Cart

Quảng Ninh xuất hiện chủng Cúm gia cầm mới xuất hiện ở Việt Nam

Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Quảng Ninh cho biết 3 mẫu gà chết tại hộ chăn nuôi ở TP.Hạ Long có kết quả dương tính với virus cúm gia cầm A/H5N8. Chủng cúm này không chỉ làm chết gia cầm mà còn có thể lây lan sang người mà không để lại triệu chứng.

Ngày 2/7/2021, Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Quảng Ninh cho biết, từ ngày 29.6, trại gà của hộ chăn nuôi của anh Nguyễn Huy Long, thôn Bãi Cát, xã Vũ Oai, thành phố Hạ Long đã có tình trạng gà chết rải rác. Đến ngày 30.6, trại gà này chết 200 con. Ngay sau đó, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp thành phố Hạ Long đã lấy mẫu gửi đi xét nghiệm và có kết quả.

A/H5N8 là chủng cúm lần đầu xuất hiện tại Việt Nam. Theo ông Trần Xuân Đông - Chi cục Trưởng chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Quảng Ninh, mức độ nguy hiểm của chủng cúm A/H5N8 là không chỉ làm chết gia cầm mà còn có thể lây lan sang người mà không để lại triệu chứng.

Nếu cơ thể người nhiễm bệnh có bệnh lý nền thì sẽ phát bệnh. Nếu người khỏe, sức đề kháng tốt thì mầm bệnh không phát tác nhưng lưu trữ trong cơ thể và phát triển, biến đổi tiếp, có nguy cơ tạo ra những biến chủng bệnh nguy hiểm trên người (trong đó không loại trừ những bệnh có thể lây lan từ người sang người).

Trên thế giới, vào năm 2020 ghi nhận chủng cúm này xuất hiện tại nhiều trang trại nuôi gà của Nga, đồng thời cũng ghi nhận 7 người Nga dương tính với virus cúm gia cầm A/H5N8 bị bệnh do lây nhiễm từ gia cầm .

Các đơn vị chức năng đang khẩn trương triển khai các biện pháp khoanh vùng, ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch tại ổ dịch thôn Bãi Cát, xã Vũ Oai, thành phố Hạ Long.

---

 

---

Không để dịch bệnh lây lan diện rộng

Để chủ động ngăn chặn virus CGC A/H5N8 và các chủng virus CGC thể độc lực cao khác, hạn chế thấp nhất việc lây nhiễm và gây tử vong cho người, giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền các cấp triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh CGC A/H5N8 và các chủng virus CGC.

Đối với địa phương có ổ dịch CGC A/H5N8 chưa qua 21 ngày hoặc địa phương phát hiện gia cầm có kết quả dương tính với virus cúm A/H5N8, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh do các chủng virus cúm A/H5, cần xử lý tiêu hủy, công bố dịch và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Tổ chức điều tra xác định nguyên nhân, nguồn lây nhiễm để xử lý kịp thời, hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan diện rộng. Tổ chức tiêm vaccine CGC bao vây ổ dịch, bảo đảm đạt tỉ lệ trên 80% tổng đàn có nguy cơ. Thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm mới phát sinh và chưa được tiêm phòng.

Sử dụng các loại vaccine CGC đang được phép lưu hành tại Việt Nam và có hiệu quả bảo hộ đối với chủng virus CGC A/H5N6 (theo OIE chủng virus CGC A/H5N8 cùng phân nhánh 2.3.4.4 với virus CGC A/H5N6).

Hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Thường xuyên vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất, tổ chức tháng tổng vệ sinh, tiêu độc, sát trùng để tiêu diệt các loại mầm bệnh. Tiêm phòng đầy đủ vaccine phòng bệnh CGC đầy đủ cho đàn gia cầm.

Tổ chức xây dựng, triển khai giám sát chủ động, lấy mẫu của gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh, nghi mắc bệnh CGC tại các địa bàn có nguy cơ cao (địa phương giáp biên giới, các điểm, cơ sở buôn bán, tập kết gia cầm, cơ sở giết mổ, cơ sở tiêu hủy gia cầm...). Gửi phòng xét nghiệm thuộc Cục Thú y để xét nghiệm xác định nguyên nhân gây bệnh để kịp thời cảnh báo, xử lý, tiêu hủy đàn gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh, dương tính với virus CGC, chủng A/H5N1, A/H5N6 và A/H5N8.

Tổng hợp từ báo Việt VMD & Báo Chính Phủ

Facebook Linkedin Top