Cart

Những câu chuyện xung quanh ngày 23 Tết

Thả cá chép cho ông Công ông Táo là một phong tục không thể thiếu trong ngày 23 tết âm lịch hàng năm của người Việt Nam. Nhưng thời nay nhiều người chưa thực sự hiểu hết về ý nghĩa của việc thả cá chép mà đang chỉ chạy theo phong trào. Hãy cùng VINODA tìm hiểu thêm về nét đẹp truyền thống này của Việt Nam nhé.

Tại sao lại có ngày Tết ông Công ông Táo?

‘Thế gian một vợ một chồng
Chẳng như vua bếp hai Ông một Bà’

Đây là một câu tục ngữ dân gian kể về câu chuyện của những người được trời xanh phong làm vua bếp nhờ câu chuyện tình cảm sâu sắc, tình nghĩa của 3 người dành cho nhau. 


Chuyện kể rằng, xưa kia có 2 vợ chồng nghèo khổ. Người chồng phải đi làm ăn xa để kiếm tiền nhưng rất lâu không liên lạc về nhà. Người vợ chờ đợi mỏi mòn không thấy chồng về. Theo thời gian, dần dần với suy nghĩ người chồng đã mất, bà đồng ý đi thêm bước nữa với một người đàn ông khác yêu thương mình.
Một hôm, trong lúc người chồng đi vắng thì người vợ gặp người chồng cũ vào nhà xin ăn. Vừa gặp được nhau, hai người vừa mừng vừa tủi. Thương người cũ, người vợ vội lấy cơm mời ông ăn thì bất ngờ người chồng mới về.
Không kịp xử trí, người vợ kêu trông cũ núp vào đống rơm. Không may, người chồng mới đốt rơm trước khi đi làm đồng, người chồng cũ vì sợ vợ bị phát hiện sẽ khó giải thích nên không dám chui ra. Ông chết cháy trong ngọn lửa. Khi phát hiện đám cháy, người vợ đau xót, vội lao vào đống lửa mà chết. Chồng mới thấy vợ chết cũng đâm đầu vào lửa cùng chết. Họ cùng nhau gặp Ngọc Hoàng. Trước câu chuyện cũng như hiểu được tình nghĩa của ba người dành cho nhau, Ngọc Hoàng đã hoá kiếp cho 3 người làm 3 vị Táo Quân cai quản trong bếp: 

Người chồng đầu tiên làm Thổ Địa, phụ trách trông coi việc nhà cửa được phong danh hiệu: Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần. 

Người chồng thứ hai làm Thổ Công, sẽ trông coi việc bếp với danh hiệu là Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân. 

Người vợ làm Thổ Kỳ, phụ trách trông coi việc chợ búa, được phong danh hiệu là Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chánh Thần.

Đến ngày 23 tháng Chạp hàng năm là ngày ba vị Táo quân phải lên gặp Ngọc Hoàng để bẩm báo tổng kết những việc trong năm qua (cả những việc gia chủ làm tốt và chưa tốt) và chuẩn bị đón chào một năm mới. 

Cũng từ câu chuyện về công việc những ngày cuối năm này của 3 vị, chúng ta giờ đây có chương trình truyền hình hài "Táo Quân - Gặp Nhau cuối năm" để quây quần bên gia đình mỗi tối 29/30 Tết hàng năm để nhìn lại một năm đã qua. 


Mâm cơm cúng ngày 23 tết?
Hàng năm, đúng ngày 23 tháng Chạp (23/12 âm lịch), mỗi gia đình Việt Nam thường làm một mâm cơm cúng để đưa tiễn các táo lên chầu Ngọc Hoàng. Theo một số quan niệm, ba vị Táo quân không chỉ là thần cai quản mọi hoạt động của gia chủ mà còn là vị thần ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ, giữ bình yên cho gia đình gia chủ. Mâm cơm như lời cảm ơn của gia chủ đến với các Táo đã bảo vệ cho gia đình cho một năm vừa qua cũng là lời cầu mong cho sự ấm no, đầy đủ cho một năm sắp tới.

Ngoài tiệc đưa tiễn các Táo, mọi nhà thường chuẩn bị cả phương tiện cho các Táo lên trời gặp Ngọc Hoàng. Trong mỗi mâm cơm cúng thường đi bên cạnh là 3 chú cá chép còn sống, đựng trong chậu nước. Sau khi cúng xong, người dân sẽ đem cá đi phóng sinh ở sông, hồ gần đó để chuẩn bị cho các Táo quân về chầu (thường trước 12h trưa ngày hôm đó).


Tại sao là cá chép chứ không phải loài khác?
Theo quan niệm dân gian xưa, trong tất cả các loài sống dưới nước chỉ có cá chép là có thể vượt qua Vũ môn lên trời và hoá thành rồng được.
Truyện kể rằng, các loài vật dưới nước muốn trở thành rồng phải qua 3 kỳ thi. Mỗi kỳ thi như vậy là gần trời hơn một chút. Bài thứ nhất là phải búng đuôi qua một thác cao, hiểm trở. Khi qua được bước này thì đuôi thay đổi, có sức mạnh hơn. Qua bài thứ 2, sóng gió mưa vân vũ dữ dội hơn nhưng cá chép vẫn nhanh chóng vượt qua. Lúc này đầu và một nửa thân trước đã hoá rồng, các loài vật khác đã bỏ cuộc sau vòng thi này. Sau khi búng qua được bài thứ 3 thì toàn thân cá chép hoá thành rồng.


Là loài vật duy nhất vượt qua vũ môn để hoá rồng nên cá chép cũng được coi là phương tiện duy nhất đến nay các tao cưỡi để nên bẩm báo vào ngày 23 tháng chạp hằng năm.

Ngoài ra, theo quan niệm của phật giáo, thả cá chép là một sự phóng sinh thể hiện cho sự từ bi của người Việt.

Thả cá làm sao cho đúng?
Theo quan niệm thì đúng ngày 23 các Táo sẽ về trời. Để kịp chuẩn bị cho các Táo lên cho kịp, người ta thường thả cá chép trước giờ Ngọ (12h trưa) ngày 23 tháng Chạp, có nhiều người còn cúng trước từ 22. Nhiều gia đình thường lựa chọn sông, suối, hồ nước gần nhà để thả cá. Tuy nhiên trong những năm qua, việc thả cá lại có nhiều hình ảnh xấu so với phong tục truyền thống thiêng liêng. 
Nhiều người vì ngại đến rìa các con sông, không có vị trí để thả cá mà đứng trên thành cầu ném cá xuống, không chỉ mỗi cá mà nhiều người ném cả túi nilon buộc cá xuống ao hồ. Hành động này không chỉ sai phong tục mà còn làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, phóng sinh giờ đây lại trở thành một hành động sát sinh tang thương với những chú cá chép. 

Theo phong tục các bạn nên phóng sinh ở những ao, hồ nước sạch, không gian rộng và không quá ô nhiễm, khi thả nên thả từ từ, có nhiều nhà khi thả còn thắp hương vái lậy để cầu chúc cho chuyến đi của ba vị thuận lợi, bình an.

Lời cuối: 

Thả cá chép cho các ông Công ông Táo là một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Một chút lưu tâm khi thực hiện sẽ giúp truyền thống này được gìn giữ và đẹp mãi. VINODA xin kính chúc quý độc giả và gia đình đã sẵn sàng chuẩn bị cho không chỉ ngày lễ ông Công ông Táo mà còn sẵn sàng chào đón một năm mới An Khang - Thịnh Vượng, Như Ý - Phát Tài! 

Facebook Linkedin Top