Những điều cần chú ý đối với gia súc, gia cầm mùa mưa lũ
20/07/23
Mùa mưa lũ mang đến nhiều bất lợi cho người chăn nuôi nhất là đối với bà con nuôi chăn thả. Chúng ta cần phải chuẩn bị những gì khi chăn nuôi trong mùa mưa lũ để đảm bảo hạn chế tố đa những rủi ro. Bà con sẽ phải mất "một khoản tiền kha khá" nếu không chú ý đến các vấn đề sau đây!
Chắc chắn chúng ta vẫn chưa thể quên được trận bão năm 2020 đã gây ra nhiều thiệt hại thương tâm cho nước ta, trong đó có ngành chăn nuôi khi hơn 3 triệu con gà và 42 nghìn con lợn bị chết vì mưa lũ. Để những sự việc đáng tiếc như vậy không còn xảy ra nữa, chúng tôi hi vọng bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho quý vị độc giả những thông tin hữu ích nhất để bà con chuẩn bị cho mùa mưa lũ!
Chú ý bảo vệ đàn vật nuôi trước khi mùa mưa lũ diễn ra
Vì sao mùa mưa thường xảy ra dịch bệnh ở gia súc gia cầm?
Vào mùa mưa, mầm bệnh sẽ theo nước lũ đi khắp nơi, làm gia tăng sự lây truyền bệnh. Mặt khác, khi di chuyển vật nuôi để tránh dịch từ nơi này sang nơi khác để tránh bão cũng là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan, thêm vào đó là sự phát triển của vi khuẩn, vi rút trong điều kiện nhiệt độ ẩm ướt. Nếu khâu phòng bệnh không được quản lý chặt chẽ đàn gia cầm của bà con rất dễ bị nhiễm bệnh.
Những dịch bệnh thường gặp trong mùa mưa lũ:
- Gia cầm, thủy cầm: Bệnh cúm gia cầm, bệnh tụ huyết trùng, bệnh hô hấp mạn tính, bệnh cầu trùng, bệnh dịch tả vịt.
- Lợn: Bệnh dịch tả lợn, bệnh phó thương hàn, bệnh tụ huyết trùng.
- Gia súc lớn: Hội chứng ỉa chảy, bệnh chướng hơi dạ cỏ, bệnh tụ huyết trùng.
Các khâu quản lý đàn vật nuôi trong điều kiện thời tiết mưa bão
Cần gia cố chuồng trại trước mùa nước lũ
1. Kiềm tra chuồng trại
- Đảm bảo chuồng trại vững chắc: Bà con cần đảm bảo chuồng được chằng chống, gia cố tốt, kiểm tra rèm chuồng nuôi có bị mưa tạt hay gió lùa hay không, hạn chế bị tốc mái khi có mưa bão.
- Đối với hệ thống thoát nước: Khơi thông hệ thống cống nước, đảm bảo không bị ngập úng khi mưa to. Kê cao sàn, tôn nền chuồng và chuẩn bị phương án di dời đối với những vùng có nguy cơ ngập lụt.
- Vị trí xây chuồng trại: Tránh những nơi có nguy cơ bị lũ quét cao, như gần bờ sông, suối, nơi lũ quét thường đi qua.
2. Chăm sóc đàn vật nuôi
- Dự trữ thức ăn cho gia súc, gia cầm đảm bảo thực phẩm cả về lượng và chất.
Đối với thức ăn xanh: Phơi khô, ủ chua rơm rạ, cỏ khô, thân ngô đối với trâu, bò.
Dự trữ thức ăn tinh và thô hoàn chỉnh đối với lợn và gia cầm. Chú ý bảo quản nơi khô ráo thông thoáng tránh tình trạng ẩm mốc.
Đối với những vùng có nguy cơ ngập lụt: không làm chuồng trại gần bờ sông, bờ suối.
- Nước uống: Đảm bảo nguồn nước sạch cho vật nuôi, dự trữ một số hóa chất khử trùng nước.
- Trong những ngày mưa bão có thể một số nơi bị mất điện vậy nên bà con cần chú ý dự phòng phương án đối phó như: máy phát điện, bếp trấu, củi,... để giữ ấm cho vật nuôi.
- Bà con cũng có thể xuất bán gia súc, gia cầm ở mức giá phù hợp đối với thời điểm bão lũ
- Xử lý xác vật nuôi: Đối với vật nuôi bị nhiễm bệnh, phương pháp hiệu quả nhất là đốt, phun khử trùng chuồng trại.
3. Phòng bệnh
Phòng bệnh bằng vaccine là phương pháp hiệu quả và tiết kiệm nhất
Thời tiết ẩm ướt là điều kiện thuận lợi để các loại vi rút, vi khuẩn gây bệnh phát triển, bà con có thể thấy sau những đợt mưa lũ là thời điểm vật nuôi, đặc biệt là gia cầm phải đối mặt với những vấn đề về hô hấp, giữ vững quan điểm "phòng bệnh hơn chữa bệnh" trong chăn nuôi chắc chắn sẽ giúp bà con hạn chế tối đa những rủi ro, bởi khi chữa bệnh bà con sẽ phải tốn nhiều chi phí và ảnh hưởng nhiều đến đàn vật nuôi.
Người chăn nuôi cần chú ý phòng bệnh ngay cả thời điểm thời tiết thuận lợi
- Quét dọn thường xuyên, vệ sinh sạch sẽ máng ăn, uống; dụng cụ chăn nuôi; phun khử trùng trong và ngoài chuồng để diệt mầm bệnh.
- Dự dữ một số thuốc dự phòng, bổ trợ thiết yếu: Vitamin, trợ sức, trợ lực, men tiêu hóa,...
- Sử dụng Chloramin- , Clorin,... để khử trùng nước đối với nơi nguồn nước ô nhiễm, đảm bảo nước đủ sạch cho vật nuôi.
- Tiêm vaccine đầy đủ là biện pháp cần ưu tiên nhất trong chăn nuôi.
- Quan sát kiểm tra đàn vật nuôi thường xuyên để xử lý kịp thời nếu con vật chớm bệnh, điều trị, cách ly kịp thời tránh để lây lan dịch bệnh.
Để bài viết có sự tham khảo từ báo người chăn nuôi để cung cấp cho độc giả thông tin chính xác nhất!