Cart

Bệnh giảm bạch cầu ở mèo

Giảm bạch cầu (Feline distemper) được coi là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất ở mèo, căn bệnh phá huỷ hệ thống miễn dịch, gây các triệu chứng tiêu chảy nôn mửa, dẫn đến nhiễm trùng thứ phát, gây ra cái chết đau đớn cho mèo, căn bệnh có tỉ lệ chết cao đặc biệt là đối với mèo chưa được tiêm phòng.

Liz Hughston - Featured Image

 

Bệnh giảm bạch cầu là gì?

Bệnh giảm bạch cầu hay còn gọi là bệnh viêm ruột truyền nhiễm. Là bệnh do virus lây truyền nguy hiểm ở mèo, do virus Feline Parvovirus (FPV) gây ra. Bệnh rất phổ biến tại Việt Nam và cả thế giới.

 

Cơ chế gây bệnh

Virus xâm nhập vào cơ thể mèo qua đường hô hấp, tiêu hoá. Chúng vào hạch amidan, hạch ruột vào máu và đi khắp cơ thể, đặc biệt là những mô có sự phân chia tế bào nhanh và là những cơ quản có thẩm quyền miễn dịch như tuyến ức, tuỷ xương, lách và các nang lympho ở nếp gấp ruột. Virus phá huỷ các tổ chức này làm số lượng bạch cầu bị giảm. Mèo khỏi bệnh vẫn đào thải virus kéo dài vài tháng.

 

Những con mèo dễ nhiễm bệnh GBC

Virus FPV có mặt ở khắp mọi nơi trong môi trường, nên hầu như tất cả mèo con và mèo trưởng thành đều tiếp xúc với virus ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời, loại virus này còn có sức sống rất mạnh mẽ, có thể tồn tại khi tiếp xúc với chất sát trùng như iodine và rượu.

Mèo ở bất cứ độ tuổi nào cũng có thể nhiễm bệnh giảm bạch cầu, đặc biệt là mèo con, mèo ốm, mèo mẹ đang mang thai và những mèo chưa được tiêm phòng. Bệnh thường thấy ở mèo con từ 2 – 6 tháng tuổi; tỉ lệ tử vong do bệnh ở độ tuổi này cũng rất cao.

 

Triệu chứng

Các triệu chứng có thể thấy khi mèo mắc bệnh giảm bạch cầu:

  • Uể oải/ thờ ơ

  • Mèo mệt mỏi

  • Nôn mửa

  • Tiêu chảy

  • Đau bụng (khi ấn vào vùng bụng)

  • Mất nước

  • Lông xù

  • Sốt cao

  • Giảm ăn hoặc bỏ ăn

  • Kiệt quệ (trong trường hợp nghiêm trọng)

  • Bầm tím da hoặc nướu (trong một số trường hợp)

Thời kỳ nung bệnh từ 2 – 3 ngày, có thể kéo dài đến 5 - 7 ngày, bệnh thường biểu hiện ở các thể sau:

1. Thể quá cấp tính

Bệnh xảy ra đột ngột, con vật đau vùng bụng, thân nhiệt hạ, suy nhược nghiêm trọng và thường chết sau 24 giờ.

Trong trường hợp này thường dễ nhầm lẫn với hiện tượng trúng độc, tỉ lệ chết cũng rất cao.

2. Thể cấp tính

Trong 24 giờ đầu mèo sốt cao 40 độ C, bỏ ăn, không vận động, lông có thể trở nên xù, niêm mạc tái nhợt.

Biểu hiện tiêu hoá: rối loạn tiêu hoá, khát nước dữ dội, nôn ra mật có bọt, ỉa chảy nặng, phân mùi hôi khắm đôi khi lẫn máu, mèo bị đau khi sờ nắn bụng.

Bệnh tiến triển từ 2 – 3 ngày. Thân nhiệt hạ thấp hơn mức bình thường, sau đó hôn mê và chết nếu không được điều trị kịp thời.

Tỉ lệ chết của thể này cũng rất cao từ 50 – 80%.

Những con vật có thể sống qua 5 ngày thường sẽ qua khỏi, mèo có thể bình phục bình thường sau vài tuần, lượng bạch cầu lại tăng lên bình thường.

3. Thể ẩn tính

Ở thể ẩn tính phổ biến ở mèo trưởng thành, con vật chỉ sốt nhẹ và giảm bạch cầu, ngoài ra không có triệu chứng lâm sàng nào khác. Mèo khỏi bệnh có miễn dịch kéo dài.

4. Thể thần kinh

Gặp ở mèo con, do mèo mẹ bị bệnh trong thời kỳ mang thai, mèo con đẻ ra mất khả năng điều hoà vận động, yếu ớt , tỷ lệ nuôi sống thấp.

 

Đường lây truyền của bệnh

Mèo nhiễm bệnh khi tiếp xúc với máu, phân, nước tiểu và các dịch tiết có chứa virus gây bệnh , virus cũng có thể lan truyền qua chủ nuôi hoặc người tiếp xúc với mèo bệnh mà không rửa tay hay thay quần áo, hoặc các vật liệu như đệm nằm, lồng chuồng bát đĩa đựng thức ăn của mèo hoặc các vật dụng, mà mèo nhiễm bệnh đã sử dụng.

Mèo mẹ đang mang thai hoặc cho con bú nếu nhiễm bệnh có thể truyền virus cho mèo con qua tử cung hay sữa bú. Điều này khiến mèo con có thể bị sinh non; tổn thương não bẩm sinh và khả năng tử vong rất lớn.

 

Chẩn đoán

- Đối với chủ nuôi

Nếu nghi ngờ mèo mắc bệnh GBC, bạn cần mang mèo tới ngay cơ sở thú y. Và hãy nhớ cung cấp đầy đủ về bệnh sử của mèo; bởi có rất nhiều căn bệnh có biểu hiện giống như bệnh GBC ở mèo như : Ngộ độc, bệnh giảm bạch cầu mèo FELV, bệnh suy giảm miễn dịch ở mèo do virus FIV,…

  • Thông báo cho bác sĩ thú y tất cả các hoạt động của mèo đặc biệt là khi mèo của bạn tiếp xúc với mèo khác hoặc đi ra môi trường lạ.

  • Khi có được thông tin cần thiết, bác sĩ thú y sẽ tiến hành thăm khám cụ thể, thu thập các mẫu máu, mẫu nước tiểu để làm xét nghiệm. Từ những kết quả của quá trình khám, đặc biệt là đặc điểm giảm số lượng các tế bào máu( hồng cầu, bạch cầu), bác sĩ thú y có thể đưa ra chẩn đoán cho bệnh GBC.

- Đối với bác sĩ thú y

Trong chẩn đoán lâm sàng, số lượng bạch cầu trong chỉ tiêu huyết học giảm rõ rệt rất thường gặp trên các mèo mắc FPV (Bennet & Gaskell, 1996; Cave & cs., 2002; Greene, 2006). Đồng thời, các biến đổi bệnh tích đại thể, vi thể là một trong những cơ sở khoa học được ứng dụng trong quá trình chẩn đoán lâm sàng cho mèo mắc FPV.

  • Chẩn đoán lâm sàng và các đặc điểm dịch tễ và triệu chứng lâm sàng: xảy ra chủ yếu ở mèo từ 3 tháng – 1 năm tuổi. Biểu hiện sốt li bì, xuất hiện các triệu chứng tiêu hoá, viêm ruột, tiêu chảy, bạch cầu giảm rõ rệt.
  • Chẩn đoán phi lâm sàng: sử dụng kit test giảm bạch cầu, hoặc sử dụng phương pháp PCR chẩn đáon xét nghiệm bệnh sẽ thu được kết quả chính xác nhất nhưng tốn thời gian và cần phòng thí nghiệm để chẩn đoán.
  • Thay vào đó hiện nay để chẩn đoán tại thực địa có kỹ thuật PCR cải tiến POCKIT iiPCR phù hợp để chẩn đoán nhanh tại thực địa với thời gian từ 1 – 2 tiếng và kết quả vẫn có độ chính xác tương đương với kỹ thuật PCR phòng thí nghiệm.

 

Điều trị bệnh giảm bạch cầu

Mèo nhiễm bệnh giảm bạch cầu cần được điều trị ngay lập tức vì bệnh do virus không có thuốc điều trị đặc hiệu, bác sĩ thú y sẽ đưa ra phác đồ dựa trên tình trạng của từng cá thể, bao gồm truyền dịch và sử dụng các loại thuốc chợ sức, cũng như điều trị các bệnh cơ hội từ virus, vi khuẩn khác gây nên.

Nếu được điều trị kịp thời và có hiệu quả, mèo có thể hồi phục sức khỏe. Quá trình hồi phục trở lại bình thường của mèo có thể kéo dài vài tuần. Tuy vậy, khả năng tử vong khi mắc bệnh giảm bạch cầu ở mèo rất cao có thể lên tới 90%

Hộ lý

  • Cách ly mèo ốm, ở nơi sạch sẽ, thoáng mát, tránh mọi kích thích từ bên ngoài.

Điều trị

  • Chống mất nước và mất cân bằng điện giải, bổ sung nước và điện giải bằng phương pháp truyền dịch, tuỳ vào từng trường hợp, có thể truyền qua tĩnh mạnh dung dịch đường Glucoza 5% hoặc Zinger Lactate.
  • Kháng sinh chống nhiễm trùng kế phát: Ampicillin, G5000, Kanamycin tiêm bắp (IM) hoặc tĩnh mạch (IV), liều lượng theo chỉ dẫn, liều trình từ 3 – 5 ngày.
  • Bổ sung các loại thuốc trợ sức trợ lực, an thần cho mèo như các Vitamin B, C B12, Anagin,…
  • Lưu ý: Không cho mèo ăn quá nhiều, chỉ cho căn một ít thức ăn dễ tiêu, sau tăng dần đến khẩu phần bình thường.

 

Ngăn ngừa bệnh giảm bạch cầu

Bởi vì virus GBC có sức đề kháng rất cao với điều kiện ngoại cảnh nên chúng có thể tồn tại lâu ngoài môi trường, vậy nên chủ nuôi chú ý giữ nhà cửa sạch sẽ, lau dọn nơi mèo ở bằng các sản phẩm khử trùng để làm giảm mầm bệnh có trong môi trường, đặc biệt là những nơi có nguy cơ cao (nơi có nhiều mèo bị bệnh). Chủ nuôi cũng nên để ý bất kỳ biểu hiện khác thường nào của mèo, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với mèo khác hay đi ra bên ngoài.

Chủ nuôi nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với bất kỳ động vật nào sẽ giúp giảm nguy cơ lây bệnh cho mèo.

Tiêm phòng  là cách hữu hiệu và là phương án quan trọng nhất để phòng bệnh giảm bạch cầu. Khi đón một bạn mèo con mới về nhà, hãy đảm bảo mèo con được tiêm phòng đầy đủ. Mèo con có thể tiêm mũi đầu tiên vào khoảng 6 đến 8 tuần tuổi, và tiêm mũi khác nhắc lại sau đó khoảng 3 đến 4 tuần. Mèo trưởng thành cũng cần tiêm phòng phải và tiêm nhắc lại thường kỳ phải nhất là những nơi có nguy cơ nhiễm  bệnh giảm bạch cầu cao như Việt Nam.

Tham khảo: Lịch tiêm vaccine và tẩy giun cho chó mèo

 

Một số câu hỏi thường gặp khi mèo mắc bệnh giảm bạch cầu:

Một số biểu hiện của mèo mắc bệnh giảm bạch cầu là gì?

  • Mèo mắc bệnh GBC thường có các biểu hiện như: tiêu chảy (đôi khi lẫn máu), mệt mỏi, thờ ơ, mất nước, đau ở vùng bụng, nôn mửa, hoặc có thể nặng hơn, trong một số trường hợp mèo kiệt quệ và thậm chí là dẫn đến chết.

Bệnh giảm bạch cầu có chữa khỏi được không?

  • Có, nếu mèo được phát hiện sớm sẽ có kết quả điều trị tốt hơn, nhất là đối với những mèo đã tiêm phòng miễn dịch thì tỉ lệ sống cũng cao hơn, miễn dịch suốt đời của mèo sẽ được hình thành nếu mèo khỏi bệnh.

Bệnh giảm bạch cầu có lây truyền không?

  • Căn bệnh này rất dễ lây truyền từ mèo này sang mèo mèo khác, tuy nhiên nó không lây sang người mà chỉ lây truyền trong loài mèo.

 

Hãy liên hệ trực tiếp với VINODA để được cung cấp thông tin và giải đáp mọi thắc mắc

PetMD / Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam 2021, 19(8): 1006-1015

Facebook Linkedin Top