Vì sao chú chó của bạn không ăn (dù vẫn uống nước)?
Nếu chó cưng của bạn bỏ ăn, rất có thể là do một trong mười lý do dưới đây. Hãy chú ý đến thói quen ăn uống của chúng và tham khảo ý kiến của bác sĩ thú y để xác định xem liệu chú cún có gặp bất cứ vấn đề gì về sức khỏe hay không.
Chán ăn là một dấu hiệu rất phổ biến với nhiều vấn đề sức khỏe, nhưng nó cũng có thể do thay đổi thói quen và môi trường. Trong trường hợp này, hãy bình tĩnh cố gắng tìm ra nguyên nhân và tìm kiếm sự trợ giúp của chuyên gia nếu cần thiết. Nếu chó không chịu ăn nhưng vẫn uống nước, rất có thể nguyên nhân là do một vấn đề nghiêm trọng. Để ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe thứ phát, hãy đưa chó đến bác sĩ thú y để kiểm tra càng sớm càng tốt.
Trước khi đưa chó đi kiểm tra sức khỏe, hãy cùng điểm qua 10 lý do phổ biến nhất khiến chó không chịu ăn nhằm giúp chẩn đoán vấn đề một cách toàn diện hơn.
1. Dấu hiệu ban đầu của bệnh tật
Khi chó con của bạn bị ốm hoặc cảm thấy không được khỏe, chúng dễ trở nên thụ động, buồn ngủ và chán ăn.
Tuy nhiên, không phải cứ chán ăn có nghĩa rằng chúng đã mắc phải những căn bệnh nghiêm trọng, bởi tình trạng này còn có thể do một số nguyên nhân khác như vô tình bị thương khi chạy hay nô đùa. Hãy chú ý đến chuyển động của chúng và kiểm tra xem liệu có bất cứ vấn đề nào hay không.
Mặc dù chán ăn có thể chỉ là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nhỏ, nhưng cũng không nên coi thường khả năng là triệu chứng của những chứng bệnh nghiêm trọng như suy thận, bệnh răng miệng, các vấn đề về gan hoặc thậm chí là ung thư.
Chó ở độ tuổi nào đều có thể gặp phải tình trạng bỏ ăn mà chỉ uống nước và nôn mửa, và tình trạng này tương đối phổ biến. Tuy nhiên, bạn vẫn nên đưa chó đến bác sĩ thú y và làm một số xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân.
Tóm lại, chán ăn là một triệu chứng tương đối thử thách. Nó có thể có nghĩa là một vấn đề sức khỏe nhỏ hoặc cũng đôi khi chính là một dấu hiệu của một căn bệnh nghiêm trọng.
2. Chú chó mới được tiêm phòng
Tuy vắc-xin có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa nhiều loại bệnh nghiêm trọng và được khuyến khích sử dụng với loài chó, thì một số người lại phản đối việc này vì lo ngại tới các ảnh hưởng tiêu cực và nguy cơ gây một số vấn đề về sức khỏe. Những tuyên bố như vậy là vô căn cứ và không có cơ sở khoa học. Thực tế đã cho thấy hiệu quả của vắc xin trong việc ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm và nguy cơ gây tử vong, vì vậy đừng bỏ qua các mũi tiêm nếu bạn quan tâm đến sức khỏe của cún cưng.
Tuy nhiên, đôi khi vắc xin là câu trả lời hợp lý nhất cho câu hỏi: "Tại sao chó cưng của tôi không ăn mà lại uống nước?"
Trên thực tế, vắc xin có thể có một số tác dụng phụ không nghiêm trọng tới sức khỏe, và một trong số đó là chán ăn. Nhưng nếu tình trạng này diễn ra từ một đến hay ngày sau khi tiêm phòng, việc đưa cún cưng đến kiểm tra tại các phòng khám thú y là vô cùng cần thiết. Ngoài chán ăn, chó cũng có thể bị tiêu chảy và hôn mê. Lý do lý giải tại sao chỉ một vài trường hợp có các phản ứng phụ sau tiêm vẫn chưa được xác định, nhưng hầu hết các nghiên cứu đã cho thấy rằng giống chó chính là yếu tố quan trọng nhất.
3. Lạ lẫm với môi trường xung quanh
Như con người, chó cũng sẽ cần thời gian để thích nghi với các môi trường mới. Khi bạn chuyển đến một ngôi nhà mới hoặc đang đi du lịch, chó có thể bỏ ăn, hôn mê hoặc đánh hơi và liếm mọi thứ xung quanh chúng trong ngày đầu tiên. Do môi trường xa lạ mà chó có thể cảm thấy lo lắng, căng thẳng hoặc hồi hộp. Trong trường hợp này, hãy dành thời gian chơi với chó cưng, tuyệt đối đừng để chúng một mình. Hãy hành động như thể bạn đang ở nhà và sử dụng bát đựng thức ăn, nước uống hàng ngày của chúng. Bằng cách này chó sẽ nhanh chóng nhận ra rằng nơi ở mới là an toàn và sớm hồi phục trở lại. Đôi khi, chó từ chối ăn bởi cảm giác bị bỏ mặc. Bạn có thể bật radio hoặc TV khi cho chúng ăn để giải quyết tình trạng này. Nếu bạn khá bận rộn và có ít thời gian cho thú cưng, hãy cân nhắc đến việc nhận nuôi thêm một chú chó khác để giảm bớt cảm giác cô đơn cho chúng.
Tóm lại, thay đổi môi trường là một sự kiện tương đối căng thẳng đối với loài chó và có thể dẫn đến chán ăn.
4. Chỉ đơn giản là do chúng kén ăn
Cũng giống như con người, một số loài động vật cũng có thể kén ăn do không thích một số nhóm hoặc loại thức ăn cụ thể. Điều này thường xảy ra khi chúng đã quen với việc ăn một loại thực phẩm, và khi bạn thay đổi nhãn hiệu hoặc hương vị, chúng sẽ nhận ra và từ chối ăn. Bạn có thể trộn lẫn loại thức ăn chúng yêu thích cùng loại thức ăn mới trong trường hợp này. Tuy nhiên cũng không nên vội kết luận rằng tình trạng bỏ ăn khi đổi loại thức ăn là do kén chọn. Hãy kiểm tra xem liệu có vấn đề nghiêm trọng hơn hay không bằng cách cho chó đến thăm khám với bác sĩ thú y. Nếu cún cưng từ chối mọi loại thức ăn kể cả đồ ăn vặt, rất có thể đó là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn.
5. Các vấn đề về dạ dày, tiêu hóa
Chó thích khám phá môi trường xung quanh và có thể ăn bất cứ thứ gì chúng tìm thấy. Điều này có thể gây ra một số vấn đề về đường tiêu hóa và dạ dày, khiến chúng không chịu ăn nhưng lại thường uống nhiều nước. Ngoài ra, chúng có thể ăn vụng thức ăn của bạn, ăn các vật nhỏ hay thậm chí là rác. Việc ăn thức ăn của con người có thể khiến chúng gặp một vài vấn đề về sức khỏe do một số thành phần và thức ăn của con người không hợp hoặc có thể chứa độc tố với loài chó. Đôi khi, chó có thể bị rối loạn tiêu hóa tạm thời do ăn phải đồ trong thùng rác. Trong trường hợp vô tình nuốt phải một vật nhỏ, chúng có thể không tiêu hóa được khiến dị vật mắc kẹt trong đường ruột, cần được can thiệp y tế ngay lập tức để giúp chó ổn định trở lại.
Ngoài ra, khi bạn đưa chó đi dạo tại công viên hoặc nơi công cộng, chúng thậm chí còn có thể ăn phân, thức ăn thừa hay kẹo hoặc đồ ăn vặt cay mà chúng tìm thấy. Nhằm xác định trường hợp này, hãy theo dõi quanh nhà để chắc chắn rằng chúng có bị nôn mửa hoặc tiêu chảy không. Nếu không phát hiện máu trong chất nôn hoặc phân, hãy để ý đến các dị vật khác. Mặt khác, nếu chó bị tiêu chảy và nôn mửa lâu hơn 24 giờ, hãy đưa chúng đến bác sĩ thú y.
6. Thay đổi thói quen sinh hoạt
Thói quen sinh hoạt của thú cưng thường bị ảnh hưởng bởi thói quen sinh hoạt của chủ nuôi. Ví dụ, khi bạn nhận một công việc mới và trở nên bận rộn hơn, thời gian cho ăn và dắt chúng đi dạo cũng có thể thay đổi theo.
Bỏ ăn là một cơ chế phản ứng lại với sự thay đổi, bởi lúc này chó thường có xu hướng cảm thấy lo lắng. Nếu không thể sắp xếp để giúp chó lấy lại thói quen sinh hoạt hàng ngày, hãy cho chúng thời gian để thích nghi dần với những thói quen mới. Chó thường có khả năng thích nghi tương đối nhanh.
7. Lần đầu tiên phải ở một mình
Chó còn có thể bỏ ăn trong lần đầu tiên phải ở một mình. Vì vậy, việc quan trọng nhất cần làm chính là huấn luyện chúng càng sớm càng tốt, để chó có thể ở nhà một mình mà không bị trầm cảm hoặc biếng ăn.
8. Biếng ăn ở những chú chó lớn tuổi
Nếu chó đã lớn tuổi và nó đột nhiên bỏ ăn hoặc ăn ít, thì đừng cho rằng đó chỉ là vì chúng đã già. Thông thường khi chó già đi, chúng trở nên yếu hơn và dễ gặp các vấn đề sức khỏe khác nhau, trong đố phổ biến nhất là các vấn đề về răng miệng khiến chúng gặp khó khăn trong việc nhai thức ăn. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ thú y về các loại thức ăn mà chó nên sử dụng, hoặc tham khảo một số loại vitamin bổ sung có thể được thêm vào chế độ ăn của chúng.
9. Chúng bị đe dọa bởi một vật nuôi khác
Nếu bạn đã nuôi chó một thời gian và sau đó giới thiệu một con vật cưng khác, chúng có thể phản ứng với thành viên mới bằng cách từ chối ăn. Chúng cũng có thể ghen tị, vì vậy bạn cần cho họ thấy rằng không có gì thay đổi và bạn cần tiếp tục chơi và dành thời gian chất lượng với chúng như trước. Chúng sẽ mất một thời gian để làm quen với một thành viên mới trong gia đình, nhưng chúng sẽ sớm bắt đầu chơi cùng nhau và sẽ là bạn thân của nhau.
Một lý do khác có thể là con chó mới ăn nhanh, và nó ăn tất cả mọi thứ. Không cho chúng ăn chung một bát, thay vào đó hãy dùng bát riêng cho mỗi chú chó. Điều tương tự cũng áp dụng cho bát nước.
Một số con chó thích ăn một mình mà không có một con chó hoặc một con mèo khác cố gắng để chúng chơi. Nếu bạn tách thức ăn của chúng ra, và con chó của bạn vẫn không chịu ăn, hãy thử để con chó của bạn một mình trong phòng để ăn mà không để con chó khác làm phiền chúng.
10. Táo bón
Khi bị táo bón, chó cưng thường bị đau bụng kèm mất nước và mất đi khả năng thèm ăn. Nếu chúng có vẻ lờ đờ, không vui vẻ và tỏ ra căng thẳng khi ngoài, hãy hỏi bác sĩ thú y để được tư vấn về các loại thuốc chữa và cách chăm sóc chó bị táo bón.
*Những cách khiến chó thèm ăn trở lại
Nếu chó cưng của bạn không có bất cứ vấn đề gì về sức khỏe mà đơn giản chỉ kén ăn, không muốn ăn cùng các vật nuôi khác hoặc ở đang ở nhà mới, hãy xem xét một số thủ thuật sau:
- Cắt giảm đồ ăn vặt
- Nếu bạn nuôi nhiều hơn một chú chó, hãy cho chúng vào thùng hoặc phòng riêng khi ăn.
- Hạn chế thay đổi thời gian biểu của bạn quá nhiều. Nếu cần thiết phải thay đổi, hãy chắc chắn rằng bạn đã sắp xếp được một thời gian biểu phù hợp hơn. Không nên thay đổi thời gian cho chó ăn quá nhiều.
- Trộn thức ăn mới với thức ăn mà chó của bạn đã quen để khiến quen dần mùi vị của thức ăn mới. Sau đó, hãy từ từ giảm dần lượng thức ăn cũ và tăng lượng thức ăn mới.
- Thử cho ăn bằng tay. Tuy nhiên không nên áp dụng cách này cho chó con, vì chúng có thể quen với việc được cho ăn bằng tay và từ chối ăn từ bát.
Trên đây là những lý do phổ biến nhất khiến chó cưng của bạn bỏ ăn. Dù nguyên nhân là vô hại hay nghiêm trọng, chúng tôi vẫn khuyến khích việc nên đưa thú cưng đến kiểm tra tại các phòng khám thú y. Nếu không có bất cứ vấn đề gì về sức khỏe được phát hiện mà chó cưng vẫn không chịu ăn, bác sĩ thú y có thể sẽ kê một số loại thuốc kích thích sự thèm ăn và đưa ra những lời khuyên hữu ích.
Bài viết từ Barking Royalty - Dịch bởi VINODA