Cart

GIÁ THỰC PHẨM THẾ GIỚI GIẢM THÁNG THỨ 12 LIÊN TIẾP

Không chỉ tại thị trường thực phẩm Việt Nam đi xuống mà cả thế giới cũng đang gặp tình trạng đó. Tính cho đến tháng 3/2023 này đã là tháng thứ 12 liên tiếp  chỉ số giá lương thực thực phẩm giảm xuống, tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho biết....

Chỉ số giá thực phẩm của FAO, theo dõi những thay đổi hàng tháng về giá quốc tế của các mặt hàng lương thực thực phẩm được giao dịch phổ biến, đạt mức trung bình 126,9 điểm vào tháng 3/2023, giảm 2,1% so với tháng trước và giảm 20,5% so với mức cao nhất vào tháng 3/2022. Nguyên nhân là do nguồn cung, nhu cầu nhập khẩu giảm và mở rộng Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen đã góp phần vào sự sụt giảm này.

 

 

Trong đó, Chỉ số giá ngũ cốc giảm 5,6% so với tháng 2, với giá lúa mì giảm 7,1% do sản lượng tăng mạnh ở Australia, điều kiện mùa màng cải thiện ở Liên minh châu Âu, nguồn cung dồi dào từ Liên bang Nga và xuất khẩu tích cực từ Ucraina từ các cảng vùng Biển Đen. Giá ngô thế giới giảm 4,6%, một phần do kỳ vọng về thu hoạch kỷ lục ở Braxin. Giá gạo giảm 3,2% trong bối cảnh vụ thu hoạch đang diễn ra hoặc sắp tới tại các nước xuất khẩu lớn, bao gồm Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan.

Chỉ số giá dầu thực vật trung bình thấp hơn 3,0% so với tháng trước và thấp hơn 47,7% so với mức tháng 3 năm ngoái. Nguồn cung thế giới dồi dào và nhu cầu nhập khẩu toàn cầu giảm đã đẩy giá dầu đậu nành, dầu hạt cải và dầu hướng dương đi xuống, bất chấp giá dầu cọ cao hơn do sản lượng giảm ở Đông Nam Á trong bối cảnh lũ lụt và Indonesia áp lệnh hạn chế xuất khẩu tạm thời.

Chỉ số giá sữa giảm 0,8% trong tháng 3, mặc dù giá bơ tăng do nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh, trong khi giá pho mát giảm do phần lớn các nhà nhập khẩu hàng đầu châu Á giảm lượng mua cũng như lượng hàng sẵn có tại các nhà xuất khẩu hàng đầu tăng.
Ngược lại, Chỉ số giá đường tăng 1,5% từ tháng 2 lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2016, phản ánh lo ngại về triển vọng sản xuất giảm ở Ấn Độ, Thái Lan và Trung Quốc. Triển vọng tích cực đối với vụ mía sắp thu hoạch ở Braxin đã hạn chế áp lực tăng giá, cũng như sự sụt giảm của giá dầu thô quốc tế đã làm giảm nhu cầu đối với ethanol.

Chỉ số giá thịt tăng nhẹ 0,5%, với giá thịt bò tăng do ảnh hưởng bởi giá nội địa tăng tại Hoa Kỳ khi kỳ vọng nguồn cung sẽ giảm trong thời gian tới, trong khi giá thịt lợn tăng do nhu cầu tăng tại châu Âu trước kỳ nghỉ lễ. Bất chấp dịch cúm gia cầm bùng phát ở một số nước xuất khẩu lớn, giá thịt gia cầm thế giới giảm tháng thứ 9 liên tiếp do nhu cầu nhập khẩu toàn cầu giảm.

“Mặc dù giá giảm trên thị trường thế giới, nhưng vẫn ở mức rất cao và tiếp tục tăng ở thị trường nội địa, đặt ra thêm những thách thức đối với an ninh lương thực. Điều này đặc biệt đúng ở các nước đang phát triển nhập khẩu lương thực ròng, do tình hình trở nên trầm trọng hơn khi đồng nội tệ mất giá so với đồng đô la Mỹ hoặc đồng Euro và gánh nặng nợ nần chồng chất” Máximo Torero - nhà kinh tế trưởng của FAO nhấn mạnh.

                                                                                                                                                                          NguồnFAO

Facebook Linkedin Top