Cart

TỔNG QUAN VỀ PHÂN VIỆN THÚ Y MIỀN TRUNG

Phân viện Thú y miền Trung (PVMT - IVRD) là một trong những cơ sở đầu tiên được Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn giao nhiệm vụ nghiên cứu và sản xuất vaccine tại Việt Nam. Vượt qua nhiều khó khăn, Phân viện Thú y miền Trung đã khẳng định được vị thế của mình trên thị trường bằng những sản phẩm chất lượng và gặt hái được nhiều thành tựu của Đảng, Nhà nước cũng như được các cơ quan các cấp, các ngành đánh giá cao và trao thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại, Phân Viện Thú y miền Trung cam kết đưa ra các giải pháp có tính ứng dụng cao, sản phẩm dành cho thú y chất lượng hàng đầu & thực sự hiệu quả cho ngành chăn nuôi của nước ta hiện nay.

Công ty TNHH Thương mại VINODA hân hạnh là một trong những đơn vị phân phối sản phẩm của Phân viện Thú y miền Trung

PHÂN VIỆN THÚ Y MIỀN TRUNG

Viết tắt: IVRD - Institute of Veterinary Research and Development of the Central Vietnam

Phân viện Thú y miền Trung trực thuộc Viện Thú y được thành lập theo Quyết định số 213 – NN/TC-QĐ ngày 23/7/1977 của Bộ Nông nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và PTNT). Trải qua 45 năm, Phân viện Thú y miền Trung đã và đang từng bước phát triển, ngày càng khẳng định vị thế và vai trò của mình trong sự phát triển của ngành nông nghiệp của cả nước, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước trong tiến trình hội nhập quốc tế.

I. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Giai đoạn 1977 – 1987:

Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Bộ Nông nghiệp quyết định thành lập Trạm Chế thuốc Thú y Nha Trang trực thuộc Viện Thú y (Quyết định số 87-NN-CB/QĐ ngày 17/01/1977) do ông Vũ Văn Thuận làm Trưởng trạm. Trụ sở của Trạm đặt tại số 19 Hàm Nghi, Nha Trang do UBND tỉnh Phú Khánh cho mượn. Đây là ngôi nhà 2 tầng có diện tích sử dụng khoảng 200m2.

Sau đó, theo yêu cầu của thực tiễn ngành Nông nghiệp nước ta nói chung, tình hình chăn nuôi, dịch bệnh tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên nói riêng, Bộ Nông nghiệp đã ban hành Quyết định số 213 – NN/TC-QĐ ngày 23/7/1977 về việc thành lập Phân viện Thú y miền Trung trực thuộc Viện Thú y do viện sĩ Nguyễn Vĩnh Hòa làm Phân Viện trưởng với chức năng, nhiệm vụ là nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc và đào tạo cán bộ thú y cơ sở. Bộ máy tổ chức của Phân viện lúc bấy giờ gồm 2 bộ môn nghiên cứu, 3 tổ nghiệp vụ, 2 cơ sở trực thuộc là Trạm Chế thuốc Thú y Nha Trang và Trại chăn nuôi Suối Dầu.

Đến năm 1979, với mục tiêu phát triển Phân viện Thú y miền Trung xứng tầm là một cơ sở nghiên cứu khoa học kỹ thuật của Trung ương tại khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 222/TTg ngày 26/6/1979 về việc phê chuẩn “Nhiệm vụ thiết kế xây dựng Phân viện Thú y miền Trung”. Và trên cơ sở đó, tháng 12/1979, UBND tỉnh Phú Khánh ra quyết định cấp 4ha đất tại thôn Đường Đệ, phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang để xây dựng cơ sở làm việc và sản xuất của Phân viện Thú y Miền Trung.

Tuy nhiên, đến cuối năm 1982, để phù hợp với điều kiện kinh tế đất nước, phù hợp với khả năng cung cấp trang thiết bị và rút ngắn thời gian thi công công trình, Bộ Nông nghiệp đã có chủ trương thay đổi quy mô xây dựng Phân viện Thú y miền Trung, đó là điều chuyển Trại Chăn nuôi Suối Dầu cho đơn vị khác quản lý (tại Quyết định số 283 NN-TC/QĐ ngày 18/11/1982) và ban hành Quyết định số 374 NN/QĐ ngày 6/12/1983 cho phép Phân viện xây dựng lại Luận chứng kinh tế kỹ thuật.

Như vậy, trong suốt giai đoạn này, Phân viện phải thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ: Vừa phải ổn định tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất để triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao; vừa phải triển khai thực hiện dự án xây dựng Phân viện Thú y miền Trung.

Phân viện đã nhanh chóng triển khai công tác tuyển chọn lao động, mua sắm trang thiết bị để thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao. Từ xuất phát điểm chỉ có 6 cán bộ và nhân viên, để có được một đội ngũ cán bộ hùng hậu, vững vàng Phân viện đã phải tuyển chọn và đào tạo tại chỗ cán bộ từ nhiều nguồn khác nhau. Ngoài việc tiếp nhận một số cán bộ chủ chốt từ Xí nghiệp Thuốc Thú y Trung ương, Viện Thú y và sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học trong và ngoài nước, Phân viện còn tiếp nhận và đào tạo lại một lượng lớn cán bộ từ nhiều nguồn khác nhau như: Cán bộ từ các cơ quan khác chuyển đến, bộ đội chuyển ngành hoặc tuyển chọn từ các địa phương.

Mặc dù làm việc trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, trang thiết bị kỹ thuật và phương tiện thiếu thốn, song với tinh thần sáng tạo, khắc phục khó khăn, quyết tâm thực hiện thắng lợi kế hoạch của Nhà nước, cán bộ và nhân viên Phân viện đã gặt hái được nhiều thành công.

Nét nổi bật trong giai đoạn này là Phân viện tiếp tục ổn định tổ chức, thành lập thêm các Bộ môn nghiên cứu, các phòng chức năng và tổ trực thuộc, trang bị bước đầu các máy đông khô vaccine, nồi lên men tự động. Phân viện đã nghiên cứu thành công nhiều đề tài có giá trị thực tiễn trong phòng chống dịch bệnh, trong đó một số kết quả nghiên cứu đã được áp dụng vào thực tiễn sản xuất như: Nghiên cứu và cải tiến vắc-xin tụ huyết trùng trâu bò chủng Iran, ứng dụng phương pháp chế tạo pepton nước từ một số nguồn đạm động vật ở địa phương thay cho pepton bột nhập ngoại; sản xuất thêm nhiều loại vaccine, thuốc thú y, kịp thời đáp ứng đầy đủ nhu cầu về vaccine, thuốc thú y trong công tác phòng chống dịch bệnh trên động vật nuôi, bảo vệ và phát triển đàn gia súc, gia cầm tại các tỉnh Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Với những thành tích đã đạt được trong giai đoạn này, Phân viện đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1983), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 1987).

Giai đoạn 1987 – 2007

Tháng 6/1987, sau khi Luận chứng kinh tế kỹ thuật mới của Phân viện được phê duyệt, UBND tỉnh Phú Khánh đã có quyết định thu hồi 4ha đất tại thôn Đường Đệ, phường Vĩnh Hải và ra quyết định cấp 1,2ha đất tại Km4, đường 2/4, Vĩnh Hải, Nha Trang để xây dựng công trình trụ sở Phân viện. Trong những tháng năm khó khăn đó, khi kinh tế cả nước chuyển mạnh từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường và hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, Phân viện vẫn tiếp tục vừa nghiên cứu khoa học, vừa sản xuất, vừa xây dựng cơ sở vật chất. Đây là quá trình chuyển đổi đầy gay go phức tạp, giá cả thị trường biến động, hàng hóa tiêu thụ chậm, sản xuất thiếu vốn lưu động, công nhân không đủ việc làm, tiền lương thực tế giảm sút làm cho CBCNV vô cùng lo lắng. Do đời sống khó khăn, một số CBCNV xin chuyển công tác hoặc xin nghỉ việc. Thêm vào đó, tình hình khủng hoảng chính trị ở Liên xô và các nước Đông Âu dẫn đến công tác đào tạo cán bộ và hợp tác khoa học kỹ thuật với các nước xã hội chủ nghĩa trước đây cũng gặp khó khăn phải ngừng lại.

Dưới ánh sáng của các nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VI khóa VII, công cuộc đổi mới của Đảng và Nhà nước đã dần dần làm chuyển biến nền kinh tế – xã hội, tác động tích cực đến mọi hoạt động của Phân viện. Được sự quan tâm, giúp đỡ của Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng các ngành hữu quan ở Trung ương và địa phương, Phân viện đã bền bỉ phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn thử thách, trụ vững trong cơ chế thị trường và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị.

Tháng 11 năm 1993, Phân viện Thú y miền Trung chính thức chuyển về trụ sở mới tại Km4, đường 2/4, phường Vĩnh Hải, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Trong điều kiện trụ sở làm việc đã được ổn định, bằng nguồn tài chính từ ngân sách cấp và nguồn vốn tự có từ hoạt động sản xuất kinh doanh, Phân viện chính thức tập trung xây dựng và hiện đại hóa cơ sở vật chất.

Về cơ sở hạ tầng, Phân viện đã đầu tư xây dựng khu nhà sản xuất khép kín; nhà chăn nuôi động vật thí nghiệm… Về trang thiết bị, Phân viện đã trang bị thêm nhiều trang thiết bị hiện đại cho công tác nghiên cứu và sản xuất như: Kính hiển vi sinh học, máy ly tâm, máy đông khô vắc-xin, hệ thống lên men tự động..vv.. Nhờ đó, sản lượng hàng hóa hàng năm của Phân viện ngày một tăng cao. Trong giai đoạn này, công tác sản xuất đã không còn phụ thuộc vào kế hoạch được giao mà thực hiện đáp ứng theo nhu cầu của thị trường.

Năm 2004, dịch cúm gia cầm bùng phát và lan rộng trên khắp các tỉnh thành trên cả nước. Đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn ngành chăn nuôi, căn cứ vào năng lực về cơ sở vật chất, nhân lực của Phân viện, tháng 4 năm 2005, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã bổ sung cho Phân viện chức năng chẩn đoán bệnh động vật nhằm đáp ứng yêu cầu về chẩn đoán, xét nghiệm và kịp thời ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm trên động vật nuôi tại khu vực miền Trung. Đồng thời Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng khu chẩn đoán bệnh động vật của Phân viện với tổng vốn đầu tư gần 8 tỷ đồng, mở ra một bước đi mới của Phân viện trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ chính trị được giao.

Bằng sự nỗ lực, quyết tâm của tập thể Ban lãnh đạo và toàn thể viên chức, người lao động, Phân viện đã thực hiện và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị được giao, được Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh Khánh Hòa tặng nhiều bằng khen và cờ thi đua; vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen (2006) và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất (2003).

Giai đoạn từ năm 2007 đến nay

Thực hiện chiến lược đổi mới và phát triển theo chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước, trên cơ sở thực tiễn hoạt động, tháng 7/2007, Phân viện Thú y miền Trung chính thức chuyển đổi cơ chế hoạt động, từ chỗ hoạt động theo kế hoạch, đã chuyển sang hoạt động tự chủ tự chịu trách nhiệm theo Quyết định số 1847/ QĐ-BNN-TCCB ngày 27/6/2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT. Đến tháng 9/2009, Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã bổ sung nhiệm vụ nghiên cứu bệnh học thủy sản và công nghệ sinh học cho Phân viện (tại Quyết định số 2464/QĐ-BNN-TCCB ngày 03/9/2009). Như vậy, hiện nay với chức năng là: Nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và sản xuất kinh doanh về lĩnh vực thú y nhằm phát triển kinh tế xã hội vùng miền Trung và Tây Nguyên, Phân viện đảm nhận 6 nhiệm vụ chính như sau:

I. Nghiên cứu khoa học phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh động vật nuôi, các loài

Thủy sản tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

  1. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong thú y, chăn nuôi, thủy sản và xử lý môi trường.
  2. Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, thực hiện các dịch vụ thú y và chăn nuôi, tham gia đào tạo nguồn nhân lực về thú y.
  3. Chẩn đoán bệnh động vật trong khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Thực hiện công tác phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh động vật trong vùng.
  4. Sản xuất các loại vắc-xin, chế phẩm sinh học và thuốc thú y phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh cho động vật nuôi, các loài thủy sản.
  5. Kinh doanh, xuất nhập khẩu nguyên liệu, hóa chất, vật tư, chế phẩm sinh học và thuốc thú y.

Có thể thấy, việc chuyển đổi phương thức hoạt động sang cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm chính là cột mốc đánh dấu bước phát triển đột phá của Phân viện trong tiến trình trưởng thành của mình. Việc chuyển đổi này đã tạo điều kiện cho Phân viện phát huy được những thế mạnh đang có để từng bước trở thành đơn vị nghiên cứu, chẩn đoán, sản xuất kinh doanh vững mạnh, đồng thời khẳng định được vị thế và vai trò của mình trong sự phát triển của ngành nông nghiệp cũng như đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cả nước.

Nhìn lại chặng đường 45 đã qua thấy rõ sự phát triển ngày một vững mạnh của Phân viện, thông qua một số nét chính sau:

Về cơ cấu tổ chức: Từ chỗ chỉ có 2 bộ môn nghiên cứu, 3 tổ nghiệp vụ và 1 cơ sở trực thuộc thì đến nay, Phân viện đã thành lập 14 đơn vị, trong đó 5 phòng chức năng, 4 bộ môn nghiên cứu và 4 phòng chuyên môn, 1 phân xưởng sản xuất.

Về tổ chức đảng, đoàn thể:

– Từ tổ chức sinh hoạt Chi bộ Phân viện đã phát triển lên thành Đảng bộ (vào tháng 4/2014) trực thuộc Thành ủy Nha Trang với tổng số 35 đảng viên, sinh hoạt tại 5 chi bộ, nhiều năm liền được công nhận vững mạnh xuất sắc, được nhận nhiều Giấy khen, Bằng khen của Thành ủy Nha Trang, Tỉnh ủy Khánh Hòa.

– Công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn Viên chức tỉnh Khánh Hòa, liên tục được công nhận vững mạnh xuất sắc và nhiều lần được nhận cờ thi đua và bằng khen .

– Chi đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Phân viện Thú y miền Trung trực thuộc Thành đoàn thành phố Nha Trang, hàng năm đều được công nhận xuất sắc liền kề.

Về cơ sở vật chất, trang thiết bị: Trên tổng diện tích đất hơn 12.000m2, Phân viện đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang với nhiều trang thiết bị hiện đại: Khối nhà 3 tầng với tổng diện tích 600m2 dành cho các bộ môn nghiên cứu, phòng chuyên môn và các phòng chức năng; Khu chẩn đoán bệnh động vật 3 tầng với diện tích 210m2;

Hệ thống phòng thí nghiệm của Phân viện được quản lý hoạt động theo tiêu chuẩn ISO:17025 và được đầu tư các trang thiết bị hiện đại như: Hệ thống máy ELISA, PCR, Realtime PCR,…, được công nhận Phòng thí nghiệm An toàn sinh học cấp độ II, được Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ định là Phòng Thử nghiệm ngành Nông nghiệp – Phát triển nông thôn. Đặc biệt, việc hoàn thành và đưa vào sử dụng cơ sở sản xuất vắc-xin hiện đại (với diện tích sử dụng 2.100 m2), đạt yêu cầu “Thực hành tốt sản xuất thuốc” (GMP-WHO) của Tổ chức Y tế thế giới đã thêm một lần nữa cho sự phát triển vượt bậc của Phân viện trong những năm gần đây.

Cho đến nay, nhiều kết quả của các công trình nghiên cứu của Phân viện đã được trình bày tại các hội thảo khoa học trong nước và được đăng tải trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong và thấy ngoài nước. Đạt giải thưởng trong Hội thi sáng tạo khoa học Kỹ thuật toàn quốc (giải nhất-2015; giải 3-2013) và nhiều giải thưởng khoa học của tỉnh Khánh Hòa. Đã có 12 sản phẩm vắc-xin của Phân viện đạt Cúp vàng Nông nghiệp Việt Nam; 2 sản phẩm đạt giải thưởng Bông lúa Vàng Việt Nam; Các sản Phẩm vắc xin phòng bệnh ở lợn đạt giải thưởng Tốp 100 hàng Việt tốt do người tiêu dùng bình chọn; Các sản phẩm do Phân viện sản xuất đã có mặt trên hầu hết các tỉnh thành trong cả nước đưa doanh thu năm sau cao hơn năm trước, mức tăng đạt trên 15% mỗi năm.

Với những thành tích và đóng góp to lớn Phân viện đã đạt được trong 40 năm qua đó, Phân viện đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành đánh giá cao và tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý:

– Huân chương Độc lập hạng Nhì (năm 2022).

– Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2010).

– Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2003), hạng Nhì (năm 1987), hạng Ba (năm 1983).

– Cờ Thi đua của Chính phủ (năm 2016), Cờ thi đua của UBND tỉnh Khánh Hòa (các năm 2005, 2012, 2013), Cờ thi đua của Bộ Nông nghiệp và PTNT (năm 2008).

– 3 lần được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (các năm 1980, 2006, 2014); nhiều lần được nhận bằng khen của Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh Khánh Hòa, Tỉnh ủy Khánh Hòa…

Vào đầu năm 2017, Phân viện Thú y miền Trung vinh dự là một trong 15 doanh nghiệp trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ trao giải Vàng chất lượng Quốc gia. Giải thưởng được đánh giá trên 7 tiêu chí Malcolm Baldrige (MBA) – Hoa kỳ gồm: Vai trò lãnh đạo, hoạch định chiến lược, định hướng khách hàng và thị trường; đo lường, phân tích và quản lý trí thức; quản lý phát triển nguồn nhân lực; quản lý quá trình hoạt động và kết quả hoạt động. Việc đạt giải Vàng chất lượng Quốc gia giúp Phân viện có điều kiện học hỏi, đánh giá và cải tiến một cách toàn diện các hoạt động quản lý, chất lượng sản phẩm,… góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

II. CHỨC NĂNG VÀ NHIỆM VỤ

Chức năng:
Nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và sản xuất kinh doanh về lĩnh vực thú y nhằm phát triển kinh tế xã hội vùng miền Trung và Tây Nguyên.
Nhiệm vụ:

  1. Nghiên cứu khoa học phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh động vật nuôi, các loài thủy sản tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
  2. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong thú y, chăn nuôi, thủy sản và xử lý môi trường.
  3. Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ; thực hiện các dịch vụ thú y và chăn nuôi, tham gia đào tạo nguồn nhân lực về thú y.
  4. Chẩn đoán bệnh động vật trong khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Thực hiện công tác phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh động vật trong vùng.
  5. Sản xuất các loại vaccine, chế phẩm sinh học và thuốc thú y phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh cho động vật nuôi, các loài thủy sản.
  6. Kinh doanh, xuất nhập khẩu nguyên liệu, hóa chất, vật tư chế phẩm sinh học, thuốc thú y.

VACCINE DÀNH CHO GIA CẦM THỦY CẦM

- VACCINE LASOTA (NHƯỢC ĐỘC - ĐÔNG KHÔ)
- VACCINE GUMBORO LIVE I.VAC (NHƯỢC ĐỘC - ĐÔNG KHÔ - CÔNG NGHỆ TẾ BÀO)
 

VACCINE DÀNH CHO LỢN

- VACCIEN  TAM LIÊN TRI I.VAC TỤ HUYẾT TRÙNG - PHÓ THƯƠNG HÀN - DỊCH TẢ LỢN (NHƯỢC ĐỘC - ĐÔNG KHÔ) 
- VACCINE KÉP COLISAL (ECOLI - PHÓ THƯƠNG HÀN LỢN) (VÔ HOẠT - KEO PHÈN)
 

VACCIEN DÀNH CHO GIA SÚC 

 

SẢN PHẨM BỔ TRỢ DÀNH CHO GIA SÚC, GIA CẦM

Facebook Linkedin Top