Cart

Mùa giãn cách xã hội: Thú cưng đang "chăm sóc" chúng ta, nhưng các "boss" thì sao?

Một số cuộc khảo sát gần đây đã phản ánh tình trạng ngày càng nhiều thú cưng có biểu hiện thay đổi hành vi trong thời gian áp dụng các lệnh phong tỏa/ giãn cách xã hội, làm dấy lên mối quan ngại về sức khỏe của chúng. Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, ngày càng có nhiều người nhận nuôi thú cưng và coi đó như một liệu pháp giúp giảm căng thẳng hữu hiệu. 

Trên thực tế, nhu cầu nhận nuôi thú cưng, đặc biệt là chó đã tăng trên phạm vi toàn cầu, trải dài từ Canada đến Ấn Độ. Theo một thống kê của PetPoint - một công ty thu thập giữ liệu về nhận nuôi thú cưng, số lượng động vật được nuôi trong nhà tại Mỹ từ tháng 3 đến tháng 9 năm 2020 đã tăng đến 8%. Những lợi ích đối với sức khỏe con người đến từ việc nuôi thú cưng - như giảm huyết áp hay căng thẳng đã được thấy rõ, thế nhưng không phải chủ nuôi nào cũng đã chú ý, quan tâm đến những ảnh hưởng theo hướng ngược lại đối với động vật và sức khỏe của chúng.

Để tìm hiểu kỹ hơn về mối quan hệ giữa thú cưng và con người, các nhà nghiên cứu từ Tây Ban Nha, Israel và Vương quốc Anh đã tiến hành hàng loạt các cuộc khảo sát trực tuyến, lấy đối tượng là những người nuôi thú cưng ở quốc gia của họ. Kết quả của những cuộc khảo sát này tuy được xuất bản trên ba tạp chí khoa học khác nhau, song đều cùng khẳng định vai trò của những người bạn bốn chân đối với sức khỏe của chính chúng ta. Tuy nhiên, những nghiên cứu này cũng tiết lộ một số mối lo ngại, như việc những lệnh hạn chế đang khiến nhiều chủ nuôi cảm thấy lo ngại cho sức khỏe của thú cưng. Không chỉ vậy, một số vật nuôi còn có dấu hiệu căng thẳng như sủa nhiều hơn, sợ tiếng động lớn hoặc đột ngột, và tỏ ra lo lắng khi phải ở nhà một mình.

Vào tháng 4 năm 2020, Jon Bowen, một nhà tư vấn hành vi tại Đại học Thú y Hoàng gia ở London đã thực hiện khảo sát trên 1.297 chủ nuôi chó và mèo ở Tây Ban Nha về cảm xúc của họ đối với thú cưng, cũng như hành vi gần đây của chúng. Hầu hết chủ nuôi đều công nhận "sự hỗ trợ đáng kể" từ thú cưng đối với họ trong đại dịch, tuy nhiên cũng có đến 62% người được hỏi nghĩ rằng chất lượng cuộc sống của thú cưng đã giảm đi đáng kể. Ngoài ra, khoảng 41% cũng cho biết đã quan sát thấy những thay đổi hành vi của thú cưng trong thời gian xảy ra đại dịch, đặc biệt là ở những chú chó từng gặp vấn đề về hành vi trong quá khứ. Một nghiên cứu khác của ông cũng đã chỉ ra mối quan hệ của chủ nuôi và thú cưng: Cảm xúc của chó hoàn toàn có thể bị chi phối bởi chủ nuôi, đặc biệt là những người có xu hướng sống phụ thuộc vào mặt cảm xúc.

Emily McCobb, phó giáo sư lâm sàng tại Trường Thú y Cummings thuộc Đại học Tufts, người không tham gia vào bất kỳ nghiên cứu nào cho biết: “Thực sự thú vị khi các phát hiện của ba nghiên cứu này gần như tương đồng. Chúng rất giống với những gì chúng ta nghe thấy ở đây [ở Hoa Kỳ], ít nhất là theo giai thoại.” 

McCobb nói thêm: “Mọi người đang nuôi nhiều thú cưng hơn, và đồng thời cũng công nhận vai trò của chúng trong việc đối mặt với sự cô đơn mùa đại dịch. Trong quá trình khám chữa bệnh, chúng tôi nhận thấy rằng tình trạng của những động vật có vấn đề về hành vi đang trở nên tồi tệ hơn”.

 

Những mối bận tâm mới

Vào tháng 4 và tháng 6 năm 2020, Elena Ratschen, giảng viên cao cấp tại Đại học York của Anh, đã thực hiện khảo sát trên 5.926 người ở Vương quốc Anh về sức khỏe tâm thần, suy nghĩ của họ về hạnh phúc và sự cô đơn, cũng như mối quan hệ và tương tác với thú cưng. Cuộc khảo sát được công bố trên tạp chí PLOS ONE vào tháng 9 năm 2020 bao quát trên nhiều loại vật nuôi khác nhau, chẳng hạn như cá, chim, chó, mèo và động vật có vú nhỏ. Ratschen cho biết, hầu hết những người được hỏi - bao gồm 91% người nuôi chó, 89% người nuôi mèo và 95% người nuôi ngựa trả lời rằng thú cưng của họ là một “nguồn hỗ trợ tinh thần quan trọng”. 

Những người từng gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần trước khi đại dịch bùng phát, được cho là có mối liên hệ chặt chẽ hơn đối với thú cưng của mình. 

Ngoài ra, nhìn chung những người nuôi thú cảm thấy ít cô đơn, cô lập hơn so với những người không nuôi thú cưng. Theo Ratschen, điều này xảy ra có thể là do “hiệu ứng đệm”, khi thú cưng tuy không thể thay thế các tương tác xã hội giữa người với người nhưng chúng có thể giúp lấp đầy khoảng trống đó. 

Tuy nhiên, cả hai nghiên cứu của Tây Ban Nha và Vương quốc Anh đều ghi nhận những mối quan ngại mới của những người nuôi thú cưng, bao gồm việc liệu con chó của họ có được tập thể dục đầy đủ hay không, khay khả năng mua thức ăn, tiếp cận dịch vụ chăm sóc thú y, hay những thắc mắc về cách thú cưng của họ sẽ thích nghi với cuộc sống sau đại dịch. 

 

Nuôi thú cưng không phải là phương thuốc chữa bách bệnh

Ratchen cũng khẳng định rằng cô không ủng hộ giả định rộng rãi, rằng cứ nuôi thú cưng thì sức khỏe tâm thần sẽ được cải thiện. Cô nói thêm: “Bằng chứng về lợi ích của vật nuôi là hỗn hợp, cả trong nghiên cứu trước hay trong khi đại dịch xảy ra, bởi vì đã là chủ nuôi thì cũng đều có rất nhiều lo lắng liên quan đến vật nuôi của mình.” Nói cách khác, không nhất thiết cứ nuôi chó là bạn có thể vượt qua đại dịch theo cách lành mạnh hơn. 

Megan K. Mueller, một trợ lý giáo sư về tương tác giữa người và động vật tại Trường Thú y Cummings tại Tufts, đồng ý với nhận định này: “Cô đơn trong đại dịch? Bạn nên nuôi một con vật cưng! Tôi đã từng thấy thông điệp kiểu như thế này trên một số phương tiện truyền thông. Tuy nhiên mọi việc không chỉ đơn giản như vậy, và khoa học đang bắt đầu giải thích điều đó,”. 

 

Cải thiện mối quan hệ giữa vật nuôi và con người

Khi Liat Morgan, một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Tel Aviv, khảo sát 2.906 chủ sở hữu chó Israel từ tháng 3 đến tháng 4 năm 2020, cô đã nhận thấy sự gia tăng đáng kể về yêu cầu nhận nuôi thú cưng. Morgan cũng cho biết theo khảo sát của cô, gần 80% những người nhận nuôi chó vào năm 2020 đã có kế hoạch nhận nuôi và nhận thức được họ cần làm những gì. Điều này chứng tỏ rằng mọi người không hấp tấp đón một vật nuôi mới vào nhà của họ.

Tương tự như nghiên cứu của Bowen, nghiên cứu của Morgan cũng tiết lộ rằng khi một người cảm thấy chất lượng cuộc sống của họ đang giảm sút, những chuyển biến theo chiều hướng tiêu cực trong hành vi của chú cưng cũng bắt đầu xuất hiện.

"Không thực sự quan trọng nếu chó có hành vi tiêu cực một cách khách quan, bởi điều quan trọng nằm ở thái độ của chủ nuôi. Những hành vi khó khăn hơn, chẳng hạn như sủa quá nhiều là một trong những lý do khiến nhiều người từ bỏ việc nuôi thú cưng." - Morgan nói thêm.

May mắn thay, theo một nghiên cứu khác được công bố vào tháng 11 trên tạp chí Truyền thông Khoa học Xã hội và Nhân văn được thực hiện bởi Israelio, phần lớn những người tham gia lại không có ý định từ bỏ thú cưng ngay cả khi cảm thấy chất lượng cuộc sống giảm sút.

Mặc dù vậy, ít nhất là tại Hoa Kỳ, các chuyên gia trong ngành dự đoán sự gia tăng số lượng vật nuôi bị bỏ rơi do đại dịch bởi những lý do như không có khả năng chăm sóc, hoặc chỗ ở không thân thiện với vật nuôi. McCobb lưu ý rằng để tránh tình trạng ngày càng có nhiều động vật bị bỏ rơi, chính quyền địa phương và các tổ chức phi lợi nhuận nên hỗ trợ những chủ sở hữu vật nuôi có nhu cầu. Tại Canada và nhiều quốc gia khác, một số ngân hàng thức ăn cho thú cưng đã mở cửa nhằm giúp đỡ tình trạng này. 

 

Một số mặt tích cực của đại dịch

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh về một số điểm sáng trong nghiên cứu của họ. Bất chấp những phát hiện của nghiên cứu tại Tây Ban Nha về các vấn đề hành vi gia tăng ở một số vật nuôi, Bowen cho biết dựa theo dữ liệu mà họ đã thu thập được ở một số quốc gia, hầu hết vật nuôi vẫn ổn.

Bowen, giống như Morgan, cảnh báo rằng những người được hỏi trong nghiên cứu ở Tây Ban Nha đã đánh giá chất lượng cuộc sống của những con chó của họ cái nhìn cá nhân và vì thế, thiếu đi sự khách quan.

Trong cuộc khảo sát của Bowen, hầu như không có bất kỳ con chó nào mắc các vấn đề về hành vi mới,  và trong số những con đã có vấn đề về hành vi, rất ít trường hợp chuyển biến nặng hơn”.

Nhìn về tương lai, McCobb nói: "Sẽ rất tốt nếu chúng ta có thể giữ một số thay đổi lối sống mà chúng ta đã phải thực hiện vì đại dịch, chẳng hạn như ăn trưa ở nhà hoặc dành nhiều thời gian hơn để dắt chó đi dạo. Thế nhưng những mặt tích cực ấy là còn rất ít và xa vời, vì thế chúng ta cần nắm bắt lấy chúng nếu có thể.”

Bài viết từ National Geographic - Dịch bởi VINODA

 

Facebook Linkedin Top