Cart

Dị ứng da ở mèo

Tương tự như chó, mèo cũng có thể bị mắc các bệnh ngoài da do dị ứng. Các bệnh này sẽ gây châm chích ngoài da và đau cho mèo. 

Tìm ra nguồn gốc của dị ứng là điều cơ bản để giúp da mèo của bạn lành lại nhanh hơn và giảm bớt sự khó chịu. Khi đã tìm ra được nguyên nhân gây ra dị ứng thì điều quan trọng tiếp theo là phải tiếp tục quản lý tình trạng dị ứng da của mèo để giúp ngăn ngừa bệnh quay trở lại.

Dấu hiệu của dị ứng da ở mèo
Bạn đã thực sự biết những dấu hiệu nào đang phản ánh da chú mèo của bạn đang bị dị ứng chưa? Các dấu hiệu phổ biến nhất của dị ứng da mèo là: rụng lông, hình thành vảy, loét và vết loét hở, ngứa dữ dội có thể xuất hiện như hiện tượng gãi quá mức. Đôi khi mèo cũng bị nhiễm trùng tai, có cặn đen trong tai hoặc hay lắc đầu. Khi ấy chúng sẽ thấy cực kỳ khó chịu hoặc đau đớn. Da của chúng có thể co giật hoặc chúng sẽ rít, gầm gừ hoặc di chuyển ra xa khi bạn vuốt ve hoặc cố gắng cưng nựng chúng.

Nguyên nhân nào gây dị ứng da mèo?
Nguyên nhân gốc rễ của dị ứng là do hệ thống miễn dịch phản ứng với một chất lạ mà không phải là vi rút hoặc vi khuẩn, ví dụ như phấn hoa, protein trong thức ăn, nước bọt của bọ chét,.. Khi mèo bị dị ứng, hệ thống miễn dịch của chúng nhầm lẫn rằng một loại protein lành tính là một loại vi rút hoặc ký sinh trùng đang cố gắng tấn công chúng, cái mà gây ra tình trạng viêm. Lúc này, hệ thống miễn dịch sẽ tạo ra các kháng thể để chống lại tác nhân gây ra dị ứng đó. Các kháng thể sẽ giải phóng ra một số hóa chất chẳng hạn như histamine, gây ra các triệu chứng dị ứng.

Có ba tác nhân gây dị ứng da ở mèo:
Bọ chét cắn / dị ứng bọ chét
Dị ứng thực phẩm
Dị ứng môi trường

Các vấn đề về da ở mèo không chỉ là do dị ứng, còn có thể do ve hoặc nấm ngoài da. Vì vậy bác sĩ thú y có thể đề nghị xét nghiệm để tìm ra đúng nguyên nhân.

Nhiều con mèo bên cạnh tình trạng dị ứng cũng xảy ra hiện tượng nhiễm trùng do xuất hiện vi khuẩn trên da, làm chậm quá trình lành. Lúc này, bác sĩ thú y có thể đề xuất việc xét nghiệm và điều trị kháng sinh cho mèo nếu cần thiết.

Bệnh viêm da dị ứng do bọ chét ở mèo
Dị ứng với bọ chét thực chất là sự phản ứng với nước bọt của bọ chét. Mèo chỉ sống trong nhà cũng dễ bị bọ chét như mèo đi ra ngoài vì bọ chét có thể sống ở mọi nơi trong môi trường.

Trong trường hợp bạn vẫn đang sử dụng các biện pháp phòng ngừa bọ chét cho mèo và bác sĩ thú y không tìm thấy bất kỳ dấu hiệu nào của bọ chét, điều đó có nghĩa là mèo của bạn bị dị ứng với thức ăn hoặc thứ gì đó trong môi trường chứ không phải bọ chét.

Dị ứng thức ăn cho mèo
Hầu hết mèo bị dị ứng với thức ăn đều là do dị ứng với protein trong thức ăn, tuy nhiên protein trong ngũ cốc lại an toàn với mèo. Điều này có nghĩa là ngô và lúa mì thường không phải là vấn đề gây ra dị ứng. Dị ứng thức ăn phổ biến nhất ở mèo là thịt gà và cá. Vì vậy, hãy cân nhắc khi lựa chọn thực phẩm cho chú mèo nhà bạn nhé!

Dị ứng môi trường
Bạn sẽ chẳng thể nào mà nhốt chú mèo của bạn mãi trong phòng được, chúng sẽ buồn lắm đấy. Được ra ngoài đi chơi là một cách thư giãn tốt với mèo. Nhưng ở ngoài môi trường lại có rất nhiều mối nguy tiềm tàng làm cho chú mèo của bạn bị dị ứng. Những tác nhân gây ra dị ứng với môi trường thường thấy là phấn hoa, nấm mốc, bào tử bụi và lông tơ. Chúng có thể được tìm thấy trên mặt đất và trong không khí. Nếu chú mèo của bạn vô tình tiếp xúc phải, thì bạn cũng đoán được điều gì xảy ra rồi đấy.  Loại dị ứng này thường được gọi với cái tên quen thuộc hơn “Viêm da dị ứng”.

Làm thế nào để bạn điều trị dị ứng da ở mèo?
Điều trị dị ứng da ở mèo bao gồm một số bước: giảm ngứa, giảm viêm, điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn và tìm ra nguyên nhân.

Giảm viêm và làm dịu cơn ngứa
Tất cả những chú mèo bị bệnh dị ứng da đều cảm thấy rất ngứa. Ở lần khám đầu tiên, bác sĩ thú y có thể kê đơn có chứa corticosteroid, chẳng hạn như prednisone, để giảm ngứa và viêm. Tắm cũng là một cách giúp cho mèo có thể làm dịu da và giảm viêm. Nhưng có một sự thật rằng hầu hết mèo đều không thích tắm, bạn có thể sẽ muốn thử một loại dầu gội khô dành cho mèo để vừa có thể làm sạch mà vẫn giữ cho lông chúng được khô. Và hãy đảm bảo rằng đó là sản phẩm mà bác sĩ thú y của bạn khuyến cáo nhé.

Điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn
Nhiều con mèo cũng bị nhiễm trùng do vi khuẩn thứ cấp, khi ấy chúng sẽ phải sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị. Bác sĩ thú y cũng có thể khuyên bạn nên đeo vòng chống liếm cho mèo để ngăn chúng gãi vào mặt hoặc chải lông quá mức.

Tìm nguyên nhân gây dị ứng da cho mèo của bạn
Nếu bạn chỉ điều trị triệu chứng mà không tìm ra nguyên nhân nào đã làm mèo của bạn bị dị ứng thì chắc hẳn bạn sẽ phải quay lại phòng khám thú y nhiều lần nữa. Vì vậy, tìm ra nguyên nhân và điều trị theo nguyên nhân là chìa khóa để phá vỡ chu kỳ dị ứng.

Làm thế nào để bác sĩ thú y của bạn xác định được nguyên nhân gây dị ứng da của mèo? 
Quá trình này cần thời gian. Vì vậy, bác sĩ thú y sẽ muốn thăm khám mèo của bạn 2-3 tuần một lần cho đến khi chúng trông khỏe hơn. Đây là bước để bác sĩ thú y xác định được nguyên nhân tại sao mèo của bạn lại bị dị ứng.

Kiểm tra các dấu hiệu dị ứng bọ chét
Dị ứng với bọ chét là hiện tượng khá phổ biến đối với mèo. Khi bạn mang chú mèo của mình đến gặp bác sĩ thú y, chúng sẽ được kiểm tra xem có sự xuất hiện của bọ chét trên cơ thể hay không? Nhưng điều thú vị là dị ứng gây ra cảm giác ngứa làm mèo phải chải lông liên tục, do đó chúng có thể loại bỏ tất cả hoặc hầu hết bọ chét bám trên lông. Vì vậy bác sĩ thú y có thể không nhìn thấy bất kỳ con bọ chét nào trên mèo của bạn. Tuy nhiên, không nhìn thấy bọ chét, không có nghĩa là chúng không phải là nguyên nhân gây ra bệnh ngoài da cho mèo đâu nhé.

Bác sĩ thú y sẽ hỏi bạn có đang sử dụng phương pháp phòng ngừa bọ chét hàng tháng hay không? Nếu bạn không sử dụng, họ sẽ giới thiệu cho bạn một sản phẩm phòng bọ chét phù hợp với chú mèo của bạn. Sử dụng biện pháp ngăn ngừa bọ chét hiệu quả và đánh giá phản ứng của mèo sẽ giúp xác định xem mèo có bị dị ứng với bọ chét hay không.

Điều đặc biệt quan trọng là sử dụng biện pháp phòng ngừa bọ chét không những giúp kiểm soát bọ chét mà còn giúp giảm ngứa do bọ chét gây ra. Nhưng hãy nhớ rằng bạn phải sử dụng đều đặn hàng tháng theo chỉ dẫn của bác sĩ thú y.

Kiểm tra dị ứng do thức ăn
Nếu mèo của bạn vẫn ngứa sau khi điều trị nhiễm trùng và sử dụng thuốc phòng ngừa bọ chét hàng tháng, thì rất có thể chúng bị dị ứng do thức ăn. Không giống như người, không có xét nghiệm máu để tìm dị ứng thức ăn ở mèo. Để xác định xem mèo có bị dị ứng với thức ăn hay không, bác sĩ thú y sẽ chỉ định một chế độ ăn kiêng protein mới hoặc một chế độ ăn uống ít gây dị ứng.

Một chế độ ăn protein mới là một chế độ ăn có nguồn protein mà mèo của bạn chưa bao giờ có trước đây. Thịt nai, thỏ và vịt là những nguồn protein mới lạ phổ biến.

Chế độ ăn ít gây dị ứng là nguồn protein trong thức ăn bị chia nhỏ thành các mảnh phân tử để cơ thể không còn nhận ra đó là protein. Bạn hãy tưởng tượng bạn có một bức tranh về con tàu cướp biển, khi bạn tách nó ra thành các mảnh ghép, bạn sẽ không còn nhận ra nó là con tàu nữa phải không nào? Chế độ ăn ít gây dị ứng cũng tương tự như vậy đấy.

Để chẩn đoán dị ứng thực phẩm, mèo của bạn sẽ cần phải ăn theo chế độ ăn kiêng theo quy định trong tối thiểu hai tháng mà không được ăn bất cứ thứ gì ngoài chế độ ăn đó. Nếu thử nghiệm ăn kiêng có hiệu quả, bước tiếp theo là bổ sung một nguồn protein mới vào thực phẩm trong một đến hai tuần.

Nếu không có phản ứng, chúng ta có thể cho rằng protein không gây dị ứng. Nếu có phản ứng, thì chứng tỏ mèo của bạn bị dị ứng với loại protein đó và bạn phải tránh nó ra. Đôi khi, một số con mèo phải tuân theo chế độ ăn kiêng suốt đời để kiểm soát chứng dị ứng thức ăn của chúng.

Quản lý bệnh viêm da dị ứng ở mèo
Viêm da dị ứng (dị ứng môi trường) là một chẩn đoán loại trừ. Điều này có nghĩa là con mèo của bạn đã liên tục sử dụng thuốc ngăn ngừa bọ chét, đã hoàn thành thử nghiệm thức ăn mà vẫn còn rất ngứa thì có khả năng chúng bị viêm da dị ứng do môi trường. Tại thời điểm này, các lựa chọn điều trị bao gồm:

  • Tiếp tục sử dụng corticosteroid
  • Sử dụng thuốc cân bằng miễn dịch như Atopica
  • Xét nghiệm máu để tìm dị ứng và bắt đầu liệu pháp miễn dịch (chích ngừa dị ứng)
  • Corticosteroid: là thuốc chống viêm, có nghĩa là chúng làm giảm tình trạng viêm do dị ứng da ở mèo. Thuốc corticosteroid thường được sử dụng là prednisolone và triamcinolone. Tuy nhiên, tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm tăng cảm giác khát và tổn thương thận. Ở mèo, corticosteroid thường khá an toàn, nhưng chúng phải được sử dụng với liều lượng càng thấp càng tốt trong khi vẫn kiểm soát được bệnh.
  • Atopica: còn được gọi là cyclosporine, ngăn chặn các tế bào của hệ thống miễn dịch có liên quan đến dị ứng, do đó ít viêm hơn. Các tác dụng phụ có thể xảy ra của cyclosporine là đau bụng và tiêu chảy, nhưng nó thường được coi là an toàn ở mèo.

Dị ứng Shots
Khả năng cuối cùng đối với viêm da dị ứng là liệu pháp miễn dịch, hoặc tiêm phòng dị ứng. Liệu pháp miễn dịch có nghĩa là chúng ta đang cố gắng thay đổi cách hệ thống miễn dịch nhìn thấy các kháng nguyên (các protein gây ra phản ứng miễn dịch) để nó không còn phản ứng nữa.

Quá trình này bắt đầu bằng việc xét nghiệm máu hoặc da để tìm ra chính xác loại kháng nguyên môi trường mà mèo của bạn đang phản ứng. Sau khi xét nghiệm tìm ra được nguyên nhân gây ra dị ứng, phòng thí nghiệm sẽ tạo ra huyết thanh kháng nguyên.

Bạn sẽ tiêm phòng dị ứng cho mèo vài lần một tuần. Mục đích của tiêm phòng là giúp mèo tạo ra các kháng thể chống lại kháng nguyên mà mèo đang dị ứng. Liệu pháp miễn dịch này sẽ mất khoảng một năm để thấy được sự hiệu quả.

Điều quan trọng cần lưu ý là không có phương pháp chữa trị bệnh dị ứng da ở mèo và nhiều con mèo bị đa dị ứng. Tất cả các liệu pháp liên quan đến dị ứng ở mèo nhằm mục đích kiểm soát và quản lý lượng viêm do dị ứng gây ra, cũng như ngăn ngừa nhiễm trùng và cảm giác khó chịu thôi.

Emily - PETMD

Facebook Linkedin Top