Dấu hiệu lo lắng ở Chó và Chó con
Sự phát triển nhanh chóng của xã hội buộc con người ngày càng phải đối mặt với nhiều áp lực, việc lo lắng căng thẳng là khó tránh khỏi. Bạn biết không? Chú chó của bạn cũng sẽ có lúc rơi vào trạng thái căng thẳng lo lắng đấy. Chỉ là chúng không thể biểu đạt ra thành lời. Vậy làm sao để biết chú chó của bạn đang cảm thấy lo lắng?
Nếu bạn là một người yêu thương động vật và đang chăm sóc một chú chó hay một đàn chó, bài viết này chắc hẳn sẽ giúp ích cho bạn. Biết được những nguyên nhân gây ra căng thẳng, sẽ giúp bạn chủ động "né" chúng, điều này sẽ giúp cho chú chó của bạn cảm thấy an toàn và thoải mái. Các dấu hiệu lo lắng ở chó có thể rất tinh tế, nên bạn cũng phải là một người "tinh tế" để nhận ra đấy nhé.
Căng thẳng ở chó có thể được chia thành ba loại: sợ hãi, ám ảnh và lo lắng .
Sợ hãi là một bản năng để đáp lại mối đe dọa bên ngoài. Phân tích tình huống sẽ giúp bạn nhận ra đó là phản ứng bình thường hay bất thường. Ví dụ, sợ hãi gây hấn có thể là bình thường nếu chúng cảm thấy có mối đe dọa thực sự đối với bản thân hoặc những người thân yêu của chúng. Trong các trường hợp khác, chú chó của bạn tỏ ra sợ hãi mà lại không hề có bất kì dấu hiệu nào là mối đe dọa thì trường hợp này là bất bình thường. Nhưng hãy nhớ, thứ bạn nghĩ là không phải mối đe dọa thì không có nghĩa chú chó của bạn cũng cảm thấy vậy.
Ám ảnh là nỗi sợ hãi quá mức đối với một kích thích bên ngoài. Những ám ảnh phổ biến nhất ở chó là ám ảnh tiếng ồn (pháo hoa, tiếng động lớn, sấm sét).
Lo lắng là một cảm giác không thoải mái hoặc những sợ hãi liên quan đến tình huống nguy hiểm. Ví dụ, lo lắng về sự xa cách xảy ra khi thú cưng có những phản ứng bất thường khi phải xa chủ, dù trong thời gian ngắn hay dài.
Dấu hiệu của sự căng thẳng và lo lắng ở chó
Muốn biết được chú chó của bạn có đang bị căng thẳng hay lo lắng không? Thì điều quan trọng là bạn phải phân biệt được đó là hành vi bình thường hay bất bình thường của chúng. Để làm được điều này, đòi hỏi bạn đã phải quen thuộc với hành vi bình thường của chúng.
Hầu hết thời gian, những con chó trong trạng thái thư giãn sẽ có đôi mắt tròn và mở; khi đứng trọng lượng dồn đều trên cả bốn chân; đuôi nhô lên và tai nhô cao, hướng về phía trước. Nhịp thở bình thường, nếu nhịp thở trở nên nhanh hơn chỉ trừ khi chúng chơi đùa hoặc khi tập thể dục. Nếu không nhịp thở nhanh cũng là một dấu hiệu của sự lo lắng.
Tăng tốc độ và lắc
Cũng giống như con người, chó thường tăng tốc độ hoặc chuyển động vòng tròn nhiều lần khi căng thẳng. Đây có thể là dấu hiệu của sự hoảng sợ hoặc lo lắng nói chung. Chú chó của bạn cũng có thể run rẩy hoặc tỏ ra sợ hãi. Các triệu chứng này sẽ biến mất khi các tác nhân gây ra lo lắng sợ hãi không còn.
Tăng nhịp tim và thở hổn hển
Hệ thống thần kinh sẽ tự động có những phản ứng khi căng thẳng xảy ra. Đó là phản ứng "chiến đấu, bỏ chạy hoặc đóng băng" đối với nỗi sợ hãi hoặc tác nhân gây căng thẳng bên ngoài. Nó là một hệ thống phản ứng không tự nguyện nhằm mục đích sinh tồn và thích nghi.
Chó cũng có hệ thần kinh giao cảm. Khi một con chó bị căng thẳng, hệ thống này sẽ tiết ra adrenaline và làm tăng nhịp tim, nhịp hô hấp của chúng. Đó là lí do tại sao bạn nhìn thấy chú chó của mình "thở hổn hển".
Ngáp
Chó không chỉ ngáp khi chúng mệt mỏi mà chúng còn ngáp khi lo lắng. Thông thường, khi mệt mỏi tần số ngáp sẽ gần nhau hơn và thời gian ngáp cũng kéo dài hơn.
Chảy nước dãi
Khi căng thẳng, hệ thống thần kinh của chó bị kích hoạt gây ra hiện tượng chảy nước dãi, liếm môi hoặc “chu môi”. Điều này cũng xảy ra khi chó buồn nôn và có thể liên quan đến việc kích hoạt đường tiêu hóa của hệ thần kinh.
Các hành vi bắt buộc
Chó tham gia vào một số hành vi để giúp bản thân bình tĩnh hơn, nhưng những hành vi này có thể trở nên cưỡng bức và phá hoại khi chúng thực sự căng thẳng. Các hành vi cưỡng chế phổ biến bao gồm liếm bản thân quá mức , liếm sàn nhà hoặc tường, sủa quá mức hoặc nhai đồ vật.
Thông thường, hành vi này có thể dẫn đến nhiễm trùng da do chải chuốt quá mức, nuốt phải dị vật, khó chịu trong dạ dày do ăn phải đồ vật, đào bới đất, tường, giường hoặc phá hủy chỗ ngủ của chúng để thoát ra ngoài. Khóc hoặc sủa cũng có thể là một hành vi tự xoa dịu ở những con chó đang lo lắng, hoặc là một cách để cảnh báo với chúng ta về sự căng thẳng của chúng.
Tăng cảnh giác (Đồng tử giãn ra, các biểu hiện ở tai, Tư thế phòng thủ)
Những con chó bị lo lắng thường có đồng tử giãn ra và chớp mắt nhanh hơn. Chúng có xu hướng đứng bất động khi chú ý hoặc phải đối phó với nguy hiểm sắp xảy ra, nhưng hành vi này cũng có thể liên quan đến phản ứng tự vệ của hệ thần kinh.
Lòng trắng của mắt có xu hướng chiếm phần nhiều hơn khi chúng mất bình tĩnh và đôi tai của chúng có thể dựng đứng khi chú ý hoặc áp sát vào đầu khi căng thẳng. Việc kẹp đuôi vào giữa hai chân hoặc việc dồn trọng lượng của chúng về phía sau cũng có thể là dấu hiệu của sự sợ hãi ở chó.
Che giấu hoặc tỏ ra chán nản
Những con chó bị căng thẳng thường sẽ trốn sau bạn hoặc các đồ vật như ghế, ô tô để tránh các tác nhân gây căng thẳng. Chúng có thể trở nên hiếu động và dùng mõm để thúc vào chân hoặc tay của bạn để bảo bạn tránh xa tác nhân đó. Chú chó của bạn cũng có thể nằm im, ngừng di chuyển và trông chán nản hoặc thể hiện việc chúng muốn tránh xa các tác nhân .
Bị tiêu chảy hoặc bỏ ăn
Adrenaline ảnh hưởng đến chó tương tự như ở người, gây ra cảm giác thèm đi vệ sinh. Khi bị căng thẳng, chú chó của bạn có thể đi vệ sinh ngay lập tức hoặc đứng trong tư thế muốn đi tiểu. Nước tiểu thường nhỏ giọt. Mọi người hay gọi đây là đi tiểu mất kiểm soát. Đôi khi, chúng còn bị tiêu chảy nữa đấy.
Hành vi này được điều khiển bởi hệ thống thần kinh giao cảm. Sự căng thẳng ở chó cũng tác động không nhỏ đến đường tiêu hóa, căng thẳng làm chúng giảm cảm giác thèm ăn. Khi một chú chó bị căng thẳng, nếu bạn đưa trước mặt chúng một món ăn yêu thích. Thay vì như thường ngày chúng sẽ chạy ngay đến để nhận lấy món ăn đó, thì lúc này chúng dửng dưng như đó chỉ là "một khúc gỗ" vậy.
Rụng lông
Những con chó bị căng thẳng thường rụng lông nhiều hơn so với bình thường. Sẽ thật tệ nếu ghế sofa, thảm chải giường, sàn nhà đều toàn lông là lông nhỉ?
Làm thế nào để giúp một chú chó bớt lo lắng?
Dưới đây là một số mẹo bạn có thể áp dụng để giúp chó tránh hoặc giảm bớt căng thẳng.
Tránh các tình huống căng thẳng
Chắc việc đơn giản nhất để tránh căng thẳng chính là không tiếp xúc với các yếu tố gây căng thẳng. Ví dụ, trong trường hợp lo lắng về sự chia ly, hãy tạo cho chúng một không gian yên tĩnh với những đồ chơi an toàn và những vật dụng có mùi quen thuộc. Hãy bắt đầu bằng cách để chúng trong không gian đó một thời gian ngắn, dần dần tăng thời gian lên. Đến khi chúng quen với việc vẫn vui vẻ mà không có sự hiện diện của bạn.
Mỗi khi từ bên ngoài trở về, bạn hãy khen ngợi chú chó của mình và có thể cho chúng một phần quà - là món ăn khoái khẩu của chúng. Thông qua việc lặp đi lặp lại và tăng dần khoảng thời gian mà bạn không bên chúng, chú chó của bạn sẽ hiểu được rằng, dù bao lâu đi nữa bạn cũng sẽ quay trở lại và chúng không cần phải lo lắng về điều đó.
Nếu chú chó của bạn cảm thấy căng thẳng khi có sự xuất hiện của người lạ, hãy nhốt chúng trong một khu vực yên tĩnh trong thời gian đó. Việc này vừa đảm bảo an toàn cho khách đến chơi nhà, mà cũng làm chú chó của bạn thấy thoải mái hơn.
Thử các phương pháp mới những vẫn phải đảm bảo an toàn
Cho chó tiếp xúc với các yếu tố gây căng thẳng cho đến khi chúng không còn phản ứng, đó là cách được khá nhiều người áp dụng để tập cho chú chó của mình vượt qua được sự căng thẳng lo lắng. Nhưng thực ra đó không phải là một cách tốt đâu. Việc tiếp xúc liên tục với các yếu tố căng thẳng, có thể sẽ làm chú chó của bạn thấy sợ hãi. Thay vào đó, bạn nên áp dụng những chiến lược và cách thức mới để giúp chó cải thiện tình hình mà không bị ảnh hưởng.
Để thiết lập cho chú chó của bạn một phản ứng mới đối với tác nhân gây căng thẳng, bạn phải tiến hành một chương trình khen thưởng cho chúng. Chẳng hạn như cung cấp thức ăn, tình yêu thương hoặc một hoạt động như đi chơi, đi dạo. Phần thưởng phải luôn được cất giấu, buộc chúng phải đi tìm kiếm, và quá trình đào tạo sẽ phải diễn ra chậm và đều đặn. Điều này nên được thực hiện trong một môi trường ổn định, an toàn và không được thực hiện trong các tình huống lo lắng đâu nhé.
Điều trị bắt đầu bằng việc học các chiến lược kiểm soát tại nhà - hay còn gọi là huấn luyện, nơi con chó của bạn được yêu cầu kiếm mọi thứ bằng các phản ứng thích hợp khi bạn đưa ra một dấu hiệu cụ thể. Bắt đầu với các nhiệm vụ bình tĩnh như “ngồi” hoặc “nằm xuống” và cuối cùng chuyển sang các phản ứng “tập trung” và “thoát khỏi”. Rồi dần dần, bạn sẽ thấy kết quả tuyệt vời hơn cả mong đợi đấy.
Với phản ứng tập trung, mục đích là để chó giao tiếp bằng mắt với bạn hoặc tập trung vào món ăn / đồ chơi để đánh lạc hướng chúng khỏi những tác nhân gây căng thẳng. Phản ứng thoát hiểm là huấn luyện thú cưng của bạn đến một môi trường an toàn, yên tĩnh (chẳng hạn như giường hoặc phòng) ngay khi chúng cảm thấy căng thẳng. Bạn có thể sử dụng đồ ăn làm phần thưởng để dẫn dắt chúng cho đến khi chúng biết được đâu là không gian an toàn.
Không bao giờ trừng phạt chú chó của bạn về thể chất hoặc bằng cách la mắng chúng, vì điều này không hiệu quả . Sẽ chỉ làm tăng mức độ căng thẳng của chúng và làm cho chúng sợ bạn hơn thôi.
Nhưng có một điều bạn cũng nên chuẩn bị tâm lí trước vì có thể sự lo lắng của chú chó nhà bạn có thể tồi tệ và đeo bám chúng đến suốt đời. Chúng sẽ cần sự hỗ trợ của thuốc, của bác sĩ thú y hoặc các nhà huấn luyện vật nuôi để giúp cải thiện tình hình trong một thời gian dài.
Có nên sử dụng thuốc chống lo âu cho chó?
Bác sĩ thú y có thể đề nghị kê đơn thuốc chống lo âu (bao gồm Fluoxetine , Clomipramine hoặc Alprazolam). Thuốc có thể được sử dụng trong trường hợp chú chó của bạn có những hành vi quá mức.
Loại thuốc và liều lượng sẽ dựa trên tuổi, các tình trạng y tế khác và các yếu tố kích hoạt gây nên trạng thái lo lắng cho chú chó của bạn. Thuốc thường mất vài tuần đến vài tháng để cải thiện tình trạng. Trong thời gian sử dụng thuốc, bạn sẽ cần phải theo dõi chú chó thường xuyên để điều chỉnh thuốc cho phù hợp và tiến hành kiểm tra máu theo chỉ dẫn của bác sĩ thú y. Thời gian điều trị tối thiểu cho chứng lo âu ở chó thường kéo dài trung bình từ 4-6 tháng nhưng cũng có thể mất nhiều năm trong một số trường hợp.
Liệu pháp điều trị bằng thuốc có thể giúp giảm bớt phản ứng của chó với các tác nhân gây bệnh và có thể hỗ trợ việc học các hành vi mới. Tuy nhiên, khi cai sữa hoặc ngưng dùng thuốc, các hành vi lo lắng của chúng có thể quay trở lại. Vì vậy, một khi dùng dùng thuốc đồng nghĩa với việc chú chó của bạn sẽ sống cùng thuốc cả đời.
Sau quá trình điều trị, nếu các triệu chứng lo lắng của chú chó nhà bạn không được cải thiện, bác sĩ thú y có thể giới thiệu bạn đến gặp một nhà hành vi học về động vật đã được các cơ quan có thẩm quyền về thú y cấp giấy chứng nhận. Mọi nỗ lực sẽ đều nhằm mục đích giúp chú chó của bạn cải thiện tình trạng lo âu. Nhưng điều quan trọng là phải tìm hiểu được các tác nhân gây bệnh để quá trình điều trị đạt hiệu quả tốt nhất cũng như có thể giúp chúng có một cuộc sống bình thường.
Katie - PetMD