Cục thú y cho biết: Không thể ngừng nhập khẩu gà loại thải
Bà Nguyễn Thu Thủy thông tin tại cuộc họp của Bộ NN-PTNT ngày 21.5 (Ảnh: Phan Hậu)
" Nếu nói thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam không đảm bảo chất lượng là chưa phù hợp" bà Thủy nói.
Tỉ lệ kiểm tra lô hàng nhập khẩu là 5%
Cũng theo bà Thủy, theo quy định hiện nay, tỷ lệ kiểm tra lô hàng nhập khẩu là 5%, nghĩa là trong 100 lô hàng chỉ kiểm tra 5 lô hàng. Kiểm tra thực phẩm động vật trên cạn nhập khẩu (thịt gà, thịt lợn, thịt bò…) trong 2 năm qua, cơ quan thú y chưa phát hiện vụ việc nào có tồn dư dư lượng trên thực phẩm đến mức phải cảnh báo.
Nhưng theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Cục Thú y đang cho rà soát lại tiêu chuẩn thực phẩm của các nước đang xuất khẩu thịt vào Việt Nam, trong đó tập trung vào 2 thị trường lớn là Hàn Quốc, Brazil để kịp thời phát hiện, khắc phục những bất cập.
"Có lỗ hổng về quản lý nhà nước"
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng trả lời của lãnh đạo Cục Thú y là đối với thực phẩm nhập khẩu chính ngạch, đồng thời đặt câu hỏi chất vấn về kiểm soát thực phẩm qua đường mòn, lối mở.
Trả lời câu hỏi của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, bà Thủy cho biết, theo báo cáo của các chi cục, đội kiểm soát liên ngành…, từ đầu năm đến nay, Việt Nam nhập khẩu trên 4.000 tấn thực phẩm qua đường mòn, lối mở; trong đó chủ yếu là chân gà, gà giống, vịt giống… Cục Thú y sẽ tham mưu với Bộ NN-PTNT trình Chính phủ có chỉ thị tăng cường công tác kiểm soát các đường mòn, lối mở.
Chưa hài lòng với nội dung trả lời, Bộ trưởng Lê Minh Hoan tiếp tục nêu vấn đề: "Vừa qua báo chí đưa tin, xe chở thịt đi từ miền Bắc vào miền Nam, khỏi cần kiểm tra gì hết, khi bắt giữ, mở ra là có mùi hôi".
Tiếp tục trả lời vấn đề ông Hoan nêu, bà Thủy cho rằng, kiểm soát thịt di chuyển trong nước là trách nhiệm của đơn vị kiểm dịch nội địa. Nhưng các chi cục chỉ kiểm tra được ở nơi đi và nơi đến, còn trên đường thì "cũng không thể dừng xe để kiểm soát được".
Bà Thủy khẳng định: "Việc kiểm soát thực phẩm trên đường đi của các đơn vị thú y hiện nay cũng khó khăn. Trước đây, các chi cục thú y đều ủy quyền cho các trạm thú y thực hiện. Hiện nay, ở nhiều nơi, trạm thú y đã được nhập vào các trung tâm dịch vụ nông nghiệp. Các trung tâm này không có chức năng thực hiện công tác kiểm dịch nên kiểm soát thực phẩm là vấn đề khó khăn ở những địa bàn rộng, xa các chi cục".
"Chốt" lại sau phần trả lời của lãnh đạo Cục Thú y, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng: "Rõ ràng là có lỗ hổng quản lý nhà nước".
Trong 5 năm gần đây, sản lượng gà nhập khẩu tăng liên tục, ước tính chiếm 20 - 25% tổng sản lượng thịt
Mới đây, VIPA đã gửi văn bản kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các bộ, ngành xem xét một số nhóm giải pháp cấp bách và lâu dài nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành gia cầm. Trong văn bản này, VIPA dẫn thông tin số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 5 năm gần đây, sản lượng thịt gà nhập khẩu hàng năm tăng liên tục, ước tính chiếm 20 - 25% tổng sản lượng thịt gà tiêu thụ ở nước ta.
Cũng theo VIPA, trong thời gian qua, tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam tiếp tục diễn ra phức tạp tại các địa phương có chung biên giới với các nước, đặc biệt là tại các tỉnh miền Trung và miền Nam.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của VIPA, mỗi tháng có hàng chục nghìn tấn gà thải loại được nhập lậu qua biên giới vào nước ta. VIPA khẳng định, gà sống, thịt gà nhập lậu không những là một trong các nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm các chủng virus cúm gia cầm thể độc lực cao và các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác vào Việt Nam, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi gia cầm trong nước.
VIPA kiến nghị Chính phủ kịp thời ban hành văn bản cấm nhập khẩu các sản phẩm thịt gia cầm từ các nước có sử dụng chất kích thích sinh trưởng ractopamine, cysteamine. Đồng thời, VIPA cũng kiến nghị Bộ NN-PTNT cùng các bộ, ngành liên quan cần triển khai ngay các biện pháp phi thuế quan để bảo vệ sản xuất và sức khỏe người tiêu dùng nước ta.