Cart

Lào Cai: Giá lợn hơi giảm, người chăn nuôi gặp khó khi tái đàn

LCĐT - Theo khảo sát của phóng viên, giá lợn hơi hiện chỉ còn khoảng 54.000 - 56.000 đồng/kg. Giá lợn hơi đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua trong khi giá thức ăn chăn nuôi lại tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khiến người chăn nuôi điêu đứng.

Tháng 4/2021, gia đình anh Nguyễn Văn Quyết (thôn An Trà, xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng) mua 100 con lợn giống về nuôi để làm lợn thịt, giá mua là 2,5 triệu đồng/con. Hiện nay, khi đến thời kỳ xuất bán, giá lợn hơi giảm từ 75.000 - 80.000 đồng/kg xuống còn 52.000 - 55.000 đồng/kg khiến gia đình anh đứng trước nguy cơ lỗ vốn. Anh Quyết nhẩm tính, để nuôi 1 con lợn đến khi xuất bán, tổng chi phí khoảng 6,3 triệu đồng (chưa kể tiền nhân công và điện, nước), trong đó tiền giống khoảng 2,5 triệu đồng, thức ăn khoảng 3,6 triệu đồng, thuốc thú y là 200 nghìn đồng.

Tình cảnh của gia đình anh Quyết cũng là tình cảnh chung của những hộ chăn nuôi không tự chủ được con giống.

Đối với các trang trại, hộ chăn nuôi tự chủ được con giống thì tình hình khá hơn. Trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn của bà Đào Thị Vuông (xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng) có 150 con lợn nái, duy trì nuôi 400 con lợn thịt/lứa, mỗi năm xuất bán hàng trăm tấn lợn hơi. Bà Vuông cho biết: Gia đình vừa xuất chuồng 100 con lợn thịt, tổng trọng lượng 12 tấn với giá 55 triệu đồng/tấn. Nhờ tự chủ được con giống và nhập thức ăn thẳng từ công ty sản xuất nên có chút lãi. Tuy nhiên, nếu giá lợn giảm và giá thức ăn vẫn cao như hiện nay thì gia đình bà phải tính chuyện giảm đàn để tránh thua lỗ.

Trong bối cảnh giá lợn hơi đang giảm mạnh và giá thức ăn chăn nuôi tăng, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ gặp khó khăn bởi phải mua cám qua các đại lý cấp 2, cấp 3 và giá mỗi bao cám đã cao hơn khoảng 10 nghìn đồng/bao. Trong khi đó, hầu hết các trang trại lớn thường ký hợp đồng với các công ty sản xuất thức ăn, ngoài việc hưởng mức giá ưu đãi ngang bằng với đại lý cấp 1, họ còn được thưởng phần trăm vào cuối năm, điều này giúp họ ít bị ảnh hưởng. Do đó, trong tình cảnh hiện nay, những hộ chăn nuôi quy mô lớn, tự chủ con giống thì vẫn cố cầm cự, duy trì chăn nuôi, còn những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không tự chủ được con giống đang có nguy cơ bỏ trống chuồng để cắt lỗ.

Theo tính toán của người chăn nuôi, chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm khoảng 60 - 70% giá thành sản phẩm, tiếp đó là chi phí con giống. Từ cuối năm 2020, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, trung bình cứ khoảng 3 tuần tăng 1 lần, với mức tăng khoảng 5.000 - 10.000 đồng/bao mỗi đợt, đến nay mức giá đã tăng hơn 120.000 đồng/bao so với cùng kỳ năm 2020. Dự báo trong thời gian tới, giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng khoảng 5 - 10% tùy loại.

Trong khi lợn hơi đã giảm giá, giá thịt lợn tại các chợ, siêu thị đến tay người tiêu dùng vẫn không thay đổi. Hiện thịt lợn tại các chợ được tiểu thương bán với giá khoảng 120.000 - 170.000 đồng/kg.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, nguyên nhân giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục trong thời gian qua là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nguyên liệu đầu vào và cước vận chuyển tăng, kéo theo đó là các nhà máy sản xuất thức ăn trong nước nâng giá bán. Nguyên nhân khiến giá lợn hơi giảm được cho là sau đợt dịch tả lợn châu Phi, các hộ chăn nuôi tăng cường tái đàn, trong khi ảnh hưởng của dịch Covid-19, thực hiện giãn cách xã hội tại nhiều nơi khiến việc lưu thông giữa các địa phương gặp khó khăn, sản phẩm tiêu thụ chậm. Song, không ít hộ chăn nuôi cho rằng họ đang bị thương lái ép giá.

Hiện toàn tỉnh có khoảng 55.000 hộ chăn nuôi lợn với tổng đàn hơn 325.000 con. Trước thực trạng trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khuyến cáo người chăn nuôi theo dõi, nắm thông tin thị trường thức ăn chăn nuôi và giá sản phẩm để có kế hoạch, phương án phù hợp, giảm thiểu rủi ro và những tác động xấu đến hiệu quả chăn nuôi. Hộ chăn nuôi cũng cần chủ động tìm phương án giảm chi phí thức ăn mà không làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của vật nuôi, đồng thời cần thực hiện nghiêm quy trình phòng bệnh cho đàn vật nuôi bằng vắc-xin, thực hiện phương thức chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, chuyển đổi phương thức chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang tăng quy mô theo hướng hàng hóa tập trung và xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ để phát triển chăn nuôi bền vững.

Theo tác giả Kim Thoa - Báo Lào Cai

Facebook Linkedin Top