Cart

Kháng thể mẹ truyền qua trứng - Miễn dịch thụ động

Kháng thể mẹ truyền qua trứng giúp bảo vệ gà con mới nở khỏi bệnh tật. Quá trình này bắt đầu từ buồng trứng gà mẹ và tiếp tục qua phôi, cung cấp miễn dịch thụ động cho gà con trong những tuần đầu đời. Chìa khóa cho sự khởi đầu miễn dịch khỏe mạnh!

Kháng thể mẹ truyền (Maternal Derived Antibodies: MDA) là một loại miễn dịch thụ động tự nhiện – là hình thức các globulin miễn dịch chuyển từ mẹ sang con. Gà mẹ sẽ tạo ra kháng thể khi được chủng ngừa hoặc nhiễm bệnh tự nhiên trong môi trường và kháng thể này sẽ được truyền sang đời con qua trứng.

 

Kháng thể mẹ truyền từ gà mái mẹ sang phôi

Sự chuyển kháng thể từ cơ thể gà mẹ đến phôi xảy ra qua hai bước:

  1. Kháng thể chuyển từ gà mẹ đến trứng
  2. Kháng thể chuyển từ trứng đến phôi.

1. Kháng thể chuyển từ gà mái mẹ đến trứng

Gà mái mẹ truyền kháng thể vào trứng bằng cách vận chuyển các kháng thể (IgY, IgA, IgM) vào lòng đỏ trứng và albumin khi trứng vẫn còn trong buồng trứng.

  • IgY được tiết ra bởi buồng trứng và theo máu sẽ di chuyển vào noãn đang phát triển (lòng đỏ trứng). Khoảng 27-30% lượng IgY từ gà mẹ sẽ truyền sang trứng. Số lượng IgY đi vào được noãn được quy định bởi biểu mô nang trứng. Khi noãn tăng trưởng, biểu mô nang trứng mỏng hơn, IgY dễ dàng chui vào được bên trong, do đó lượng IgY trong noãn đạt mức cao nhất vào thời điểm 3-4 ngày trước khi rụng trứng và bắt đầu giảm dần do sự phát triển của màng noãn hoàn của buồng trứng để chuẩn bị cho lần rụng trứng tiếp theo.

Một gà mái sẽ mang nhiều trứng có các giai đoạn phát triển khác nhau nên lượng IgY di chuyển vào bên trong từng trứng cũng khác nhau

  • IgA và IgM chủ yếu tìm thấy trong albumin (lòng trắng trứng) khi trứng trưởng thành di chuyển xuống ống dẫn trứng.

 

2. Kháng thể di chuyển từ trứng đến phôi

  • IgY được chuyển từ lòng đỏ trứng sang phôi thông qua quá trình trao đổi chất. Quá trình này bắt đầu từ ngày thứ 7 phát triển của phôi và đạt mức cao nhất ở thời điểm 3-4 ngày trước khi nở.
  • IgA và IgM được chuyển vào phổi nhờ cơ chế hấp thụ lòng trắng của ruột phôi. Khi phôi nở đã có sẵn IgY trong huyết thanh và IgA và IgM sẽ xuất hiện trong ruột của gà con, thực hiện chức năng bảo vệ đường tiêu hóa.
  • Số lượng IgA và IgM chuyển sang đời sau thường ít hơn 1% nồng độ của hai loại này trong huyết tương gà mẹ.
  • Các loại kháng thể thụ động này có thể bảo hộ gà con 10-20 ngày sau khi nở. Gà con có thể tự tạo miễn dịch chủ động IgA vào ngày thứ 3 ở túi bursa, ngày thứ 7 ở ruột và phổi. Tuy nhiên, kháng thể IgA truyền từ mẹ sang do trú ở niêm mạc ruột non nên có thể lưu lại cơ thể gà con ít nhất 7 ngày sau khi nở. Kháng thể này có thể trung hòa chủng vắc xin sống nên không nên tiêm vắc xin trước thời điểm 7 ngày tuổi.

Tóm tắt cơ chế:

 

  • IgY từ huyết thanh gà mẹ vào lòng đỏ trứng khi còn trong buồng trứng. Sau đó trứng phát triển, di chuyển xuống ống dẫn trứng, tại đó IgA và IgM được chuyển vào lòng trắng trứng nhờ sự bài tiết niêm mạc trong ống dẫn trứng.
  • Sau đó, IgY được phôi hấp thụ và chuyển hóa vào huyết thanh của gà con.
  • IgA và IgM được ruột phôi hấp thụ và chuyển hóa vào niêm mạc ruột của gà con.
  • Các kháng thể thụ động này có chức năng bảo hộ gà con mới nở trước các tác nhân gây bệnh giai đoạn sớm khi hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn hiện.
 
Nguồn tham khảo: Nhà chăn nuôi
Facebook Linkedin Top