt Grimaud: Có nguồn gốc từ Pháp do Tập đoàn Grimaud (Công ty Grimoud Frère) lai tạo thành, là giống vịt siêu nạc, thịt dày và thơm ngon. Đây là giống vịt có trọng lượng lớn, đạt 3,3 – 3,5 kg/con sau khoảng 42 – 45 ngày nuôi và có thể xuất bán. Ngoài ra, vịt Grimaud cũng dễ nuôi hơn các giống vịt khác, khả năng thích nghi tốt, chịu được mưa, gió, ít bệnh, ăn uống dễ, tỷ lệ hao hụt thấp, chỉ khoảng 2 – 3%.
- Vịt Bắc Kinh: Cho sản lượng thịt cao sản lớn. Giống vịt này có thể xuất bán vào 72 ngày tuổi sau khi nuôi, trọng lượng đạt 2,2 – 2,3 kg/con. Là một giống vịt nhà sử dụng chủ yếu để lấy thịt và trứng. Đây là giống vịt cho thịt nổi tiếng và được nuôi ở nhiều trên thế giới và là nguyên liệu để làm món vịt quay Bắc Kinh. Chắc bạn cũng từng thử qua rồi nhỉ
- Vịt nông nghiệp: Là giống vịt lai có thân hình to lớn. Vịt có thể xuất bán từ lúc được 49 ngày nuôi với khối lượng đạt 2,2 – 2,3 kg/con. Giống vịt này đang được nuôi nhiều ở khu vực miền Nam nước ta.
- Vịt CV.Super M hay còn gọi là vịt siêu thịt: Có nguồn gốc từ Anh, lông có màu trắng, là giống vịt dễ nuôi, ăn tạp, khả năng tận dụng thức ăn cao, lớn rất nhanh, thịt ngon tuổi đẻ của vịt bố mẹ là 25 tuần tuổi. Vịt thương phẩm nuôi nhốt 2 tháng trọng lượng có thể đạt 3 – 3,4kg, tiêu tốn thức ăn 2,6 – 2,8 kg/kg tăng trọng.
Dù lựa chọn bất kì giống vịt nào thì các bác cũng cần đảm bảo vịt được nhập từ cơ sở có nguồn gốc rõ ràng, uy tín, đảm bảo chất lượng. Con giống phải khỏe mạnh, nhanh nhẹn, phản ứng nhạy bén. Các đặc điểm chi tiết cần đảm bảo yêu cầu: mỏ khép kín, chân bóng, cứng cáp, đi lại bình thường, bụng thon gọn, đạt cân nặng tiêu chuẩn và được tiêm phòng đầy đủ
Giống vịt siêu nạc Grimaud
2. Hình thức nuôi
Để nuôi vịt trên cạn bà con có thể lựa chọn một trong số các hình thức nuôi dưới đây để phù hợp với điều kiện chăn nuôi thực tế của gia đình
- Nuôi trên vườn cây: phù hợp với những trang trại có sẵn vườn cây rộng với độ dốc vừa phải, bề mặt bằng phẳng, đất chắc để tránh trời mưa ngập úng, nước tù đọng. Có thể là vườn trồng keo, trồng cao su, bạch đàn… các loại cây lấy gỗ, cây ăn quả lâu năm tán rộng (nhãn, xoài, mít)…Ngoài ra, cần đảm bảo cây trong vườn cao ít nhất từ 1-2m để vịt không làm hỏng cây. Xung quanh phải quây bằng hàng rào sắt hoặc tre để tránh tình trạng vịt đi ra ngoài mất hoặc trộm cắp. Cạnh vườn cây nuôi vịt nên có một ao nước sạch để vịt có thể chơi đùa, uống nước
- Nuôi nhốt chuồng: Chọn địa điểm làm chuồng cao ráo, độ dốc vừa phải. Khu vực làm chuồng yên tĩnh, đảm bảo thuận tiện vệ sinh. Chuồng phải thoáng mát sạch sẽ, khô ráo, tránh mưa tạt, gió lùa. Hướng xây dựng chuồng tốt nhất là hướng Đông để có thể đón ánh nắng buổi sáng và tránh ánh nắng gay gắt vào buổi chiều. Giống như việc nuôi gà, có thể nuôi trực tiếp trên nền đệm lót hoặc kiểu chuồng nuôi trên sàn. Sàn có thể chọn sàn nhựa cứng, lưới nhựa, lưới kim loại,..nhưng cần đảm bảo chung mắt lưới phù hợp, không quá to sẽ làm mắc chân mắc mỏ vịt, cũng không được quá nhỏ sẽ không rơi được phân. Kích thước phù hợp là 1x1cm. Độ cao của sàn so với mặt nền bê tông đảm bảo lớn hơn 50cm, nền chuồng nên láng xi măng nhẵn, độ dốc 3% để đảm bảo thoát nước tốt. Còn về diện tích chuồng nuôi cần phù hợp với mật độ và từng độ tuổi của vịt.
3. Dinh dưỡng: Thức ăn, nước uống
Cần đảm bảo cung cấp đầy đủ thức ăn nước uống cho con vật, thức ăn phải được cân bằng đầy đủ các nhóm chất. Ưu tiên sử dụng thức ăn viên công nghiệp đúng chủng loại theo từng giai đoạn phát triển của đàn vịt. Giai đoạn vịt con 1 – 28 ngày tuổi, protein thô chiếm khoảng 22%, năng lượng trao đổi 3.000 Kcal/kg. Giai đoạn 29 – 56 ngày, protein thô chiếm 17 – 18%, năng lượng trao đổi đảm bảo 3.100 Kcal/kg.
Vịt là loài vật cần nhiều nước, do đó các bác cần cung cấp đủ nước cho vịt uống cũng như để "nghịch". Nguồn nước phải sạch sẽ.
4. Chế độ chăm sóc
Kiểm tra thức ăn hằng ngày cho vịt để điều chỉnh cho phù hợp. Nếu nhiều thì cắt bớt tránh lãng phí, dễ sinh nấm mốc,..ít thì bổ sung thêm. Bảo quản thức ăn nơi khô ráo, thoáng mát. Đối với thức ăn tự chế, một số loại thức ăn cần sản xuất và ăn trong ngày, không nên để quá lâu, không sử dụng thức ăn ôi thiu, nấm mốc vì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của con vật
Lựa chọn thức ăn phù hợp với từng độ tuổi của vịt
Vệ sinh tiêu độc chuồng nuôi định kì. Đối với sàn cần xịt rửa 2-3 lần/ngày. Loại bỏ sạch phân trên nền chuồng và thoát nước tốt để chuồng được khô ráo. Nền chuồng ướt sẽ dễ gây ô nhiễm về mùi, làm tăng nhiệt độ và ẩm độ, khó kiểm soát mầm bệnh. Cần thường xuyên thay mới chất độn chuồng, làm sạch lông rác trên nền chuồng cũng như khu vực chơi của vịt, nếu được thì các bác có thể bổ sung thêm chế phẩm sinh học giúp khử mùi và phân hủy nhanh các chất hữu cơ trong chất thải chăn nuôi
Phát quang bụi rậm, không để ao tù nước đọng xung quanh khu vực chăn nuôi vì rất dễ là nơi trú ngụ của các động vật mang mầm bệnh trung gian như muỗi, các loài gặm nhấm,...
Tiêm phòng đầy đủ cho con vật để có sức đề kháng tốt nhất
Bổ sung thêm các vitamin, khoáng chất cho đàn vật nuôi
Báo Người chăn nuôi