Cart

An Giang: Tăng cường phòng, chống bệnh dại

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm. Những người mắc bệnh dại đã lên cơn đều dẫn đến tử vong 100%. Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh. Tuy vậy, bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vaccine và huyết thanh kháng dại.

Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương với nguồn truyền bệnh chính là chó. Bệnh lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên trên da bị tổn thương. Sau khi người bị động vật dại cắn, thời gian ủ bệnh từ 2 tuần đến 1 hoặc 2 năm (trung bình khoảng 2 tháng). Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách xa gần từ vết thương đến não bộ. Vết thương nặng, càng gần các đầu mút thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh ngắn. Ngược lại, nếu vết thương nhẹ, xa thần kinh trung ương, “đoạn đường” di chuyển của virus lên đến não và thời gian ủ bệnh sẽ dài hơn.

Ngay khi bị nhiễm virus, triệu chứng đầu tiên của người bệnh là đau đầu, sốt, mệt mỏi, cảm giác tê và đau ngay tại vết thương. Khi virus xâm nhập sâu vào não bộ (thể viêm màng não), người bệnh bắt đầu có biểu hiện mất ngủ, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, sợ gió, vã mồ hôi, mắt long sòng sọc, tăng tiết nước bọt, hạ huyết áp. Bệnh tiến triển tăng đến mức người bệnh không thể uống nước, không nuốt được, ăn uống trở nên cực kỳ khó khăn. Ở thể này, người bệnh sẽ chết chỉ sau 1 tuần kể từ ngày phát bệnh. Thể bại liệt ít gặp hơn, thể này khiến người bệnh tê liệt toàn bộ cơ thể, rối loạn tiểu tiện, đại tiện, liệt tay, chân. Người bệnh sẽ tử vong ngay nếu liệt lan đến cơ hô hấp. 

Nếu không may bị chó, mèo hoặc động vật hoang dã cắn, cần phải rửa vết thương ngay với xà bông và xả dưới nước sạch chảy liên tục trong thời gian khoảng 10 - 15 phút. Nếu không có xà bông, có thể rửa ngay vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả nhất để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại. Sau đó, tiếp tục rửa kỹ vết thương với cồn 70% hoặc cồn iod. Điều này giúp giảm và tiêu diệt bớt lượng virus dại bị lây nhiễm qua vết cắn. Bệnh dại hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng vaccine đúng và đầy đủ. Những trường hợp chủ quan không tiêm ngừa cũng như theo dõi động vật sau khi cắn có nguy cơ cao sẽ phát dại. 

Theo Giám đốc Sở Y tế An Giang Trần Quang Hiền, khi bị động vật nghi dại cắn, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn và tiêm vaccine ngừa dại. Tuyệt đối không chữa bằng thuốc nam hay các biện pháp được đồn đại trong dân gian, như: Bôi dầu gió, dầu hỏa, dầu xanh, đắp ớt hiểm, đất sét, tỏi, củ kiệu, lấy nọc bằng dao liếc… Những biện pháp này không những không mang lại hiệu quả mà còn làm mắc thêm các bệnh nhiễm trùng khác do làm bẩn vết thương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, tỉnh đang triển khai các biện pháp nhằm kiểm soát và khống chế bệnh dại cho đàn chó nuôi trên địa bàn tỉnh, tiến tới loại trừ bệnh dại, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Theo đó, phấn đấu đến năm 2030, trên 95% số xã, phường, thị trấn lập được danh sách hộ nuôi chó; phấn đấu giai đoạn 2025 - 2030 kiểm soát được chó nuôi mắc hoặc nghi mắc bệnh dại; tỷ lệ tiêm phòng vaccine dại đạt trên 90% (hiện đạt trên 80%) so với tổng đàn chó trong diện tiêm tại các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh; phấn đấu trong 5 năm (2026 - 2030) liên tiếp đàn chó nuôi trên địa bàn không xảy ra bệnh dại.

Để thực hiện đạt các mục tiêu trên, nhân viên chăn nuôi và thú y các xã, phường, thị trấn phối hợp, tiến hành rà soát, cập nhật số liệu chó nuôi tại địa bàn để phục vụ công tác tiêm phòng; thực hiện tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó nuôi xuyên suốt cả năm nhưng tập trung vào 2 tháng cao điểm nắng nóng dễ xảy ra dịch bệnh (tháng 3 và 4). Nâng cao nhận thức cho người nuôi chó về tính chất nguy hiểm của bệnh dại và phòng ngừa bệnh dại ở động vật…

Đối với người nuôi chó phải có trách nhiệm đăng ký, chấp hành khai báo việc nuôi chó với trưởng khóm, ấp hoặc UBND cấp xã, phường, thị trấn, cụ thể là nhân viên chăn nuôi và thú y để tiến hành tiêm phòng dại khi có phát sinh; thực hiện cam kết nuôi nhốt (hoặc xích), giữ chó trong khuôn viên của gia đình; thực hiện đeo vòng cổ cho chó đã được tiêm phòng vaccine dại tại các địa phương; khi đưa chó ra khỏi nhà phải được xích và đeo rọ mõm đề phòng chó cắn người; nuôi chó đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường.

Người nuôi phải chấp hành tiêm vaccine phòng dại cho chó, mèo và phải thanh toán các khoản chi phí quản lý đàn chó, tiêm phòng theo quy định của pháp luật. Khi động vật đã xác định mắc bệnh dại, chủ vật nuôi phải chấp hành tiêu hủy con vật; thực hiện vệ sinh khử trùng tiêu độc toàn bộ chuồng, cũi, dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển, môi trường, thức ăn, chất thải, các vật dụng khác đã tiếp xúc với con vật mắc bệnh. Những con vật nghi mắc bệnh dại phải nhốt để theo dõi trong 10 ngày, chấp hành tiêm phòng bắt buộc cho chó, mèo khỏe mạnh trong ổ dịch, vùng dịch theo quy định.

Chủ vật nuôi có chó, mèo dại hoặc nghi dại cắn, cào người khác phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Minh Thư - Người chăn nuôi

Facebook Linkedin Top