Chăm sóc bò mẹ mới sinh
Để bò mẹ hồi phục sức khỏe, khỏe mạnh, nhiều sữa, người chăn nuôi cần lưu ý những vấn đề sau:
Vệ sinh chuồng trại
Sức đề kháng của bò mẹ sau khi sinh con vẫn còn yếu, do đó chuồng trại ẩm ướt, dơ bẩn dễ làm cho bò mẹ cảm lạnh và mắc nhiều chứng bệnh. Vì vậy cần giữ cho chuồng trại thông thoáng, sạch sẽ, đảm bảo đủ yếu tố ấm mùa đông, mát mùa hè. Ngoài ra, nên chú ý dọn dẹp phân trong chuồng thường xuyên, nước tiểu cần được thoát tiêu tốt ngay sau khi được thải ra, che chắn chuồng trại tránh gió lùa mưa dột… để giúp bò mẹ có môi trường sống tốt nhất. Thường xuyên vệ sinh khu vực bên trong chuồng trại và khuôn viên bên ngoài chuồng trại, đảm bảo các dụng cụ ăn uống luôn sạch sẽ.
Phòng bệnh
Sau khi đẻ xong phải rửa sạch các bộ phận sau của bò mẹ bằng nước muối hoặc nước thuốc tím đã chuẩn bị. Nếu sau khi sinh 12 giờ mà nhau không ra thì phải được can thiệp.
Để tăng sức khỏe, hạn chế rủi ro trong chăn nuôi bò, cần phải tiêm phòng vaccine các bệnh dịch truyền nhiễm như: Tả, tụ huyết trùng, lở mồm long móng, lao, truyền nhiễm, bệnh sản khoa như viêm vú, viêm tử cung, sót nhau… theo quy định của ngành thú y.
Thường xuyên theo dõi, chăm sóc để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bò bị bệnh đầu tiên, từ đó có những biện pháp trị bệnh kịp thời.
Chế độ dinh dưỡng
Sau khi bò cái đẻ xong, cần đặc biệt quan tâm đến chế độ ăn uống của “sản phụ”. Bò cái hậu sản cần cho ăn uống ngay các chất bổ để mau lấy lại sức.
Cần bổ sung đầy đủ nước bởi nhu cầu của bò sữa có thể uống 20 - 60 lít nước/ngày, do đó máng uống phải luôn có nước sạch mát để bò uống tự do. Nếu thiếu nước uống, lượng sữa giảm ngay trong ngày tiếp theo và sau ít nhất 10 ngày lượng sữa mới có thể hồi phục như mức cũ.
Khoảng 15 - 20 ngày đầu sau khi bò sinh, cần cho ăn cháo (1 - 1,5 kg thức ăn tinh/con/ngày) và khoảng 25 - 30 g muối ăn, 30 - 40 g bột xương và phải có đủ cỏ non xanh ăn tại chuồng, đặc biệt nên cho bò ăn các loại cỏ có hàm lượng dinh dưỡng cao.
Vào những ngày tiếp theo, trong suốt khoảng thời gian nuôi con, mỗi ngày cần phải cung cấp cho bò mẹ ăn khoảng 30 kg cỏ tươi, 2 - 3 kg rơm ủ, 1 - 2 kg cám hoặc có thể dùng thức ăn hỗn hợp để bò mẹ hồi phục sức khỏe, nhanh động dục lần tiếp theo để phối giống. Bò cái cần nhốt riêng trong nhà suốt 7 - 10 ngày, không nên thả sớm cho nhập bầy với đàn bò đang có.
Với bò sữa, vắt sữa đúng quy chuẩn
Những ngày đầu sau khi sinh, bầu vú bò thường cứng, vì thế lúc vắt sữa phải lấy nước nóng chườm bầu vú cho mềm lại, đồng thời tăng cường xoa bóp bầu vú 3 - 4 lần/ngày cho đến khi mềm hẳn, có như vậy sản lượng sữa mới tăng dần. Đặc biệt, nếu thấy sữa có màu hồng thì chú ý giảm lượng thức ăn tinh cho đàn bò. Và chỉ vắt sữa ở những thời điểm nhiệt độ thấp vào buổi sáng hoặc buổi chiều tối muộn, thời tiết mát mẻ.
Trong lúc bò được vắt sữa thì cho ăn đúng giờ, nơi vắt sữa yên tĩnh, tránh tiếng ồn để không gây cảm giác khó chịu cho bò. Chỉ có điều kiện thoải mái, bò sẽ cho nhiều sữa hơn. Ngoài ra, dụng cụ vắt sữa sạch, hợp vệ sinh. Trong 7 ngày đầu sau khi đẻ, sữa bò chỉ cho bê uống, không sử dụng làm sữa hàng hóa.
Quy trình vắt sữa: Đưa bò vào vị trí vắt, cho bò ăn thức ăn tinh theo khẩu phần. Cố định cổ cột chân bò. Sau đó, rửa vú bằng nước sạch, dùng khăn lau khô, vắt mỗi vú vài tia sữa vào miếng vải đen để kiểm tra viêm vú (nếu lợn cợn là bị viêm). Trước khi bắt đầu vắt sữa, lấy ngón trỏ đến ngón út nắm giữa 2 bầu vú bên trái, ngón cái làm chuyển động toàn thân bầu vú trái. Sau đó 2 nửa bàn tay chuyển sang bầu vú phải, ở đây 2 ngón cái nắm ở bầu vú bò và 2 bàn tay làm chuyển động tròn theo bầu vú gây kích thích cho con vật bình tỉnh đứng yên, sữa trên bể dồn xuống 4 núm vú, kích thích sữa xuống và bò bình tĩnh cho vắt sữa.
Hoàng Yến - Báo Người chăn nuôi