Cart

6 dấu hiệu khi mèo cần được chăm sóc khẩn cấp

Mèo cưng trong mắt chủ nuôi giống như một thành viên trong gia đình, và vì thế các vấn đề về sức khỏe của chúng luôn được đặc biệt coi trọng. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng cũng có được trạng thái sức khỏe tốt nhất. Điều quan trọng là cần nhận biết các dấu hiệu ban đầu nhằm cung cấp sự chăm sóc thú y phù hợp và kịp thời. 

Dưới đây là một số dấu hiệu phổ biến thường gặp khi mèo cần được chăm sóc thú y. 
  1. Khó thở

Nguyên nhân gây tình trạng khó thở có thể là do các vấn đề về tim, phổi hoặc co thắt phế quản khiến lượng oxy giảm thấp. Bạn có thể quan sát nhằm đánh giá các triệu chứng sau  nếu nghi ngờ mèo bị khó thở:
  • Có thở mở miệng không?
  • Đang đứng hay cúi người với khuỷu tay cong ra khỏi ngực?
  • Đầu và cổ có bị kéo căng ra không?
  • Hơi thở có ngắn và không đều không? Có thở gấp không?
  • Có thở khò khè, ho hay nôn không?
  • Bụng và ngực có cử động khi thở không?
Bạn cần đưa mèo đến bác sĩ thú y ngay lập tức nếu mèo có những triệu chứng trên, tuy nhiên cần lưu ý sử dụng balo hoặc túi đựng mèo chuyên dụng, bởi bế bằng tay có thể khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn.
  1. Hôn mê

Mèo là loài động vật năng động và có khả năng di chuyển tương đối khéo léo. Vì vậy việc chúng di chuyển một cách kỳ lạ, hôn mê hoặc trốn trong phòng trong một thời gian dài có thể là dấu hiệu cho thấy có điều gì đó không ổn.
Một dấu hiệu cảnh báo khác mà bạn cần chú ý là khi chúng không phản ứng với các kích thích theo cách mà chúng thường làm. Một con mèo khỏe mạnh sẽ phản ứng lại với sự tác động bên ngoài kể cả khi đang buồn ngủ. Nó có thể cử động một chút trước khi chìm vào giấc ngủ trở lại. Mặt khác, một con mèo có vấn đề sẽ tỏ ra lờ đờ và không phản ứng với các tác động hay kích thích nào. 
Hôn mê tuy không phải là một tình trạng nhưng có thể là dấu hiệu của ngộ độc, tê liệt do ve, nhiễm trùng hay các vấn đề khác về tim, gan,...Để chắc chắn hơn, bạn có thể kiểm tra một số triệu chứng đi kèm như:
  • Thói quen khi ngủ bất thường
  • Thiếu năng động, chậm chạp
  • Thiếu phản ứng với môi trường xung quanh
  • Nướu răng có màu nhợt nhạt
  • Mất vị giác hay mất cảm giác ngon miệng,
  1. Chấn thương

Chấn thương thể chất ở mèo có thể diễn ra ở cả bên ngoài hoặc bên trong. Nếu mèo có vết thương hở hoặc bị xuất huyết do bị tai nạn giao thông hay chó tấn công, chúng cần được đưa đến các phòng khám thú y để được điều trị ngay lập tức. Bạn cũng cần đề phòng với những chấn thương bên trong cơ thể. Các sự cố như như nhảy từ các tòa nhà cao tầng hoặc bị vật nặng rơi vào người là hoàn toàn có thể xảy ra, dẫn đến chấn thương nội tạng. Điều cần làm nhất vào lúc này chính là đưa mèo đến các phòng khám thú y để được kiểm tra nhằm chẩn đoán xem chúng có bị gãy hoặc chảy máu trong hay không. Thông thường, dấu hiệu nhận biết mèo bị chấn thương sẽ là tổn thương ở móng, xuất phát từ phản xạ bay và thói quen di chuyển nhanh chóng của chúng khi gặp nguy hiểm
Là một loài động vật thích đánh dấu lãnh tổ, mèo thường đánh nhau vào ban đêm để bảo vệ những gì chúng tin là thuộc về mình. Mèo cưng bị thương khi “chiến đấu” có thể không cần thăm khám khẩn cấp, tuy nhiên một số vết thương do vết cắn có thể bị áp xe khá nhanh và cần phẫu thuật cùng thuốc gây mê. Nếu được thăm khám kịp thời, những vết thương này có thể chỉ cần sử dụng thuốc kháng sinh để chữa trị. 
 
  1. Trúng độc

Một số triệu chứng của ngộ độc bao gồm nôn mửa, tiêu chảy, chảy nước dãi, suy sụp hoặc co giật. Khi mèo bị ngộ độc, tuyệt đối không được gây nôn nếu không có chỉ dẫn từ bác sĩ thú y.
Khi mèo có các triệu chứng trên, cần đưa chúng (cùng mẫu chất độc nghi ngờ) tới gặp bác sĩ thú y ngay lập tức. Vậy thứ gì có thể gây ngộ độc cho mèo? Thông thường đó là những thứ chúng ăn phải. Dưới đây là một số loại "thức ăn" nguy hiểm cho mèo: 
  • Chuột nhiễm độc
  • Mồi sên hoặc ốc sên
  • Hoa loa kèn
  • Các sản phẩm gia dụng như chất chống đông và chất tẩy rửa dạng lỏng
  • Các hóa chất thường được sử dụng như thuốc diệt cỏ
  • Thuốc chuột
  • Thuốc diệt côn trùng
  • Các sản phẩm có chứa benzalkonium chloride
  • Các loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc chống viêm không steroid và paracetamol
  • Một số sản phẩm làm đẹp như sơn và tẩy móng tay, thuốc nhuộm tóc và kem chống nắng.
  1. Đi tiểu bất thường
Mèo không tiểu được có thể là do tắc nghẽn niệu đạo, và đây là một trường hợp vô cùng nghiêm trọng. Điều trị chậm trễ thậm chí còn gây nguy hiểm đến tính mạng. Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết: 
  • Căng thẳng khi đi tiểu
  • Tiểu rắt
  • Liếm cuống đuôi
  • Hôn mê
  • Nôn mửa
  • Bỏ ăn
  1. Nôn mửa hoặc tiêu chảy dai dẳng

Nôn mửa hoặc đi ngoài liên tục có thể là dấu hiệu cảnh báo ngộ độc, tắc nghẽn đường tiêu hóa hoặc nhiễm trùng đường tiêu hóa. Nôn mửa liên tục và tiêu chảy có thể dẫn đến mất nước, tuy nhiên tuyệt đối không được ép mèo uống nước.
Nếu tình trạng này kéo dài hơn sáu đến 12 giờ hoặc nhận thấy mèo cưng yếu đi, hãy liên hệ với bác sĩ thú y ngay lập tức.
 
Vậy cần làm gì trong những trường hợp khẩn cấp này
Những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu. Điều trước hết bạn cần làm là đừng hoảng sợ.
Hãy bình tĩnh và đánh giá tình hình để đảm bảo rằng mèo đã được giữ ấm và không di chuyển quá nhiều, đặc biệt nếu bạn đang nghi ngờ chúng đã bị gãy xương hoặc các có các chấn thương thể chất khác. Sau đó, bạn cần báo cho bác sĩ thú y ngay lập tức và nhận được lời khuyên về cách sơ cứu.
Trên hết,  quan trọng nhất vẫn là cách nhận biết các dấu hiệu để có thể xử lý đúng cách. Để chắc chắn hơn về mức độ nghiêm trọng của các dấu hiệu này, hãy liên hệ ngay lập tức với bác sĩ thú y.
Bài viết từ Knose & được dịch bởi VINODA. 
Facebook Linkedin Top