Cart

Nếu một ngày "quàng thượng" nhà bạn có mùi hôi..miệng

Thật ra hơi thở của mèo không được thơm tho như bạn vẫn nghĩ đâu. Tiến sĩ Bruce Gordon Kornreich, phó giám đốc của Trung tâm sức khỏe mèo Cornell cho biết, nếu có một thứ gì đó mắc kẹt giữa hai răng mèo như miếng cá ngừ chẳng hạn. Thì hơi thở của chú mèo nhà bạn sẽ hơi "nặng mùi" một chút. 
Nhưng cũng không có gì là bất thường khi mèo có một chút mùi trong miệng. Bạn không cần quá lo lắng đâu nhé.

Tuy nhiên, nếu hơi thở của mèo con liên tục khiến bạn nhăn mũi, đó có thể là dấu hiệu cho thấy có điều gì đó không ổn. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây ra chứng hôi miệng ở mèo và cách phòng ngừa, điều trị tình trạng này.

Nguyên nhân và cách điều trị hôi miệng ở mèo
Bệnh nha chu ( Tình trạng viêm nhiễm của tổ chức quanh răng) 
Trong khi có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra hiện tượng hôi miệng ở mèo, nhưng các bác sĩ thú y đều đồng ý rằng bệnh nha chu là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng này. Theo Hội đồng Sức khỏe Răng miệng Thú y, bệnh nha chu là một bệnh nhiễm trùng do sự tích tụ của mảng bám răng mềm trên bề mặt xung quanh nướu. Vi khuẩn trong mảng bám răng gây kích ứng mô nướu, càng ngày mảng bám tích tụ càng nhiều và có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng xương xung quanh răng. Chỉ trong vòng vài ngày, mảng bám có thể khoáng hóa và cứng lại tạo thành cao răng, hình thành một bề mặt thô ráp, là địa hình lí tưởng cho các mảng bám dễ dàng tích tụ hơn.

Nếu bạn không có những biện pháp chăm sóc kịp thời cho bệnh này thì chú mèo của bạn có thể mất răng, chảy máu nướu, đau và gặp các vấn đề khác nữa đấy. Để điều trị, mèo của bạn nên được làm sạch răng chuyên nghiệp tại phòng khám của bác sĩ thú y.

Thú cưng của bạn sẽ được gây mê toàn thân và sau khi được an thần, bác sĩ thú y sẽ loại bỏ mảng bám và cao răng. Sau đó chúng sẽ được kiểm tra xem có bất kỳ chiếc răng bị bệnh nào cần phải nhổ hay không. Ngoài ra, bác sĩ của bạn cũng có thể tiến hành chụp X-quang nếu cần thiết.

Vệ sinh răng miệng đều đặn có thể ngăn ngừa bệnh nha chu quay trở lại. Marzec cho biết, đánh răng cho thú cưng của bạn hàng ngày là điều tốt nhất bạn có thể làm “Tôi nghĩ mẹo quan trọng nhất để phòng bệnh nha chu là thường xuyên đánh răng cho mèo bằng kem đánh răng chuyên dụng“. Các bước đánh răng cho mèo như sau: Đầu tiên hãy nhẹ nhàng nâng môi mèo lên, sau đó đưa bàn chải vào miệng và cuối cùng là hành động chải răng như bình thường. Tiến hành chậm dãi, đều đặn và đúng cách sẽ đem lại hiệu quả bất ngờ đấy. Nếu bạn không thể đánh răng cho mèo vì một số lí do nào đấy, lau răng cho mèo bằng gạc khô hoặc khăn lau cũng là một giải pháp để loại bỏ mảng bám trên răng. Chế độ ăn uống hoặc điều trị nha khoa cũng có thể làm giảm sự tích tụ mảng bám và làm hơi thở thơm tho hơn. Nhưng hãy lưu ý là bạn nên sử dụng các sản phẩm đã được chấp nhận bởi Hội đồng Sức khỏe Răng miệng Thú y nhé.

Bệnh viêm miệng bạch huyết Plasmacytic
Trong một số trường hợp, hơi thở có mùi hôi là do một tình trạng gọi là viêm miệng tế bào lympho. Nó có thể liên quan đến vi rút bệnh bạch cầu ở mèo, vi rút suy giảm miễn dịch ở mèo, vi rút calicivirus hoặc Bartonella và các bệnh nhiễm trùng khác.

Cứ một vài lần mỗi năm, những con mèo con sẽ bị viêm miệng plasmacytic tế bào lympho, một chứng viêm miệng nghiêm trọng gây ra mùi hôi và vô cùng đau đớn. Landefeld mô tả: “Nướu của mèo trông giống như một chiếc bánh hamburger thô. “Mèo bị lở loét, sưng tấy, chảy máu nướu răng. Khi chúng mở miệng thì rất đau”.

Để điều trị bệnh này, bác sĩ thú y sẽ làm sạch răng miệng cho chú mèo của bạn. Sau đó tiến hành loại bỏ một hoặc tất cả các răng có vấn đề. Trong một số trường hợp, sẽ cần thêm sự trợ giúp của kháng sinh nữa.

Ngoài viêm nướu và viêm miệng mãn tính, mèo bị nhiễm virus calicivirus có thể bị nhiễm trùng đường hô hấp trên, đặc trưng là hiện tượng tiết dịch từ mắt, chảy nước mũi, hắt hơi và loét trên lưỡi. Vì vậy, các bác sĩ thú y khuyến nghị bạn nên chủng ngừa calicivirus cho mèo. Vắc xin sẽ bảo vệ mèo khỏi mắc bệnh do virus calicivirus rất dễ lây truyền từ con mèo này sang con mèo khác, đặc biệt là những nơi nuôi mèo có mật độ cao. 

Ung thư miệng
Ung thư miệng cũng có thể tạo ra mùi hôi miệng. Khi khối u phát triển, nó có thể bị nhiễm trùng và gây ra chứng hôi miệng.
Thật không may, vào thời điểm những con mèo bị ung thư biểu mô tế bào vảy hoặc các loại ung thư miệng khác đa số tiên lượng sẽ không tốt. Mèo chỉ sống được khoảng 2-3 tháng sau kể từ ngày được chẩn đoán bệnh.

Bệnh thận
Đôi khi, hơi thở có mùi cũng là báo hiệu một vấn đề sức khỏe khác, không phải bắt nguồn từ miệng. Nếu hơi thở của mèo có mùi giống như amoniac hoặc nước tiểu, đó có thể là bệnh thận. Bệnh này thường gặp  ở mèo từ 8 tuổi trở lên. Ngoài hơi thở hôi, mèo bị bệnh thận có thể có biểu hiện lờ đờ, sụt cân, uống nhiều nước hơn, đi tiểu thường xuyên và số lượng nước tiểu nhiều hơn”.
Bác sĩ thú y có thể khám cho thú cưng của bạn, xét nghiệm máu và phân tích nước tiểu để xem liệu bệnh thận có phải là vấn đề gây ra hôi miệng hay không.
Để kiểm soát bệnh thận bạn có thể thay đổi chế độ ăn uống, chẳng hạn như giảm thiểu hàm lượng phốt pho trong thức ăn, đảm bảo mèo của bạn được cung cấp đủ nước và giải quyết các vấn đề như thiếu máu hoặc huyết áp cao. 
Bệnh càng được phát hiện sớm thì tiên lượng điều trị càng tốt.

Bệnh tiểu đường
Nếu hơi thở của mèo có mùi trái cây, nó có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường. Đặc biệt là nếu chúng uống nhiều nước hơn bình thường, đi tiểu thường xuyên hơn và sụt cân mặc dù rất thèm ăn. Bệnh tiểu đường ở mèo có thể được kiểm soát bằng insulin.

Bệnh gan
Ngoài hơi thở có mùi hôi, mèo bị bệnh gan có thể bị vàng lòng trắng của mắt hoặc vàng da trên tai hoặc trên nướu răng. Chúng cũng có thể hôn mê, ăn không ngon, nôn mửa hoặc tiêu chảy, uống và đi tiểu nhiều hơn bình thường. Để điều trị bệnh gan thì còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh. 

Chẩn đoán hơi thở có mùi hôi ở mèo
Để xác định nguyên nhân gây ra chứng hôi miệng của mèo, bác sĩ thú y sẽ bắt đầu bằng việc xem xét lịch sử bệnh án và thực hiện thăm khám sức khỏe. Nếu nguồn gốc gây ra hôi miệng không rõ ràng (ví dụ: bệnh nha chu, viêm miệng tế bào lympho hoặc một khối u ở miệng), thì bác sĩ thú y sẽ tiến hành thử máu, phân tích nước tiểu hoặc thực hiện các xét nghiện chẩn đoán khác nếu cần để tìm nguyên nhân.

Editorial - PetMD

Facebook Linkedin Top