Chú ý chăm sóc và phòng bệnh trên bò, dê mùa nắng nóng
Khuyến cáo của Chi cục thú y về giải pháp cho mùa nắng nóng
Ông Phạm Văn Bảo, cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh cho biết: Hiện nay do thời tiết ban ngày nắng nóng nhiệt độ lên cao, làm cho sức đề kháng của vật nuôi trong đó có dê, bò bị giảm, để khắc phục tình trạng bà con chăn nuôi cần là lưu ý. Người nuôi nên cho bò, dê uống nhiều nước và hạn chế thả lang bởi khi vận động nhiều động vật dễ mất nước. Thứ hai, bà con cần bổ sung thêm vitamin C và các chất điện giải, để cân bằng điện giải trong cơ vật nuôi.
Cũng theo ông Bảo, mùa nóng là điều kiện thuận lợi cho một số loại côn trùng lây bệnh truyền nhiễm như: Ruồi, muỗi, ve, nhộng phát triển, do đó bà con cần lưu ý làm màn để che chắn chuồng trại để bảo vệ vật nuôi. Ngoài những bệnh được khuyến cáo, nông dân cần chủ động tiêm phòng vacxin bệnh đậu cho bò, dê sớm nhất có thể. Bởi khi dê khi mắc bệnh đậu sẽ ảnh hưởng tới năng suất cũng như hiệu quả kinh tế của bà con rất lớn.
“Hiện nay, chúng tôi đã thành lập các tổ, đội tiêm phòng vacxin lở mồm long móng, viêm da nổi cục cho 28.834 con bò với khoảng 2.000 con dê trên địa bàn toàn huyện. Qua đó nhằm phòng chống bệnh lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bệnh gây trên vật nuôi, góp phần phát triển ổn định đời sống sản xuất của nông dân”, ông Bảo chia sẻ.
Những lưu ý chăm sóc trâu bò mùa nắng nóng
1. Chuồng trại
Làm chuồng gia súc xa nhà dân, khu dân cư. Mái chuồng nên làm đơn giản, có thể bằng mái ngói, tranh, tre, lá để chống nóng trực tiếp. Nếu có điều kiện nên làm mái chuồng theo kiểu 2 mái để tăng cường độ thoáng của chuồng nuôi. Có thể trồng thêm một số loại dây leo phủ mái như bìm bìm, hoa giấy, mướp…để làm mát.
Hệ thống che chắn xung quanh chuồng cũng nên làm bằng lá, tranh, tre tạo sự thông thoáng. Tuy nhiên cũng cần lưu ý trong những ngày nắng nóng thường có mưa đột xuất, nhất là về đêm. Lúc này cần nhanh chóng che chắn để đảm bảo cho trâu bò không bị nhiễm lạnh đột ngột.
Thường xuyên khơi thông cống rãnh, không để phân và chất thải ứ đọng sẽ phát sinh mầm bệnh. Sử dụng các chế phẩm khử mùi nhằm hạn chế mùi hôi trong chuồng nuôi. Sau vệ sinh cơ giới có thể dùng nước rửa chuồng, lưu ý khi rửa chuồng trại xong không nên để nước đọng trên nền chuồng để tránh cho trâu, bò uống phải nước bẩn.
2. Nuôi dưỡng, chăm sóc
Tăng cường thức ăn xanh như rau cỏ tươi, củ, quả…; tăng cường chất đạm, giảm tinh bột, mỡ, đường; bổ sung thêm vitamin C, khoáng chất trong trường hợp khẩu phần ăn của gia súc chưa đầy đủ.
Những đợt nắng nóng kéo dài, cho ăn gia súc ăn vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Đảm bảo cho gia súc ăn đủ thức ăn thô xanh (trâu, bò từ 15 – 35 kg/con/ngày) và bổ sung thức ăn tinh (1 – 2,5 kg/con/ngày). Đối với bò sữa thì lượng thức ăn tinh bổ sung theo năng suất sữa. Đảm bảo thường xuyên có đủ nước mát, sạch cho gia súc uống.
Mùa nắng nóng nên tắm chải cho gia súc 1 – 2 lần/ngày để làm giảm nhiệt cho cơ thể. Chú ý đối với bò sữa nên tắm trước hoặc sau khi vắt sữa 2 – 3 giờ.
Thời gian chăn thả gia súc: buổi sáng từ 6h00 – 9h00; buổi chiều chăn thả muộn từ 16h00 – 18h00. Không chăn thả gia súc ngoài trời nắng gắt trong thời gian dài, nếu nhiệt độ ngoài trời quá cao, nắng gắt nên nhốt trâu, bò và cho ăn tại chuồng, hoặc buộc ở những nơi có bóng mát.
3. Phòng bệnh
Cần thực hiện các biện pháp về chăn nuôi an toàn sinh học: Giảm nhiệt độ chuồng nuôi bằng cách vệ sinh chuồng nuôi sạch sẽ, thu gom phân đưa vào hố chứa phân, rắc vôi bột trên bề mặt và đậy nắp. Định kỳ mỗi tuần sát trùng, tẩy uế chuồng trại và khu vực xung quanh chuồng nuôi từ 1 – 2 lần để tiêu diệt mầm bệnh bằng vôi bột hoặc các loại thuốc sát trùng như Benkocid, Han-Iodine, Five-Iodine, RTD-Iodine,…
Hàng ngày quan sát, theo dõi trạng thái, sức khỏe của đàn vật nuôi. Khi phát hiện thấy trâu, bò có biểu hiện không bình thường (do cảm nắng, cảm nóng, do vận chuyển có mật độ nhốt cao…) cần áp dụng ngay các biện pháp làm mát để hạn chế rủi ro. Cần tách riêng trâu, bò ra nơi có bóng mát, tạo sự thông thoáng nơi nhốt, dùng ngay hệ thống quạt làm mát nhưng không nên cho thổi trực tiếp vào trâu, bò, tránh cho trâu, bò bị sốc, choáng. Có thể dùng đá lạnh chườm mát vùng đầu, vùng mặt; đồng thời cho trâu, bò uống nước điện giải khi ổn định mới cho trâu, bò nhập đàn.
Chủ động phòng một số bệnh thường gặp khi nhiệt độ thời tiết lên cao như cảm nắng, viêm phổi, tiêu chảy, tụ huyết trùng…. Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho trâu, bò theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
Đối với các trang trại cần thực hiện tốt việc dùng các hố sát trùng và rắc vôi bột ngoài khu vực chuồng nuôi.
Một số loại vaccine trâu, bò, dê, cừu
Vaccine TỤ HUYẾT TRÙNG TRÂU, BÒ
Vaccine TỤ HUYẾT TRÙNG DÊ, CỪU
Hồ Thảo - Báo Nông Nhiệp / khuyennongvn.gov.vn