Hải Dương - Đề xuất khu vực không được phép chăn nuôi
12/11/24
Tại phiên họp UBND tỉnh tháng 11 (lần 1) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương đề xuất các khu vực không được phép chăn nuôi và mức hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi phải di dời với dự kiến nhu cầu kinh phí hỗ trợ là 4,22 tỷ đồng.
Trong Nghị Quyết có quy định khu vực không được phép chăn nuôi thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hải Dương
Theo số liệu báo cáo từ các huyện, thị xã, thành phố và rà soát thực tế tại khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi đề xuất trong dự thảo Nghị quyết, hiện có 510/236.750 hộ chăn nuôi (chiếm 0,21% số hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh). Trong đó có 469 hộ (chiếm 91,96 %) chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô nông hộ; có 40 hộ (chiếm 7,84%) chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ và 1 hộ (chiếm 0,2%) chăn nuôi trang trại quy mô vừa. Mặt khác, tổng số gia súc, gia cầm tại khu vực đề xuất không được phép chăn nuôi khoảng 48.000 con, chỉ chiếm 0,27% tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh (khoảng 17,6 triệu con), vì vậy khi Nghị quyết được ban hành sẽ không ảnh hưởng nhiều đến phát triển sản xuất chăn nuôi của tỉnh.
Nghị quyết được đưa ra nhằm mục đích đưa nền chăn nuôi của tỉnh phát triển theo hướng bền vững. Hạn chế và giải quyết tình trạng gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư và khu vực nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn.
Dự thảo cũng quy định 12 huyện, thành phố, thị xã không được phép chăn nuôi các loại vật nuôi bao gồm gia súc, gia cầm và các loại động vật khác trong chăn nuôi, trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường.
Với các cá nhân, tổ chức có cơ sở chăn nuôi tại các khu vực không được phép chăn nuôi sẽ được hỗ trợ di dời đến điểm mới hoặc chuyển đồi ngành nghề. Lưu ý là những cơ sở chăn nuôi nào hoạt động trước ngày Luật Chăn nuôi có hiệu lực thi hành thì mới đủ điều kiện được hỗ trợ
Để Nghị Quyết này không làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, đề xuất hỗ trợ 50% chi phí mua sắm thiết bị công trình và thiết bị công nghệ chăn nuôi theo diện tích chuồng trại hiện có của cơ sở chăn nuôi thuộc đối tượng phải di dời; mức hỗ trợ tối đa không quá 10 tỷ đồng/cơ sở. Hỗ trợ 50% chi phí di dời vật nuôi đến địa điểm mới phù hợp; mức hỗ trợ tối đa không quá 500 triệu đồng/cơ sở. Hỗ trợ 100% chi phí đào tạo, tập huấn để chuyển đổi từ chăn nuôi sang các nghề khác; mức hỗ trợ 3 tháng lương cơ bản/người. Kinh phí dự trù hỗ trợ là 4,22 tỉ đồng
Nhằm giải đáp nỗi lo cho bà con, "nếu không chăn nuôi thì tôi biết làm gì?" Chủ tịch UBND Tỉnh đã yêu cầu các cấp chủ động rà soát lại các khu vực chịu tác động của nghị quyết này, bảo đảm không bị sót lọt các hộ chăn nuôi ở khu vực không được phép. Bố trí quỹ đất cho chăn nuôi tập trung. Hỗ trợ kinh phí để bà con tiếp tục cuộc sống mới
Nghị quyết vẫn đang trong quá trình nhận góp ý tiếp tục hoàn thiện và sẽ báo cáo UBND tỉnh để sớm trình HĐND tỉnh tại kỳ họp gần nhất.
Lí giải lí do tại sao lại có Nghị quyết quy định khu vực không được phép chăn nuôi vì Đây là chủ trương hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế và định hướng phát triển đô thị của nhiều địa phương. Điều này cũng sẽ tạo nên các vùng chăn nuôi an toàn, bảo đảm vệ sinh và văn minh đô thị. Việc chăn nuôi tại các tỉnh, thành phố đa số là chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ - Mà chăn nuôi nông hộ hiệu quả kinh tế không cao, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh, khó quản lý giám sát các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi. Mặt khác chất thải, nước thải, mùi hôi chuồng trại đã ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống dân cư, tác động đến sức khỏe con người, gây mất mỹ quan đô thị, đồng thời làm giảm chất lượng sản phẩm, không đảm bảo VSATTP. Chính vì vậy, các cơ sở chăn nuôi trong khu vực nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư cần phải dừng hoạt động theo quy định của Luật Chăn nuôi 2018.
Báo Người chăn nuôi