Cart

Dị ứng cỏ ở chó

Dị ứng cỏ ở chó - nghe có vẻ khá lạ lùng nhỉ, nhưng thực chất chú chó của bạn cũng có thể bị dị ứng với cỏ đấy. 

Dị ứng cỏ ở chó là gì?
Dị ứng cỏ ở chó là một dị ứng đường hô hấp có thể do phấn hoa kết hợp với cỏ gây ra. Phấn cỏ có trong không khí, đó là lí do tại sao bạn không thấy chú chó của mình nô đùa trên cỏ mà vẫn bị dị ứng. Dị ứng cỏ có thể dẫn đến dị ứng da hoặc dị ứng đường hô hấp trên.  


Dị ứng cỏ thường nặng hơn vào mùa xuân và mùa thu, vì khi ấy đang là mùa ngàn hoa khoe sắc, đồng nghĩa với việc lượng phấn hoa trong không khí sẽ nhiều hơn. Tuy nhiên, chó của bạn vẫn có thể mắc dị ứng cỏ ở bất kể mùa nào đấy nhé. Các chất gây dị ứng (phấn cỏ) được hấp thụ qua da và niêm mạc. Nhiều con chó có thể bị mắc nhiều loại dị ứng cùng một lúc, chúng có thể bị dị ứng cỏ cũng có thể bị dị ứng cả với bọ chét và thức ăn. 
Dị ứng cỏ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng hầu hết chó bắt đầu bị dị ứng sau 1 tuổi do tiếp xúc với các chất gây dị ứng trước đó. Mặc dù các triệu chứng có thể gây ra cảm giác khó chịu cho chú chó của bạn, nhưng hầu hết chúng không gây nguy hiểm đến tính mạng.   
Một phản ứng dị ứng nghiêm trọng nhưng hiếm gặp hơn được gọi là sốc phản vệ. Sốc phản vệ có thể xảy ra trong vòng 5–30 phút sau khi tiếp xúc với chất gây dị ứng. Các triệu chứng ở chó có thể khác với các triệu chứng ở người do các cơ quan liên quan đến tình trạng sốc khác nhau. Ở chó, bạn có thể thấy nổi mề đay nghiêm trọng, sưng mặt (đặc biệt là quanh mắt và mõm), thở khò khè, khó thở và tăng nhịp hô hấp. Ngoài ra còn có thể bị nôn mửa, tiêu chảy có thể có lẫn máu hoặc không.  
Nếu bạn cho rằng con chó của mình đang bị sốc phản vệ hoặc thấy bất kỳ triệu chứng nào trong số này, hãy đến cơ sở thú y ngay lập tức. 

Các triệu chứng của dị ứng cỏ ở chó
Các triệu chứng của dị ứng cỏ bao gồm: Nổi mẩn đỏ ở da, ngứa, gãi, liếm, có hiện tượng nhai mặt, bàn chân, nách và hai bên cơ thể do ngứa
Phát ban cũng có thể xuất hiện, nhưng do lớp lông trên người chó khá dày nên khó có thể nhìn thấy mẩn đỏ hay phát ban một cách rõ ràng 

Nguyên nhân gây dị ứng cỏ ở chó
Dị ứng cỏ thực chất là dị ứng với lớp phấn ở trên cỏ. Chúng cũng có các triệu chứng tương tự như dị ứng với phấn hoa từ cây (tuyết tùng, thông, sồi) và cỏ dại (cỏ phấn hương).  
Những con chó thích lăn lộn trên cỏ là những đối tượng dễ mắc dị ứng cỏ nhất do chúng tiếp xúc trực tiếp với mối nguy mầm bệnh. Những con chó khác không trực tiếp chơi trên cỏ cũng có thể mắc do hít phải phấn hoa khi đi dạo hoặc chỉ đơn giản là ở trong khu vực có phấn hoa cỏ, ngay cả trong nhà. Mùa xuân và mùa thu là hai mùa dễ mắc dị ứng cỏ nhất do đây là thời điểm cỏ đang phát triển. Nếu chó đi qua những khu vực có phấn cỏ bay trong không khí và để chúng tiếp xúc với niêm mạc mắt, mũi, miệng, da hoặc bàn chân. Thì rất có thể chó của bạn sẽ xuất hiện các dấu hiệu dị ứng sau đó.  

Chẩn đoán dị ứng cỏ ở chó
Bạn sẽ cần phải cung cấp cho bác sĩ thú y một cách đầy đủ về các triệu chứng mà chú chó của bạn đang mắc phải. Từ đó bác sĩ thú y sẽ đánh giá mức độ nghiêm trọng và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp. 
Tiếp theo sẽ là bước kiểm tra kỹ lưỡng lớp lông và da. Tình trạng rụng lông hay bất kỳ tổn thương nào trên da như nổi mụn, mẩn ngứa, da khô hoặc nhờn; trầy xước (nổi mụn nước) do ngứa, mẩn đỏ hoặc kích ứng da (dấu hiệu của tình trạng viêm) đều rất có ích cho quá trình chẩn đoán.  
Từ những chẩn đoán trên bác sĩ sẽ tiến hành điều trị cho chú chó của bạn. Tùy từng trường hợp, việc điều trị có thể được bắt đầu dựa trên các triệu chứng lâm sàng đơn thuần mà không cần làm thêm bất kỳ xét nghiệm nào. Nếu các phương pháp điều trị tại chỗ không hiệu quả, thì cần phải tiến hành kiểm tra thêm. Bác sĩ thú y của bạn có thể thực hiện xét nghiệm huyết thanh để tìm dị ứng. Tuy nhiên, có một loại xét nghiệm dị ứng đem lại kết quả chính xác cao được gọi là xét nghiệm dị ứng da được thực hiện bởi bác sĩ da liễu thú y. Kiểm tra da thường được tiến hành dưới tác dụng an thần nhẹ, một bên bụng của con chó được cạo và tiêm vào các chất gây dị ứng cụ thể. Khu vực này sẽ được theo dõi cẩn thận, xem có sự xuất hiện của phát ban hay không. Nếu có, chứng tỏ chất được tiêm vào gây dị ứng. Dựa vào kết quả đó, bác sĩ thú y sẽ thiết kế các phương pháp điều trị đặc biệt phù hợp cho từng loài vật nuôi.
Ngoài ra, còn có một lựa chọn khác là liệu pháp giảm mẫn cảm, là sử dụng một lượng nhỏ chất gây dị ứng với vật nuôi. Liều lượng này thấp đến mức chúng không có khả năng tạo ra dị ứng nhưng đủ cho tế bào có sự phản ứng. Phương pháp này giúp tăng cường sức đề kháng theo thời gian. 

Điều trị dị ứng cỏ ở chó
Mục tiêu của việc điều trị sẽ là kiểm soát các triệu chứng, vì hầu hết các trường hợp dị ứng cỏ ở chó không thể chữa khỏi. Điều trị dựa trên mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Nếu các triệu chứng nhẹ, các liệu pháp điều trị tại chỗ sau đây có thể được khuyến nghị:  

  • Tắm bằng dầu gội chuyên dụng hoặc làm từ bột yến mạch nhẹ sẽ giúp chó hạn chế việc dị ứng. Việc tắm liên tục sẽ giúp loại bỏ các chất gây dị ứng trước khi chúng có thời gian hấp thụ vào da. Điều này có thể giúp ngăn ngừa hoặc giảm ngứa. Bạn có thể tìm thấy một vài loại dầu gội yến mạch ngoài tiệm mà không cần phải được kê trong đơn. Chỉ cần đảm bảo bạn phải thực sự hiểu rõ về sản phẩm mà bạn muốn dùng cho thú cưng nhà mình.  
  • Vệ sinh sạch sẽ sau khi ra ngoài : Hãy đảm bảo rằng phần chân và cơ thể chó của bạn được vệ sinh sạch sẽ sau khi chúng vừa nô đùa ngoài trời. Việc này sẽ giúp ngăn ngừa việc liếm, vì những tác động ngoài trời có thể khiến chúng thấy ngứa dẫn đến tình trạng liếm. Bạn có thể sử dụng xà phòng và nước nhẹ, khăn lau vật nuôi bằng lô hội hoặc khăn tẩm thuốc có chứa thành phần kháng khuẩn và kháng nấm.   
  • Thuốc kháng histamine : Benadryl có thể có hiệu quả đối với chảy nước mắt, chảy nước mũi và hắt hơi, nhưng nó thường không hiệu quả đối với tình trạng da dị ứng (viêm da dị ứng). Hãy đảm bảo rằng bạn sẽ hỏi ý kiến bác sĩ thú ý trước khi sử dụng bất kì loại thuốc nào kể cả thuốc có trong đơn hay ngoài đơn thuốc nhé.  
  • Dầu gội hydrocortisone hoặc thuốc xịt hydrocortisone: Bạn có thể tìm thấy những sản phẩm này ở bất cứ cửa hiệu cho Pet nào mà không cần sự kê đơn, chúng có thể giúp giảm nhẹ sự khó chịu của da đỏ và ngứa. Tuy nhiên không nên sử dụng kem hoặc thuốc mỡ dành cho người vì chúng không được pha chế cho vật nuôi và thuốc mỡ / kem đặc hơn có thể thu hút sự chú ý của những chú chó vào khu vực này và gây ra tình trạng liếm nhiều hơn, làm trầm trọng thêm tình trạng ngứa. 
  • Đối với các triệu chứng trung bình đến nghiêm trọng (bao gồm cả ngứa dữ dội), các liệu pháp khác có thể được khuyến nghị: 
  • Liều corticosteroid ngắn: Các loại thuốc như Apoquel (viên uống hàng ngày), hoặc Cytopoint (tiêm mỗi 4-8 tuần) có thể được kê đơn để giúp giảm ngứa. Đây là những loại thuốc kê đơn, vì vậy bác sĩ thú y sẽ xác định loại thuốc nào tốt nhất cho chú chó của bạn.  

Liệu pháp miễn dịch hoặc liệu pháp giảm mẫn cảm : Những liệu pháp này có thể được sử dụng nếu chất gây dị ứng đã được xác định bằng xét nghiệm máu hoặc kiểm tra da. Việc điều trị có thể được thực hiện dưới hình thức tiêm hàng tuần hoặc thuốc uống dạng lỏng, mỗi loại thuốc đều được bào chế dành riêng cho chó dựa trên kết quả kiểm tra dị ứng.  

Nhận diện và điều trị dị ứng cỏ ở Chó
Điều quan trọng là bạn phải xác định được loại cỏ mà chó nhà bạn bị dị ứng hoặc ít nhất cũng là nghi ngờ chúng đang dị ứng với loại cỏ nào. Mặc dù chó tiếp xúc với rất nhiều loại cỏ, cỏ ở trong sân ở công viên ở cánh đồng. Nhưng sẽ thật sự hữu ích nếu bạn biết chúng tiếp xúc với loại nào, theo dõi các đợt bùng phát triệu chứng và tránh những khu vực này khi có thể nhé.
Dị ứng có thể được kiểm soát  cũng như các triệu chứng sẽ thuyên giảm, tuy nhiên bạn không nên mong đợi chữa khỏi 100% vì nếu các triệu chứng giảm 80% (bớt ngứa) thì việc điều trị đã được coi là thành công rồi.

Câu hỏi thường gặp về dị ứng cỏ ở chó
Có những biện pháp điều trị tại nhà nào cho chó bị dị ứng cỏ?
Bạn có thể sử dụng dầu gội đầu không kê đơn (dầu gội yến mạch nhẹ, dầu gội dưỡng ẩm hoặc dầu gội đầu có hydrocortisone) hoặc khăn lau tẩm thuốc (khăn lau Ketohex hoặc khăn lau Malaket) sử dụng cho chó hai lần một tuần mà không sợ làm khô da. Chú ý rằng dầu gội nên được tiếp xúc với da trong khoảng 10 phút trước khi rửa sạch lại nhé.

Làm cách nào để biết chó của bạn có bị dị ứng với cỏ hay không?
Nếu chú chó của bạn chơi đùa ngoài bãi cỏ, đi dạo ngoài bãi cỏ hoặc chỉ đơn giản là sống gần khu vực có cỏ và gặp các triệu chứng như đỏ, ngứa da hoặc ngứa bàn chân, hắt hơi, chảy nước mắt hoặc nước mũi, thì rất có thể chũng đã bị dị ứng cỏ. Bên cạnh đó, để chắc chắn hơn bạn có thể đem chúng tới gặp bác sĩ thú y. Bác sĩ thú y sẽ kiểm tra, đánh giá da chú chó của bạn hoặc làm thêm một vài xét nghiệm nếu cần thiết để xác định chính xác chó của bạn có bị dị ứng cỏ hay không? 

Mindy Joyner - PetMD

Facebook Linkedin Top