Cart

Trở lại Tết xưa, thời thổi lửa … đụng lợn

Khi cuộc sống hiện tại của chúng ta trở nên hiện đại hơn, ta có thể dễ dàng mua sắm thực phẩm và sản phẩm tiêu dùng ở siêu thị hay ra ngoài chợ, thậm chí mua sắm online qua màn hình máy tính, điện thoại. Tụi trẻ con thành phố thời nay có thể còn chưa nhìn thấy con lợn ở ngoài đời thực có hình dáng ra sao, to lớn thế nào. Phải chăng đời sống chúng ta giờ đây đang đủ đầy tới mức không còn cảm giác ngóng chờ đến Tết như xưa?

Trở về Tết thời ngày xưa, một trong những lý do khiến người ta háo hức đến Tết đó chính là sự no đủ,

“Số cô chẳng giàu thì nghèo, ngày 30 Tết thịt treo trong nhà”

Sự đủ đầy của những ngày Tết thấm vào từng câu chữ của câu tục ngữ Việt Nam đương thời. Tết đến, người người tấp nập mua cành đào, sắm cây quất, trẻ con thì được mua quần áo mới, một màu đỏ rực được cho là may mắn bao phủ khắp đường làng ngõ xóm.

Đụng lợn ngày Tết             

Thời bao cấp, chuyện mổ lợn không phải là dễ dàng, vì ngày đó còn chiến tranh, còn thiếu thốn, phải cung cấp lương thực cho quân đội mong ngày chiến thắng giặc Mỹ. Cứ nhà nào có lợn sẽ phải bán cho nhà nước. Lúc bấy giờ người dân còn nghèo khổ nên lương thực để chăn nuôi lợn cũng thiếu thốn, hiếm nhà nào nuôi được con lợn đến một tạ. Khó khăn là thế nên nhà nào muốn mổ lợn đón Tết thì phải có “kế hoạch” từ trước, cứ 4-5 nhà chung nhau một con lợn được gọi là đụng lợn, nhà nào có điều kiện thì có thể tự mổ lợn, thường mổ trước từ 27, 28 Tết để kịp chế biến nhiều món ăn Tết khác nhau. Còn lại hầu hết mọi người sẽ mổ lợn vào 30 Tết, khi khi đã gác lại công việc đồng áng.

Cả năm đói kém, chỉ đến ngày Tết là đủ đầy nên cả người lớn và trẻ con đều háo hức nhưng cũng phải “hành động” có chút vụng trộm, khoảng 2 – 3 giờ sáng khi không có đội tuần tra, người dân mới bắt đầu bắt lợn, chọc tiết, làm thịt lợn, không khí Tết râm ran lắm nhưng cũng chỉ dám đóng cửa mà làm. Lợn được làm thành nhiều món: tiết canh thì được chế biến để ăn sớm, miếng tim, miếng gan sẽ được thái lát mỏng chia cho mỗi nhà một ít, lòng lợn nhồi với tiết và rau thơm làm thành món dồi lợn, luộc nóng lên thơm phức. Trẻ con, người lớn mỗi người chia nhau một miếng, ngày thường thì có thể không có nổi một miếng tóp mỡ trên mâm cơm nhưng đến Tết thì lại đầy đủ rượu thịt.

Càng về sau, khi chiến tranh qua đi, người dân có của ăn của để thì việc đụng lợn cũng trở nên khác biệt hơn nhưng nhiều nơi vẫn giữ tục đụng lợn như một nét văn hóa để gắn kết tình làng nghĩa xóm.

Làng xóm tất bật cùng nhau xẻ thịt – nghe thôi là biết Tết đến rồi

Tôi nhớ lại những ngày ấy, cứ đến Tết trẻ con trong xóm lại háo hức được bố mẹ mua cho bộ quần áo mới, háo hức ngồi cạnh mẹ xem gói bánh chưng, bên nồi thịt kho được mẹ kho kỹ, bên gác bếp canh nồi thịt, nồi bánh cho mẹ. Cành đào cắm Tết, cây quất đặt ngoài sân.Dù cả năm có thiếu thốn đến đâu thì đến ngày Tết thì vẫn đủ cả thịt lợn, thịt gà, bánh kẹo với quan niệm rằng ngày Tết no thì cả năm đủ. Ngày đó con lợn ngày Tết có ý nghĩa to lớn với cả gia đình vì đó chính là công sức của cha mẹ tăng gia sản xuất, những ngày thức khuya dậy sớm để chăm đàn lợn.

Lúc chia thịt có lẽ là lúc mọi người rôm rả nhất, các phần thịt được chia đều cho các nhà làm thành những món mà không nhà nào giống nhau, nhà muốn để làm mắm, kho thịt nhà lại muốn để phần ba chỉ để gói bánh chưng. Nhưng cuối cùng mọi người sẽ không chia phần lòng lợn mà sẽ để ăn cùng nhau sau buổi mổ lợn, trẻ con được ưu tiên phần thịt nạc, phần tim gan, người lớn thì uống mấy ly rượu nhưng không ai say vì còn phải về nhà gói bánh chưng chuẩn bị Tết. Không khí Tết thấm vào từng câu nói, càng làm bền chặt tình làng nghĩa xóm, có bác hỏi “Con gái đến tuổi rồi đã muốn lấy chông chưa?” hay “Có muốn làm con dâu nhà bác?” có cô lại hỏi thăm chuyện công việc dạo này có ổn không, hay chuyện học hành có thuận lợi? Nhưng không khí Tết nó lạ lắm, cái se se lạnh phảng phất thêm một chút nắng của mùa Xuân bên bếp lừa cùng ly trà nóng, công việc thì thảnh thơi chứ không vội vàng như những ngày thường, làm con người ta bồi hồi, muốn ngồi suy ngẫm về một năm những chuyện đã trải qua.

Cho đến ngày nay, dù cuộc sống có nhiều thay đổi thì người Việt vẫn mãi giữ nét đẹp truyền thống của ngày Tết với cùng mâm cỗ  tạo nên bản sắc của từng vùng miền. Mỗi nơi sẽ lại có một bức tranh ẩm thực khác nhau khi đi xuyên suốt chiều dài chữ S của đất nước Việt Nam tạo nên sự đa dạng, phong phú và độc đáo của ẩm thực Việt.

  • Miền Bắc: là sự hòa trộn tinh tế của ẩm thực truyền thống, mỗi món ăn  tượng trưng cho tứ trụ, bốn mùa, bốn phương;
  • Miền Trung: tạo điểm nhấn bằng các món cuốn lạ miệng và mắm chấm độc đáo
  • Miền Nam: nét ẩm thực phong phú đa dạng & biến tấu đầy màu sắc. 

Ẩm thực Việt Nam cuốn hút lạ lùng, nhất là vào những dịp lễ Tết. Vì vậy, vào dịp đầu năm mới 2023, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã có Thư ngỏ gửi Quý Hiệp hội và Cộng đồng Doanh nghiệp nông nghiệp: ý tưởng Việt Nam trở thành “bếp ăn của thế giới” và đã nhận được nhiều sự đồng thuận. Gần đây, nông nghiệp cũng được xác định là “lợi thế quốc gia” của Việt Nam. 

Viêt Nam có đủ điều kiện để phát triển kinh tế ngành nông nghiệp.
Cùng với tinh thần đó, nhân dip đầu xuân năm mới, VINODA xin gửi đến Quý Khách hàng cùng những con người đang cống hiến cho ngành chăn nuôi Việt Nam một năm mới vạn sự như ý, tự tin vững bước với lợi thế nông nghiệp Việt.

Facebook Linkedin Top