Chắc hẳn chất cấm trong chăn nuôi đã không còn xa lạ với bà con nông dân và người tiêu dùng. Có lẽ chất cấm phổ biến nhất có thể kể đến là: Salbutamol
Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, hiện nay một số địa phương phản ánh và các phương tiện thông tin truyền thông cũng đã đưa tin về các trường hợp vi phạm quy định sử dụng và nghi sử dụng chất cấm thuộc nhóm Salbutamol đối với vật nuôi tại khu cách ly nhập khẩu, cơ sở nuôi vỗ béo, cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc có nguy cơ không bảo đảm an toàn thực phẩm, vi phạm quy định của pháp luật. Do đó, ngày 10/1/2023 Bộ trượng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã có công điện khẩn số 167/CĐ-BNN-TY gửi Chủ tịch UBND các tỉnh , thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lí các trường hợp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, giết mổ gia súc.
Như bà con đã biết, Salbutamol khi cho vật nuôi ăn sẽ giúp con vật nở mông, nở đùi, tăng trọng nhanh, đặc biệt là tiêu biến mỡ và tăng tỉ lệ nạc. Khi người tiêu dùng ăn phải thịt có chứa chất tạo nạc, sau một thời gian tích lũy sẽ bị nhiễm độc gây nhức đầu, run tay chân, buồn nôn, tim đập nhanh, tăng hoặc giảm huyết áp, rối loạn tiêu hóa. Có khi bị nhược cơ, giảm vận động của cơ, khớp, cơ thể phát triển không bình thường. Có trường hợp biến chứng gây ra bệnh ung thư, tổn hại đến hệ thần kinh, hệ tuần hoàn và nặng nhất có thể dẫn đến tử vong.
Ảnh: Thịt lợn sử dụng Salbutamol
Để kiểm soát, giám sát, xử lí các trường hợp sử dụng Salbutamol cần:
- Sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan, chính quyền các cấp của địa phương với cơ quan chuyên môn về chăn nuôi, thú y.
- Tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về những nguy hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đối với sức khỏe cộng đồng và uy tín của ngành chăn nuôi Việt Nam
- Thông tin kịp thời cho dư luận biết về tình hình và danh tính của các đối tượng vi phạm việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trên địa bàn
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kinh doanh, mua bán, vận chuyển chất cấm; sử dụng chất cấm đối với vật nuôi tại cơ sở nuôi vỗ béo, cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc (trâu, bò, heo) trên địa bàn
- Tổ chức thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu giám sát sử dụng chất cấm tại các cơ sở nuôi vỗ béo, cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc (trâu, bò, lợn) trên địa bàn
Ảnh: Kiểm tra, giám sát tại cơ sở giết mổ
- Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật
- Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện chương trình giám sát sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tại địa phương
- Chỉ đạo, thành lập các chuyên án, đấu tranh và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, vận chuyển, giết mổ trâu, bò, heo chưa được kiểm dịch của cơ quan thú y, sử dụng và nghi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Các địa phương cần thực hiện định kỳ vào ngày 30 hằng tháng báo cáo kết quả về Bộ NN&PTNT để tổng hợp.
* Từ ngày 01/07/2016, Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực các hành vi sử dụng chất tạo nạc cấm trong chăn nuôi sẽ được xếp vào khung xử lý hình sự thay vì hành chính như trước. Các hành vi dùng chất cấm, ngay cả khi chưa xác định được hậu quả nghiêm trọng, sẽ bị phạt tù từ 1-5 năm. Nếu có tình tiết tăng nặng, hành vi sử dụng chất tạo nạc cấm trong chăn nuôi có thể xử phạt tù lên đến 20 năm tù giam.
Theo báo Người chăn nuôi