Bệnh dịch tả ở ngan, ngỗng và cách phòng ngừa
Bệnh không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe vật nuôi mà còn gây ra các bệnh kế phát khác nếu không được chữa trị kịp thời.
Tác nhân
- Bệnh dịch tả ở ngan, ngỗng do virus dịch tả thuộc nhóm Parvoviridae gây ra. Bệnh thường xảy ra ở ngan ngỗng 1- 3 tháng tuổi, nặng nhất ở 1- 4 tuần tuổi. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiếp xúc trực tiếp hoặc truyền từ mẹ sang con. Những loại gia cầm mắc bệnh: Ngỗng, ngan, thiên nga và hoang cầm. Bệnh không có ở gà.
Triệu chứng
Thể cấp tính: Ngỗng sốt cao, chán ăn, chậm chạp, mệt lả rồi chết trong thời gian 1- 5 ngày, tỷ lệ chết 100% ở ngỗng sơ sinh và ngỗng 7 - 10 ngày tuổi.
Thể dưới cấp: Sốt cao, khát nước, chán ăn, mệt, ủ rũ, ngại vận động. Chảy nước mũi, hay lắc đầu vảy mỏ, mí mắt đỏ và phù nề, đây là điểm khác biệt với bệnh thiếu Vitamin A. Niêm mạc vùng dưới hầu họng được phủ một lớp màng giả dễ bóc, khi lột bỏ lớp màng giả này thấy rõ các điểm hoại tử sâu, đau. Ngỗng giảm hoặc bỏ ăn, nhưng tiêu chảy mạnh, phân màu xanh vàng hoặc xanh trắng vàng. Chúng gầy rộc và chết, tỷ lệ chết phụ thuộc vào tuổi ngỗng và bệnh thứ phát. Nếu ngỗng mới nở chúng chết 100% trong 1 tuần đầu. Nếu ngỗng 2 - 3 tuần tỷ lệ chết khoảng 10%. Nếu trên 3 - 4 tuần tuổi, tỷ lệ chết không đáng kể. Nếu bị bệnh thứ phát thì tỷ lệ chết sẽ phụ thuộc vào bản chất bệnh bội nhiễm.
Thể mãn tính: Đây là bệnh của những ngỗng có sức để kháng tốt hoặc còn sống sót từ 2 thể bệnh nêu trên với các triệu chứng tiếp theo: Bệnh kéo dài hàng tháng; Lông ở lưng và cổ bị rụng nhiều, rụng nhiều, để lại phần da đỏ để quan sát thấy; Thể đứng của ngỗng đặc biệt (Pinguaving); Ngỗng bệnh chết rải rác, tỷ lệ chết không đáng kể.
Thể mang trùng: Bệnh không có các dấu hiệu rõ ràng, chỉ mang trùng và trở thành nguồn bệnh nguy hiểm.
Bệnh tích
Thể cấp: Cơ tim nhợt nhạt như thịt luộc; Tim to, đầu tù.
Thể dưới cấp: Viêm màng tim từ viêm tiết dịch đến viêm tiết xơ. Viêm màng gan, gan sưng to và rắn chắc hơn bình thường và bị thoái hóa. Lách và tụy cũng sưng to. Phổi bị phù nề. Ruột bị viêm tiết dịch (cata). Dạ dày bị viêm loét có màng giả. Vùng hầu, họng đều bị viêm loét tạo màng giả. Đáng chú ý nhất là có xuất huyết điểm hoặc thành vệt ở cơ đùi, cơ ngực.
Thể mãn: Vùng cổ và lưng bị trụi lông, để lộ ra các đám da đỏ tấy. Gan và lách sưng to. Xoang bụng chứa nhiều dịch thẩm xuất.
Điều trị
Việc điều trị dịch tả cho ngỗng phải tiến hành song song 2 bước:
Bước 1: Can thiệp ngay bằng vaccine Dịch tả dùng được trên ngỗng ngay vào ổ dịch, tiêm dưới da gáy cổ hoặc lườn liều dùng x3/con ngỗng và tiêm liều 0,5 - 1ml.
Bước 2: Điều trị cho ngỗng bằng một trong các phác đồ sau (Liều trên 1 tấn thể trọng ngỗng):
- Điều trị chính với sản phẩm Kháng virus + điều trị vi khuẩn kế phát bằng Norfloxacin/Neomycin/Cefotaxime + Gentamycin + Paracetamol (Hạ sốt) + Bổ trợ bằng Vitamin tổng hợp Chicktonic, giải độc gan Hepa-Pro, có thể tiêm bổ trợ Catosal. Với sản phẩm dạng bột và nước có thể trộn và hoà vào cám, nên sử dụng trong 3 - 5 ngày và cân nhắc kéo dài sử dụng bổ trợ tới 7 ngày tuỳ theo sức khoẻ của đàn vật nuôi.
Phòng bệnh
- Chủ động tiêm phòng vaccine dịch tả cho ngan ngỗng lần 1 lúc ngỗng đạt 12 - 15 ngày tuổi, lần 2 sau đó 30 ngày. Nếu ngỗng được nuôi làm giống thì phải tiêm lần 3 trước khi đẻ 15 - 20 ngày. Sau đó tiêm định kỳ 2 lần vào tháng 4 và tháng 10 hàng năm.
Vaccine Dịch tả vịt của Phân Viện Thú y miền Trung được sản xuất dưới dạng đông khô, được sản xuất từ virus dịch tả vịt nhược độc, có thể ngừa bệnh Dịch tả ở vịt, ngan, có tính ổn định cao về an toàn và hiệu lực. Sản phẩm có đa dạng quy cách phù hợp với nhiều quy mô đàn: 100 liều, 250 liều, 500 liều và 1000 liều với nước pha đi kèm đẩy đủ.
- Chủ động công tác vệ sinh chăn nuôi.
- Đảm bảo vệ sinh chuồng nuôi sạch sẽ, thoáng mát vào mùa hè, ấp áp vào mùa đông.
- Hạn chế chăn nuôi thả rông, nuôi nhốt với mật độ quá dày.
- Cho ngan, ngỗng ăn uống đầy đủ dưỡng chất, đảm bảo vệ sinh. Thường xuyên bổ sung vitamin, men tiêu hóa, khoáng chất… để tăng cường sức đề kháng.
Phạm Hải - Báo Người chăn nuôi