Thay đổi để đem thịt heo Việt ra thế giới
Thế nhưng liệu chuỗi ngày giá heo tăng có kéo dài được lâu? Bởi thời điểm này năm ngoái, giá heo cũng ở mức cao đỉnh điểm, có lúc lên 73.000 đồng/kg heo hơi. Thế nhưng chỉ hai tháng sau, giá lại giảm sâu, kéo dài đà giảm cho đến tận ba tháng đầu năm 2023.
Ông Phạm Kim Đăng, Cục phó Cục Chăn nuôi, thẳng thắn chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế của ngành chăn nuôi heo hiện nay. Đó là chăn nuôi heo vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu đầu vào như con giống chất lượng cao và đặc biệt là nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Thức ăn chăn nuôi chiếm đến 70% chi phí sản xuất nhưng trong nước mới chỉ sản xuất được 35% nguyên liệu, còn lại đến 65% phải nhập khẩu. Chi phí sản xuất cao khiến sản phẩm chăn nuôi không còn sức cạnh tranh.
Trong khi đó, Việt Nam (VN) đã và đang hội nhập sâu rộng với thế giới thông qua 16 hiệp định thương mại tự do được ký kết. Các sản phẩm chăn nuôi sẽ tiếp tục được nhập khẩu vào VN, gây áp lực cạnh tranh ngay trên sân nhà với các sản phẩm chăn nuôi trong nước. Năm 2022, VN đã nhập 114.123 tấn thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá 249,35 triệu USD. Sáu tháng đầu năm, lượng nhập khẩu thịt heo đạt hơn 41.000 tấn.
Ở chiều xuất khẩu, dù VN đứng thứ sáu trong số các nước có thị phần sản lượng thịt heo cao nhất thế giới nhưng tỉ lệ xuất khẩu thịt heo còn rất hạn chế. Năm 2022, VN mới xuất được 409 triệu USD, sáu tháng đầu năm nay xuất được 232 triệu USD. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu mới ở dạng thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh.
Nâng cao sức cạnh tranh cho thịt heo ViệtTheo Bộ NN&PTNT, hiện sản phẩm chế biến thịt heo của VN mới ở giá trị gia tăng thấp, với mức độ đơn giản, sơ chế chiếm 80%-85%. Còn các sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao như thịt hun khói, giăm bông, xúc xích... chỉ chiếm khoảng 15%-20%. Sản phẩm đóng bao gói nhỏ cung cấp cho bán lẻ chiếm khoảng 10%; sản xuất thịt mát chiếm khoảng 10%.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: “Tôi khẳng định tiềm năng, lợi thế của ngành chăn nuôi còn rất lớn nhưng xuất khẩu chưa được bao nhiêu… Căn cốt nhất là nâng cao sức cạnh tranh cho ngành chăn nuôi, nâng cao mức tiêu thụ”.
Theo đó, kế hoạch đến năm 2025, Việt Nam có 6 vùng chăn nuôi tại tỉnh Bình Phước, 1 vùng chăn nuôi tại tỉnh Tây Ninh, 12 vùng chăn nuôi khác tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM đạt an toàn dịch bệnh theo quy định; 4 vùng chăn nuôi tại tỉnh Bình Phước và 1 vùng tại tỉnh Tây Ninh đạt an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới.
Đến năm 2030, các tỉnh, thành thuộc vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên được xây dựng vùng an toàn dịch bệnh theo quy định; trong đó có 8 vùng chăn nuôi tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Tây Ninh được xây dựng đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh của Tổ chức Thú y thế giới.
Từ kế hoạch trên, Việt Nam phấn đấu đạt mục tiêu xuất khẩu được thịt gà chế biến sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Anh, châu Âu, Trung Quốc…; xuất khẩu trứng và các sản phẩm từ trứng sang Singapore, Nhật Bản, Australia, Hoa Kỳ…; xuất khẩu thịt heo sang Malaysia, Trung Quốc; xuất khẩu mật ong và sản phẩm từ ong sang Nhật Bản, Thái Lan và các thị trường khác.
Nguồn: Tổng Hợp