Phòng & trị bệnh mụn nước trên heo
Bệnh mụn nước trên heo do virus Enterovirus gây ra và hiện chưa có vaccine phòng bệnh chủ động. Vì vậy, người nuôi cần chú ý và thực hiện các biện pháp như khuyến cáo.
Bài viết được PGS.TS Phạm Ngọc Thạch đăng trên báo Người chăn nuôi. VINODA xin trích dẫn bài viết để người đọc có thêm thông tin về bệnh và kiến thức điều trị cho vật nuôi.
Nguyên nhân
Virus gây bệnh có tên khoa học là Enterovirus. Loại virus này có khả năng chống chịu tốt với các điều kiện khắc nghiệt của môi trường (ở nhiệt độ 68 - 70oC virus có thể tồn tại trong 1 - 2 giờ), có sức đề kháng cao với các tác nhân lý hóa. Do đó ở điều kiện môi trường bên ngoài virus có thể tồn tại và gây bệnh cho heo trong khoảng 6 - 8 tháng.
Đặc điểm dịch tễ
Sự lây lan chủ yếu thông qua tiếp xúc trực tiếp các vết xây xát ở chân, nhưng cũng có thể thông qua con đường hô hấp, ăn uống...Thời gian ủ bệnh 2 - 14 ngày và virus được thải ra ngoài trước khi heo xuất hiện triệu chứng lâm sàng, sau đó virus xuất hiện trong máu. Dịch mụn nước và vẩy biểu mô mụn nước chứa nhiều virus là nguồn lây nhiễm quan trọng. Nhiều trường hợp, bệnh xảy ra nhẹ nên về lâm sàng không phân biệt được, do đó việc vận chuyển và mua bán vẫn tiếp tục và làm bệnh lây lan nhanh ra diện rộng.
Bệnh khó phân biệt với bệnh lở mồm long móng, chỉ có thể chẩn đoán bằng các phản ứng huyết thanh học.
Triệu chứng
Thời gian ủ bệnh thay đổi 2 - 7 ngày, bệnh thường biểu hiện nhẹ. Tỷ lệ heo mắc bệnh khác nhau 25 - 65%, có khi lên tới 100% số heo trong đàn. Heo bị bệnh có biểu hiện sốt cao tới 40 - 41oC, liên tục 2 - 3 ngày, các kẽ móng chân bị viêm và xuất hiện mụn nước, heo đi lại khó khăn kèm theo mệt mỏi, giảm ăn đến bỏ ăn hoàn toàn.
Khi mụn nước được hình thành sau 2 - 3 ngày thì bị vỡ ra tạo vết loét hở. Nếu bệnh diễn biến nặng, móng chân có thể bị tụt ra khỏi đầu ngón chân. Ngoài ra, cũng có thể thấy mụn nước được hình thành và phát triển ở vùng miệng, lợi, lưỡi, môi, mõm, da chân, bầu vú và da bụng.
Bệnh kéo dài trong khoảng 2 - 3 tuần, sau khoảng thời gian này trong một số trường hợp heo bệnh còn có biểu hiện về thần kinh như: Đi mất thăng bằng, đi vòng tròn, đầu bị chúc xuống phía dưới. Khi virus phát triển mạnh trong cơ thể mà không có biện pháp thú y can thiệp kịp thời thì nguy cơ làm cho heo bị rối loạn nhịp tim và có khả năng di chứng đến các cơ quan tuần hoàn khác.
Nếu bệnh xảy ra ở heo nái chửa thì nái dễ bị sảy thai, heo nuôi con bị cạn sữa.
Phòng bệnh
Bệnh chưa có vaccine phòng bệnh chủ động. Vì vậy, người nuôi cần thực hiện đồng thời các biện pháp sau:
- Tiêu độc khử trùng: Sử dụng các chất sát trùng gồm NaOH 2%, Formol 3%, Cloramin 5% có thể diệt được virus.
- Cách ly chuồng có súc vật bị mắc bệnh. Hạn chế vận chuyển heo trong vùng có dịch. Tất cả thịt, phủ tạng heo bệnh phải được nấu chín kỹ mới có thể ăn được (thịt đông lạnh không phá hủy được virus). Chuồng có heo bệnh phải được tẩy uế toàn bộ bằng NaOH 2% trước khi nuôi lại.
Điều trị bệnh
Dùng thuốc trợ sức, trợ lực và nâng cao sức đề kháng và tăng cường giải độc cho cơ thể:
- Sử dụng Vitamin C + B1 + Cafein Natri Benzoat, tiêm bắp ngày 1 lần theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Tiêm Catosal theo liều lượng theo hướng dẫn.
- Tiêm bắp Atropin theo chỉ dẫn trên bao bì sản phẩm.
- Bổ sung dung dịch Gluco-K+C + Vitamin A.D.E + Thuốc giảm sốt Cetamol Powder + Giải độc gan thận Vigoton, cho uống tự do hàng ngày.
Xử lý mụn nước: Dùng nước lá trầu không sắc đặc rửa vết loét, sau đó dùng nước phèn chua 3% rửa tiếp rồi chà sát nước quả chanh (hoặc khế) vào vết loáy. Cuối cùng bôi dung dịch Iodine 10% vào vết loét, sau đó bôi kháng sinh dạng mỡ.
Dùng kháng sinh đề phòng bội nhiễm vi khuẩn: Có thể dùng 1 trong các loại kháng sinh: Invemox 15% LA hoặc Tiercal Ceftiofur; hoặc Ampi-Kana. Tiêm bắp theo chỉ dẫn của sản phẩm.
PGS. TS Phạm Ngọc Thạch - Báo Người chăn nuôi