Các chuyên gia bàn về đổi mới sáng tạo lĩnh vực chăn nuôi-thú y
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, ngành chăn nuôi đã trở thành một ngành sản xuất quan trọng, cung cấp cho thị trường các loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao (thịt, sữa, trứng), đưa Việt Nam từ chỗ thiếu thực phẩm đến nay đã cung cấp đủ và dư thừa cho tiêu dùng trong nước; một số sản phẩm đã được xuất khẩu. Có được thành công như vậy phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của khoa học và công nghệ.
Nhờ ứng dụng các giống mới, tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất đã giúp nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi, bảo đảm an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm.
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Phạm Kim Đăng cho biết, giai đoạn từ 2018-2022, ngành chăn nuôi phát triển tương đối tốt, duy trì tăng trưởng ở mức bình quân 4,5-5%/năm, đóng góp 22,5-26,7% trong tổng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp.
Cũng trong giai đoạn này, số lượng đầu con và sản lượng vật nuôi tăng trưởng tốt. Tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt 6,5%/năm, sản lượng sữa 4,7%/năm và sản lượng trứng 11,9%/năm.
Lĩnh vực chăn nuôi đã có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, tập trung theo chuỗi khép kín, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao được mở rộng. Các tiến bộ kỹ thuật được công nhận tập trung chủ yếu ở lĩnh vực giống, thức ăn chăn nuôi, chuồng trại, xử lý môi trường chăn nuôi.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị.
Từ năm 2009 đến 2022, ngành chăn nuôi đã có 136 tiến bộ kỹ thuật được công nhận. Trong đó, có 85 tiến bộ kỹ thuật về giống vật nuôi, 6 tiến bộ kỹ thuật về thức ăn chăn nuôi, 20 tiến bộ kỹ thuật áp dụng cho các đối tượng vật nuôi...
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường Nguyễn Giang Thu, giai đoạn 2020-2023, thông qua thực hiện các đề tài nghiên cứu, dự án sản xuất thử nghiệm, các nhà khoa học đã chọn tạo và giới thiệu vào sản xuất nhiều dòng, giống vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao.
Đã có 31 tiến bộ kỹ thuật (TBKT) được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận, trong đó có 6 dòng, giống lợn mới; 15 dòng, giống gia cầm; hai TBKT về dinh dưỡng; năm TBKT lĩnh vực thú y và ba TBKT về xử lý môi trường chăn nuôi...
Bên cạnh những kết quả đạt được, hội nghị cho rằng ngành chăn nuôi, thú y hiện vẫn còn một số hạn chế như: chất lượng giống của một số vật nuôi chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Chưa có nhiều nghiên cứu về gói kỹ thuật trong lĩnh vực chăn nuôi bao gồm: nghiên cứu về giống, dinh dưỡng, kỹ thuật chăn nuôi và thú y phòng bệnh. Việc chuyển giao kết quả nghiên cứu vào sản xuất, đặc biệt là giống vi sinh vật, giống virus dùng trong sản xuất vaccine còn khó khăn...
Trong thời gian tới, để tiếp tục có nhiều kết quả khả quan trong chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, các đại biểu cho rằng, ngành chăn nuôi và thú y cần tiếp tục nghiên cứu chọn tạo giống vật nuôi chủ lực có năng suất, chất lượng cao; nghiên cứu ứng dụng các quy trình công nghệ mới, tiên tiến, ứng dụng công nghệ số nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh, nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn, giảm sử dụng kháng sinh, nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất.
Ngành chăn nuôi và thú y cần nghiên cứu dịch tễ học, mô hình mô phỏng, dự báo dịch bệnh, dịch tễ học phân tử các bệnh nguy hiểm; nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ sinh học, công nghệ gen để phát triển các loại vaccine thế hệ mới, cải tiến vaccine cũ bằng phương pháp sinh học phân tử...
Bên lề hội nghị, các đơn vị nghiên cứu, các doanh nghiệp ngành chăn nuôi-thú y đã có các gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm khoa học công nghệ là kết quả của các công trình nghiên cứu; từ ứng dụng các kết quả khoa học công nghệ.
Nguồn: báo NHÂN DÂN