Đàn bò Charolais trên đồng cỏ ở Saint Cosmes-en-Vairais, tây bắc nước Pháp. Ảnh: Jean-François MONIER/AFP.
Giảm sản lượng bò đồng nghĩa với tăng nhập khẩu thịt
Theo Cour des Comptes, một tòa án độc lập phụ trách kiểm toán quỹ công, Pháp cần giảm số lượng đàn bò nuôi để đáp ứng các cam kết về biến đổi khí hậu. Chính phủ Pháp gần đây đã công bố kế hoạch đẩy nhanh việc cắt giảm khí thải nhà kính, nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2030 giảm 50% lượng khí thải nhà kính so với năm 1990. Trong đó, kế hoạch đề cập đến mục tiêu giảm gần 20% lượng khí thải từ nông nghiệp, tuy nhiên vẫn chưa có bất kỳ chi tiết nào về cách Pháp sẽ thực hiện điều này.
Đàn bò chiếm 12% tổng lượng khí thải tại Pháp
Các trang trại Pháp được nhận định là tác nhân tạo ra gần một nửa lượng khí thải nông nghiệp với tổng đàn bò đạt 17 triệu con. chiếm 12% tổng lượng khí thải tại Pháp.
Cour des Comptes đã cho rằng “tình trạng chăn nuôi gia súc gây bất lợi cho khí hậu”. Bất chấp những nỗ lực khác nhằm giảm khí nhà kính (ví dụ như cố định các-bon trong đất), lượng khí thải nói chung vẫn ở mức rất cao. Báo cáo từ Cour des Comptes, công bố vào ngày 22/5, được đưa ra khi Thủ tướng Élisabeth Borne trình bày kế hoạch mới nhằm giảm lượng khí thải các bon trên tất cả các lĩnh vực. Kế hoạch này đòi hòi Bộ Nông nghiệp xác định chiến lược giảm lượng khí thải mêtan, nhấm mạnh yêu cầu cấp thiết về việc giảm đàn. Tòa án cho biết Bộ đã thông báo mục tiêu giảm đàn gia súc từ 17 triệu xuống 15 triệu vào năm 2035, tiến đến giảm còn 13,5 triệu vào năm 2050.
Khuyến nghị người dân ăn không quá 500g thịt một tuần
Pháp vẫn có thể sản xuất đủ thịt để nuôi sống người dân mà không cần nhập khẩu, với tiền đề là người dân tuân thủ khuyến nghị ăn không quá 500 g thịt một tuần.
Tuy nhiên, nông dân chăn nuôi gia súc tại Pháp cho rằng giảm đàn không phải là đáp án cho vấn đề này.
Theo tuyên bố của Hiệp hội liên ngành về gia súc và thịt của Pháp (Interbev), những cánh đồng cỏ làm thức ăn cho bò giúp thu giữ các bon và bảo vệ đa dạng sinh học. Hơn nữa, việc tiếp tục giảm đàn gia súc sẽ “làm tăng lượng thịt nhập khẩu”, từ đó đặt ra câu hỏi: “Chúng ta liệu đã thực sự sẵn sàng để hy sinh mô hình canh tác bền vững và chủ quyền lương thực của mình?”
Interbev đánh giá đây là một sự thiếu sót lớn, khi vấn đề khí hậu thường chỉ được coi như vấn đề về carbon.
Hoàng Giang - Nongnghiep.vn (Theo Euronews) / nhachannuoi.vn