Cart

Thiến heo nuôi thịt, tuổi thiến và cách nào?

Khuynh hướng lâu đời trong nuôi heo thịt ở nước ta là thiến heo đực ở tuổi sơ sinh, không thiến heo cái. Thiến heo đực để giảm tính hung hăng, thịt heo không có mùi hoi và heo thịt không bị lợi dụng làm đực giống trước khi bán nuôi thịt. Tuy nhiên, thiến heo đực theo cách truyền thống (mổ cắt bỏ tinh hoàn không gây tê) lúc sơ sinh lại làm giảm khả năng sinh trưởng vì gây stress cho heo, có thể tạo herni bìu (ruột kẹt vào da bìu tinh hoàn), có thể nhiễm trùng vết thiến nếu không chăm sóc kỹ và quan trọng là không khai thác được tác động tốt của hormone sinh dục đực (Testosterone) lên tăng trọng, hệ số chuyển hóa thức ăn, tỷ lệ thân thịt và tỷ lệ thịt nạc.

Heo cái nuôi thịt không được thiến vì tận dụng hormone sinh dục Estrogen cho tăng trưởng và không có nhược điểm như con đực. Ngược lại, heo cái không thiến có thể động dục trong giai đoạn nuôi trước giết thịt, nhất là khi nuôi đến 120 - 130 kg. Heo giết mổ ở trọng lượng lớn có thể tăng tỷ lệ thịt, giảm chi phí vận chuyển lẫn chi phí giết mổ cho một đơn vị heo.

Mùi nọc của thịt heo đực nguyên (heo đực không thiến) là vấn đề đã được nghiên cứu nhiều. Mùi này cơ bản do Androstenone và Skatole. Androstenone là chất hấp dẫn sinh dục, được tạo từ tinh hoàn, tích tụ trong nước bọt và mỡ; Hàm lượng tăng lúc heo thành thục sinh dục và bán rã sau 7 ngày ở heo 90 - 97 kg. Thân thịt được phân loại là có mùi nọc khi Androstenone khoảng 0,5 - 1 µg/g mỡ (Andresen, 2006). Tuy nhiên trên thương trường người ta xếp loại thịt có mùi nọc chủ yếu dựa vào cảm quan nên lượng Androstenone khá biến động. Skatole được hình thành bởi hệ vi sinh đường ruột lên men Tryptophan trong thức ăn và từ tế bào chết. Chất này thải qua phân không đáng kể, phần còn lại theo máu tĩnh mạch đến gan và bị chuyển hóa nhanh sau vài giờ. Nếu chất này hình thành liên tục trong thời gian dài thì tích lũy ở mô mỡ của cả heo đực lẫn heo cái. Hàm lượng Skatole khoảng 0,2 µg/g mỡ làm cho thịt nhiễm mùi này. Thịt có mùi Skatole (tương tự mùi phân) rõ hơn trong mùa hè hoặc khi heo thường nằm trên phân và chuồng thiếu thoáng khí (Lundstrôm & Zamaratskaia, Pig Progress, 2021). Do đó, mùi thịt không mong muốn vẫn phải được giải quyết ở cả heo đực nguyên và heo cái.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng mùi thịt do 2 chất này, bao gồm giống heo, tình trạng phân tiết hormone, dinh dưỡng, môi trường, khả năng tạo và biến dưỡng ở mô. Heo thuộc giống Duroc nặng mùi hơn heo Pietrain. Thực liệu chứa nhiều chất xơ, khẩu phần cân bằng Tryptphan và một số thực vật (hương thảo, diếp xoăn, actiso) có thể giúp giảm tạo Skatole ở ruột già. Một số nghiên cứu cho thấy, Androstenone và Estradiol ức chế hoạt động Enzyme Cytochrome P450 ở gan nên thịt heo không thiến nặng mùi Skatole hơn mặc dù cơ chế chưa được chứng minh, nhất là khi xử lý nhiệt (Lundstrôm & Zamaratskaia, 2006).

Một số quốc gia, nhất là các nước châu Âu và châu Úc thường nuôi heo đực nguyên để đạt yêu cầu về phúc lợi động vật, năng suất cao và chi phí thấp. Việt Nam vẫn chưa nuôi heo thịt từ đực nguyên vì thịt có mùi nọc nên bị thương lái giảm giá mua, mặc dù thịt heo đực nguyên vẫn được chế biến và tiêu thụ trên thị trường. Nếu heo thịt còn nguyên bìu dái mà sau khi giết mổ không có mùi nọc thì không nên liệt kê heo đực nguyên này có mùi nọc. Như vậy để góp phần thúc đẩy phúc lợi động vật, phát huy thành tích trong nuôi dưỡng và sản xuất thịt của đực nguyên, cần có các biện pháp kỹ thuật, chính sách khuyến khích từ Nhà nước và sự tôn trọng các thành tựu khoa học trong việc thỏa mãn nhu cầu chất lượng của người tiêu dùng. 

Khi nuôi heo đực nguyên (heo đực không thiến hoặc thiến khi gần giết thịt), cần nuôi riêng heo đực và heo cái. Nhu cầu dinh dưỡng của 2 giới tính khác nhau do tăng trưởng của con đực cao hơn con cái và heo đực vận động nhiều hơn, hung hăng hơn. Chuồng và xe vận chuyển heo đến lò mổ phải sạch và mát.

Thiến heo là cách giảm việc tạo Androstenone từ tinh hoàn heo đực nguyên ở độ tuổi mong muốn hoặc khi heo cái nuôi thịt đến tuổi thành thục sinh dục nhưng chưa đạt tuổi giết thịt. Tuy nhiên, thiến ở độ tuổi nào và bằng cách nào? Thiến bằng cách mổ (gây tê hoặc không) đòi hỏi kỹ năng nghề nghiệp và kéo dài thời gian thao tác, heo chậm lành vết thương khi thiến heo đã lớn. Giết mổ thú trước khi trưởng thành sinh dục có thể làm giảm mùi hôi nhưng lại giảm khối lượng thân thịt. Do đó, sử dụng chế phẩm kích thích cơ thể thú tạo kháng thể chống lại hormone sinh dục (thiến miễn dịch) là cách không xâm lấn và hiệu quả, ví dụ, chế phẩm Improvac chứa đoạn péptit ngắn của hormoner GnRH (gắn với protein tải) kích hoạt cơ thể tạo kháng thể chống lại GnRH nên tinh hoàn teo lại, giảm tạo Testosterone và Androstenone hoặc buồng trứng giảm tiết Estrogen. Hiệu giá kháng thể này giảm đi ½ trong máu vào tuần thứ 4 so với tuần thứ 2 sau tiêm mũi 2 (Dunshea và ctv, 2001).

Thiến heo cách truyền thống

Trong 2 thử nghiệm (TN) tiêm Improvac cho heo đực nguyên nuôi thịt tại TP. Hồ Chí Minh, heo đực nguyên được tiêm dưới da 2 ml/liều, tiêm 2 lần cách nhau 4 tuần. Liều 2 được tiêm trước khi xuất chuồng 4 tuần (xuất chuồng lúc 24 tuần tuổi trong TN1 và 26 tuần tuổi ở TN2). Heo đối chứng (ĐC) là đực cắt bỏ tinh hoàn lúc sơ sinh. So với ĐC, tăng trọng hằng ngày của lô thiến bằng chế phẩm cao hơn 4,3 - 5 %, hàm lượng Testosterone huyết thanh giảm sau tiêm mũi 2 (35,8 ng/dL ở lô tiêm so với 25,1 ng/dL ở lô ĐC trong TN1 và 11,3 ng/dL ở heo tiêm so với 17,1 ng/dL ở heo ĐC trong TN2), tỷ lệ nạc của thân thịt cao hơn (57,4 - 57.6% so với 54,4 - 55,5%) và tỷ lệ lipit trong thịt thăn thấp hơn (7,5 - 11,3% so với 12,1 - 16,6%), mùi vị của mẫu thịt đực nguyên tiêm vaccine và heo ĐC không khác biệt (Trần Thị Dân và ctv, 2007). Nhìn chung, năng suất nuôi thịt đã được cải thiện rõ khi sử dụng chế phẩm vào giai đoạn sau của quá trình nuôi.

Đối với heo cái nuôi thịt, nhóm giống ngoại có thể động dục lúc 5 - 6 tháng khi chưa đạt trọng lượng giết mổ. Ở giai đoạn này khó thiến mổ nên có thể dễ dàng thiến kiểu miễn dịch. Thời điểm tiêm chế phẩm kích thích tạo kháng thể ức chế tiết hormone sinh dục và hoạt động buồng trứng cũng tùy thuộc ngày tuổi giết thịt. Vấn đề là heo cái thiến giai đoạn sau có thể tăng tỷ lệ mỡ (tăng 2%) mặc dù trọng lượng thân thịt cao hơn (Van den Broeke và ctv, 2016). Cần xác định thêm yêu cầu dinh dưỡng của heo cái lẫn heo đực thiến trong giai đoạn nuôi thịt cuối cùng để đạt năng suất thịt tối ưu.

Thiến miễn dịch là một trong các giải pháp tốt để phát huy thành tích trong nuôi dưỡng và sản xuất thịt của đực nguyên lẫn heo cái nuôi thịt. Tại Việt Nam, trong chuỗi sản xuất và mua bán heo giết thịt chúng ta không nên có thiên kiến cho rằng, heo đực nguyên đã thiến miễn dịch được cấp giấy chứng nhận của cơ quan thú y là heo thịt có mùi nọc.

PGS. TS. Trần Thị Dân; PGS. TS. Nguyễn Ngọc Tuân - Báo Người chăn nuôi

Facebook Linkedin Top