CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ KHI MẤT ĐIỆN VÀ NẮNG, NÓNG CHO VẬT NUÔI
Nhiều trường hợp các trang trại nuôi công nghiệp, chủ quan lơ là khi xảy ra mất điện đã không ứng phó các giải pháp kịp thời làm gia súc cầm chết hàng loạt. Bên cạnh đó gia súc gia cầm trong thời điểm nắng nóng sẽ giảm ăn, chậm lớn, giảm sức đề kháng, thậm trí làm lây lan, phát sinh dịch bệnh. Đây là một ví dụ:
Chủ trang trại tiết kiệm điện khiến 5.000 con lợn chết vì nóng
Hơn nữa những ảnh hưởng của nắng nóng, mất điện ảnh hưởng lớn đến việc vận chuyển lưu thông động vật và sản phẩm động vật giữa các vùng miền, hoạt đông cung ứng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y trong phòng chống bệnh.
Đặc biệt trong chăn nuôi bò sữa, giá trị kinh tế cao, tập tính của bò sữa là rất sợ nóng, nếu không có biện pháp làm mát sẽ làm bò sữa giảm nhanh lượng sữa, thậm chí phát sinh dịch bệnh; với gia cầm nhất là trang trại nuôi gà giống, úm gà, gia cầm sinh sản nắng nóng và mất điện sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển thậm chí gây chết nhanh hàng loạt.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh và nâng cao sức khoẻ cho đàn gia súc gia cầm trong thời điểm hay xảy ra mất điện, thời tiết nắng nóng và đang có biến đổi thất thường như hiện nay, người chăn nuôi cần thực hiện tốt một số biện pháp kỹ thuật như sau:
1. Tạo thói quen hàng ngày nghe thông tin về thời tiết và việc cung cấp điện tại khu vực đang chăn nuôi
Hiện nay hệ thống truyền thanh truyền hình từ trung ương đến các các địa phương đều có các chương trình dự báo thời tiết hàng ngày; trường hợp ở nhưng nơi thiếu điện, cơ quan điện lực cũng đã có thông báo rộng rãi khi mất điện ở khu vực này khu vực kia, vùng này cùng kia. Người dân đã chăn nuôi nên tạo thói quen nghe thông tin hàng ngày để chủ động ứng phó cho đàn gia súc gia cầm trong trường hợp có ngày nhiệt độ quá cao, đặc biệt trường hợp mất điện.
2. Cải tạo, nâng cấp, kiểm tra các hệ thống làm mát trong chuồng nuôi gia súc, gia cầm
Do thời tiết nắng nóng, mưa, giông lốc thất thường, hơn nữa khi xảy ra mất điện cũng sẽ cộng lực cho nhiệt độ tăng cao đột ngột nên trong thời điểm này cần chủ động cải tạo nâng cấp hệ thống chuồng trại. Cần kiểm tra ngay các hệ thống làm mát trong chuồng nuôi gia súc gia cầm, kịp thời cải tạo, sửa chữa, nâng cấp đảm bảo cho các hệ thống trên sử dụng tốt.
Với các trại chăn nuôi có chuồng nuôi khép kín (dạng chuồng nuôi kín) cần kiểm tra và thực hiện nghiêm việc trực kỹ thuật, đề phòng mất điện hoặc các hệ thống làm mát trong chuồng nuôi bị trục trặc, lỗi kỹ thuật, không đảm bảo vận hành. Nên lắp đặt các hệ thống báo động tự động để kịp thời giải quyết, khắc phục các sự cố về kỹ thuật xảy ra.
Với chuồng nuôi bò sữa đảm bảo vận hành hệ thống chống nóng tự động trong chuồng nuôi cũng như trên mái, thường xuyên kiểm tra nguồn nước làm mát, hệ thống quạt điện để bò sữa luôn được mát. Nên lắp các hệ thống nước (bồn nước) trên cao để thuận tiện cho việc dùng vòi phun nước trong hệ thống chuồng và sân vườn kể cả khi mất điện vẫn sử dụng tạm thời được.
Đối với hệ thống chuồng nuôi kín 100 % sử dụng hệ thống điện thì gần như bắt buộc phải đầu tư sử dụng hệ thống máy phát điện, động cơ phát điện để ứng phó khi hệ thống điện lưới trong khu vực bị cắt điện luân phiên.
3. Vệ sinh chuồng trai và xử lý môi trường xung quanh chuồng nuôi
Chủ động làm mát cho gia súc gia cầm bằng biện pháp thủ công đó là hàng ngày phải đảm bảo vệ sinh cơ giới sạch sẽ từ trong ra ngoài xung quan khu vực chuồng nuôi, khu chăn thả, sân vận động với trâu bò. Khơi thông hệ thống cống rãnh, không để phân và chất thải ứ đọng sẽ phát sinh mầm bệnh, sử dụng các chế phẩm khử mùi nhằm hạn chế mùi trong chuồng nuôi. Sau vệ sinh cơ giới có thể dùng nước rửa chuồng, lưu ý khi rửa chuồng trại xong không nên để nước đọng trên nên chuồng để tránh cho con vật uống phải nước bẩn trên nền chuồng. Thực hiện phun thuốc sát trùng, diện tích phun thuốc sát trùng nên phun trên diện rộng cả trong và ngoài chuồng nuôi (một số loại thuốc sát trùng có chất lượng tốt, an toàn khi sử dụng như Vikol, Haniodin, Halamit …).
Rất nhiều hệ thống đã tích hợp phun sương làm mát cùng với phun khử trùng.
Với môi trường xung quanh chuồng nuôi cần tăng cường phát quang bụi rậm để tránh ruồi muỗi, côn trùng, không để nước đọng và định kỳ phun thuốc sát trùng để hạn chế, ngăn chặn mầm bệnh. Thực hiện tốt việc ủ phân, tốt nhất xử lý lượng phân của gia súc gic cầm thải ra hàng ngày làm phân bón cho cây trồng hoặc làm thức ăn cho cá, không để lượng phần tồn ứ đọng trong khu vực chuồng nuôi trong những ngày hè. Trên thực tế những ngày nắng nóng khi lượng phân tồn đọng trong chuồng nuôi là một trong những chất xúc tác tạo không khí, mùi hôi quá lớn làm ảnh hưởng trực tiếp đến con vật.
Đối với chăn nuôi trâu bò, một số bệnh thường hay phát sinh bệnh tỏng mùa nắng nóng như tiên mao trùng, viêm da nổi cục, bệnh lây chủ yêu thông qua côn trùng (ve, ruồi mòng …) vì vậy cần chú ý phát quang bụi rậm và dùng các loại thuốc diệt côn trùng để chủ động phòng bệnh.
4. Đảm bảo mật độ nuôi và chế độ vận động, tắm trải cho gia súc gia cầm
Gia súc gia cầm nuôi ở mật độ cao sẽ có nhiều yếu tố ảnh hưởng, đó là việc tiếp xúc trực tiếp giữa các con vật và tạo lượng khí không trong lành rất lớn, thậm chí là khí độc, hơi thởi mang mầm bệnh vì vậy những ngày nắng nóng rất cần giãn mật độ nuôi nhốt trong chuồng nuôi đối với gia súc gia cầm để tạo sự thông thoáng và cân bằng dưỡng khí trong chuồng nuôi. Lưu ý trong chăn nuôi gia cầm, điều này rất quan trọng nhằm hạn chế dịch bệnh và các bệnh về hô hấp (mật độ trung bình chăn nuôi gà thịt tốt nhất là 6 – 8 con/m², với trâu bò đảm bảo 4 -6 m²/con). Trong chăn nuôi trâu bò, nhất là bò sữa cần đảm bảo chế độ vận động giúp cho trâu bò khỏe mạnh, ăn, ngủ tốt hơn. Nên cho trâu bò vận động nhiều vào buổi sáng sớm và chiều mát. Sau vận động tắm trải cho trâu bò, không nên tắm vào buổi trưa khi thời tiết đang nắng nóng.
Mật độ nuôi sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, tuỳ vào mục đích chúng ta phải có mật độ nuôi sao cho phù hợp.
Trường hợp mất điện, với trâu bò, nhất là bò sữa có thể cho bò di chuyển ra các khu vực có bóng cây để tạm thời làm mát, với chăn nuôi lợn, gia cầm, cần mở ngay hệ thống cửa hai bên trước sau để tạm thời lấy gió ngoài trời. Có thể dùng hệ thống phun nước làm mát (bồn nước trên cao) để phun làm mát chuồng nuôi, nhất là trên mái, hệ thống tường để làm giảm nhiệt khi nắng nóng, mất điện.
5. Tăng cường chế độ dinh dưỡng, nước uống cho gia súc, gia cầm
Những ngày nắng nóng con vật thường có nhiều biển đổi trong quá trình hấp thu, trao đổi chất, việc ăn uống của con vật có nhiều thay đổi không bình thường vì vậy cần tăng cường chế độ dinh dưỡng và bổ sung các loại khoáng, premix, vitamin để nâng cao sức đề kháng cho con vật. Đảm bảo nghiêm ngặt chế độ nước uống đủ và sạch cho gia súc gia cầm, những ngày nắng nóng nhu cầu cần nước trong cơ thể con vật là rất lớn nên tốt nhất là lắp đặt hệ thống nước uống tự động cho con vật trong chuồng nuôi.
Đây là 2 sản phẩm có chức năng hỗ trợ tốt trong môi trường khắc nghiệt, khiến con vật dễ hấp thu hơn.
Hàng ngày kiểm tra thường xuyên lượng nước cung cấp và vệ sinh nguồn nước, có thể bổ sung trực tiếp một số vitamin hoặc các nguyên tố vi lượng thông qua hệ thông nước uống để giúp cho con vật hấp thu trực tiếp. Có nhiều cách bổ sung khoáng chất, kinh nghiệm cho thấy nên bổ sung vào thời điểm sáng sớm sẽ là tốt nhất để con vật nâng cao sức đề kháng chống trọi và thích nghi với điều kiện khí hậu ngoài trời. Có thể trộn thức ăn hoặc hoà nước cho con vật uống trực tiếp.
Với trâu, bò, nhất là bò sữa cần tăng cường các loại thức ăn thô xanh, một số thức ăn ủ chua đảm bảo cho con vật đủ no và tăng cường quá trình trao đổi chất thông qua tập tính nhai lại ở trâu bò. Riêng đối với bò sữa là con vật chịu nóng kém nên cần vừa bổ sung thức ăn thô xanh, các loại khoáng, vitamin, vừa kết hợp làm mát cho con vật. Đối với các trang trại có hệ thống máng ăn máng uống tự động cần lưu ý khi mất điện phải chủ động sử dụng các dụng cụ cơ giới thủ công để đảm bảo cho con vật ăn, uống đầy đủ nhằm nâng cao sức đề kháng cho con vật.
6. Thực hiện nghiêm quy định về nhập giống tăng đàn, tái đàn và vận chuyển gia súc gia cầm trong thời điểm nắng, nóng, mất điện
Chất lượng giống có vai trò quyết định trong sản xuất nên tốt nhất nhập giống ở những cơ sở sản xuất giống có uy tín, đủ điều kiện, không nhập ở những nơi đang có dịch bệnh. Cần kiểm tra, xem xét kỹ về chất lượng giống cũng như việc tiêm phòng đủ thời gian miễn dịch mới vận chuyển đi. Việc vận chuyển giống về địa phương cần thực hiện tốt quy trình kiểm dịch vận chuyển theo quy định. Khi vận chuyển gia súc gia cầm trong những ngày nắng nóng nên thực hiện vào buổi sáng sớm và chiều mát.
Nếu vận chuyển đường dài chú ý cho gia súc súc gia cầm nghỉ ngơi hợp lý, vào các thời điểm buổi trưa nên để gia súc gia cầm vào nơi mát, nhiều cây cối để chăm sóc bổ sung thức ăn, nước uống cũng như kiểm tra sức khỏe con vật trong quá trình vận chuyển. Nên giãn mật độ nhốt gia súc gia cầm trên phương tiện vận chuyển, đồng thời che chắn làm mát cho gia súc gia cầm ngay trên phương tiện vận chuyển như để cành cây nhiều lá trên xe, có đệm lót tốt, có bạt che ánh nắng mặt trời xung quanh phương tiện …
Khi vận chuyển về đến chuồng nuôi cần làm các biện pháp giảm nhiệt cho con vật thích nghi từ từ, không để con vật thay đổi nhiệt độ một cách đột ngột, tránh cho hiện tượng sốc, choáng, strees nhiệt. Với trâu bò, lợn đưa ngay vào nơi mát cho nghỉ ngơi không được dùng nước tắm ngay để tránh cho trâu bò, lợn bị cảm do thay đổi nhiệt độ đột ngột (thực tế nhiều trường hợp khi vận chuyển trâu bò, lợn về thấy nắng nóng quá quá đã dùng nước tắm hoặc xả luôn vào con vật làm cho con vật bị sốc, cảm gây chết). Trường hợp trong đàn có gia súc gia cầm khi vận chuyển về thấy có biểu hiện không bình thường (ủ rũ, thở gấp, ho, sốt, đi đứng không bình thường …. ) cần tách riêng để theo dõi điều trị đến khi trở lại bình thường mới cho nhập đàn.
Thực hiện tốt việc khai báo với chính quyền địa phương về việc nhập đàn để đảm bảo công tác phòng chống dịch chung trên địa bàn, khi thực hiện tốt việc này sẽ đảm bảo được hưởng chế độ chính sách về hỗ trợ thiệt hại khi không may xảy ra dịch bệnh phải tiêu huỷ bắt buộc. Trường hợp chủ hộ không thực hiện việc khai báo sẽ ảnh hưởng rất lớn đến diễn biến dịch bệnh trên địa bàn, khi xảy ra dịch bệnh không những không được hỗ trợ còn bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Luật Chăn nuôi.
7. Áp dụng tốt vệ sinh thú y và xử lý gia súc, gia cầm có biểu hiện không bình thường
Hiện nay diễn biến dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm khá phức tạp, đặc biệt trong những ngày nắng nóng, một số nơi xảy ra mất điện đều là những nguy cơ bùng phát dịch bệnh nhất là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lấy nhiễm cao, phát tán rộng (như Cúm A/H5N6, Cúm A H5N9, Dịch tả lợn Châu phi, Tai xanh, LMLM …). Người chăn nuôi cần tập trung thực hiện tốt việc tiêm phòng đầy đủ các loại vác xin để chủ động phòng chống bệnh. Cần kiểm tra việc tiêm phòng cho đàn gia súc gia cầm, trường hợp đến kỳ tiêm phòng phải tiêm phòng ngay để chủ động tạo miễn dịch cho đàn gia súc gia cầm. Khi tiêm phòng chú ý kiểm tra đàn gia súc, gia cầm khoẻ mạnh mới tiêm phòng. Thời điểm tiêm phòng tốt nhất vào sáng sớm và chiều mát để đảm bảo chất lượng vácxin, tránh phản ứng, tạo miễm dịch tốt khi tiêm phòng.
Hàng ngày kiểm tra chuồng nuôi, trường hợp thấy gia súc, gía cầm có những biểu hiện không bình thường cần tách đàn cho nhốt riêng để kiểm tra, theo dõi và điều trị. Nếu số lượng nhỏ (một vài con) không thấy biểu hiện lây lan thì áp dụng việc cho uống thuốc trợ sức trợ lực, tạo sự thoáng mát cho con vật, khi trở lại bình thường, con vật khoẻ mạnh cho nhập đàn. Trường hợp thấy gia súc gia cầm có biểu hiện triệu chứng nặng (ho sốt, khó thở, ủ rũ, đi lại không bình thường …) có biểu hiện lây lan nhanh, rộng cần báo ngay cán bộ thú y cơ sở để can thiệp kịp thời. Khi đàn gia súc gia cầm có biểu hiện dịch bệnh, cần thực hiện tốt các quy định về phòng chống dịch bệnh, tuyệt đối không được bán chạy, chấp hành nghiêm hướng dẫn của chính quyền địa phương và cán bộ chuyên môn để khống chế ngăn chặn dịch, không đẻ bùng phát lây lan trên diện rộng.
Hy vọng những giải pháp trên người chăn nuôi lưu tâm áp dụng tốt để đảm bảo sức khoẻ đàn gia súc gia cầm, nhất là khi tiết đang biến đổi bất thường, nắng nóng và có thời điểm bị mất điện.
TS Nguyễn Ngọc Sơn
Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam