Để nuôi ong lấy mật phát triển xứng tầm
Với diện tích cây công nghiệp lớn, Bình Phước được biết đến là địa phương có nhiều thế mạnh trong lĩnh vực nuôi ong lấy mật, chất lượng sản phẩm được thị trường đánh giá cao. Vài năm trở lại đây, trong khi giá giảm sâu, quá trình gia nhập thị trường gặp nhiều bất lợi, người nuôi và cơ sở chế biến mật ong của tỉnh đã và đang đổi mới phương thức sản xuất gắn với chế biến sâu nhằm hướng đến định dạng thương hiệu, tăng tính cạnh tranh cho mật ong Bình Phước khi gia nhập thị trường.
Nhiều lợi thế
Có thâm niên gần 15 năm trong nghề nuôi ong lấy mật, nhiều năm trước, nghề đặc thù này đã từng giúp anh Phạm Đình Sinh ở xã Tân Lập, huyện Đồng Phú có thu nhập cao, ổn định với 30 tấn mật ong làm ra mỗi năm. Vài năm trở lại đây, giá mật ong liên tục giảm do gặp những rào cản về kỹ thuật khi xuất khẩu, anh Sinh đang hướng đến việc đầu tư, đổi mới phương thức sản xuất nhằm đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường. Anh Sinh cho biết, gia đình vẫn đang nuôi ong lấy mật theo hình thức truyền thống. Về lâu dài, để sản phẩm có thể xuất khẩu ra nước ngoài, nhất là những thị trường khó tính như châu Âu, anh buộc phải tuân thủ quy trình nuôi ong hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Công việc đặc thù, phải di chuyển nhiều nơi, theo các hộ nuôi ong, chất lượng mật ong từ cây cao su có giá trị dinh dưỡng cao, giá luôn cao hơn ong lấy mật từ những cây trồng khác. Đây là điều kiện thuận lợi giúp người nuôi ong ở Bình Phước có thu nhập ổn định trong bối cảnh giá giảm sâu như hiện nay. Anh Vũ Mạnh Tường, hộ nuôi ong ở phường Tiến Thành, TP. Đồng Xoài chia sẻ: Bình Phước là khu vực lý tưởng nhất cho nghề nuôi ong lấy mật. Mặc dù giá mật ong trên thị trường có giảm nhưng nhờ sản lượng lớn đã giúp mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.
Từng gắn bó với nghề nuôi ong, thu mua mật cung ứng cho doanh nghiệp xuất khẩu, cách đây 4 năm, ông Vũ Tiến Hoàng ở phường Tiến Thành, TP. Đồng Xoài quyết định thành lập cơ sở Mật ong Sông Bé với mong muốn xây dựng, định dạng thương hiệu mật ong Bình Phước. Từ khi hoạt động đến nay, trung bình mỗi năm cơ sở thu mua khoảng 100 tấn mật, riêng năm 2021, do sản phẩm đối mặt với mức áp thuế chống bán phá giá lên đến 400%, lượng mật ong được thu mua giảm chỉ còn khoảng 50 tấn, mật ong thương phẩm sau chế biến 6 tấn/năm. Ông Hoàng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ cơ quan chức năng của tỉnh về quảng bá sản phẩm, tham gia xúc tiến ở các thị trường trong và ngoài nước, tăng khả năng gia nhập thị trường thông qua các kênh bán hàng chuyên nghiệp như trang thương mại điện tử, siêu thị…
Bình Phước hiện có khoảng 500 người hành nghề nuôi ong lấy mật, số lượng lớn người làm nghề đến từ địa phương khác. Diện tích cây công nghiệp lớn, đây là lợi thế rất lớn của nông dân Bình Phước cũng như giúp tăng thêm thế mạnh của nền nông nghiệp tỉnh trong quá trình hội nhập. Ngoài nỗ lực của người nuôi ong trong đổi mới phương thức sản xuất gắn với chế biến sâu của doanh nghiệp, sự hỗ trợ về khoa học - kỹ thuật, định hướng thị trường, định dạng thương hiệu từ phía ngành chức năng là rất cần thiết để nuôi ong lấy mật phát triển xứng tầm với tiềm năng, lợi thế sẵn có.
Thị trường nội địa đầy tiềm năng
Theo thống kê, trên 80% trữ lượng mật ong do Việt Nam sản xuất được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, việc quốc gia này áp thuế chống bán phá giá 400% đối với mật ong Việt Nam vào cuối năm 2021, ngay lập tức đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất trong nước. Riêng tại Bình Phước, địa phương có trữ lượng lớn mật ong ở khu vực phía Nam, việc thay đổi phương thức kinh doanh, xây dựng thị trường nội địa được xem là giải pháp căn cơ giúp doanh nghiệp lẫn người nuôi hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Hơn 15 năm hoạt động trong lĩnh vực thu mua, chế biến mật ong xuất khẩu, ở thời điểm thuận lợi về sản xuất và giá, Công ty cổ phẩn Ong mật Bình Phước xuất sang thị trường Mỹ không dưới 1.000 tấn mật ong thương phẩm mỗi năm. Tuy nhiên, vào cuối năm 2021, khi Mỹ bắt đầu áp mức thuế chống bán phá giá 400% đối với mật ong Việt Nam, xác định đây là rào cản rất khó có thể vượt qua, doanh nghiệp đã chủ động xoay trục kinh doanh về thị trường nội địa, động thái đầu tiên được doanh nghiệp triển khai là tham gia các trang thương mại điện tử với mục tiêu tiêu thụ trên 100 tấn mật mỗi năm.
Ông Bùi Minh Hà, Giám đốc Công ty cổ phần Ong mật Bình Phước, xã Nha Bích, huyện Chơn Thành cho biết, để thích ứng nhanh với thị trường nội địa, doanh nghiệp đang tham gia nhiều trang thương mại điện tử, trong đó có kênh BCA Solutions Việt Nam hiện có khoảng 50 ngàn người bán hàng chuyên nghiệp. Qua 3 tháng tham gia, tỷ lệ tăng trưởng tương đối tốt, dự kiến đến tháng 6 doanh số bán hàng sẽ đạt yêu cầu đề ra.
Xuất khẩu sụt giảm, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn khi buộc phải thay đổi, tìm kiếm thị trường. Tuy nhiên, với những chuyển biến tích cực ban đầu, trong đó nhu cầu sử dụng mật ong phục vụ phòng ngừa Covid-19 của người tiêu dùng tăng cao, nội địa được doanh nghiệp xác định là thị trường đầy tiềm năng khi xuất khẩu đang dần bị thu hẹp. Ông Vũ Tiến Hoàng, chủ cơ sở Mật ong Sông Bé chia sẻ thêm, cơ sở đang tăng cường quảng bá thông qua nhiều kênh bán hàng, tìm kiếm kênh phân phối ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước và nội địa là thị trường đầy tiềm năng, khi ngày càng nhiều người tiêu dùng biết được công dụng của mật ong.
Khó khăn của doanh nghiệp, người nuôi ong có thể sẽ kéo dài khi thị trường còn nhiều biến động, hoạt động xuất khẩu sang thị trường truyền thống gần như bị ngừng trệ. Cùng với nỗ lực của doanh nghiệp trong việc tìm kiếm, xây dựng thị trường thay thế, việc định hướng thị trường, định dạng thương hiệu từ phía ngành chức năng là rất cần thiết để nuôi ong lấy mật phát triển xứng tầm. Qua đó, góp phần tăng thế mạnh cạnh tranh cho sản xuất nông nghiệp Bình Phước trong quá trình hội nhập.
Ngoài tiếng nói của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về mức thuế bất hợp lý khi mật ong nhập khẩu vào thị trường Mỹ, các doanh nghiệp chế biến sâu và cả người nuôi ong rất cần sự hỗ trợ về nguồn vốn để thay đổi phương thức sản xuất, chế biến, trong đó chú trọng theo hướng hữu cơ nhằm đáp ứng những tiêu chí khắt khe của thị trường, hướng đến phục vụ tốt người tiêu dùng cả trong và ngoài nước.
Trần Cảnh - Báo Người chăn nuôi