Cart

Thu gom và tuồn heo bị dịch tả lợn Châu Phi ra thị trường tại Đồng Nai

Phát hiện cơ sở thu gom đàn heo thịt trên 800 con đang nhiễm bệnh dịch tả châu Phi từ các tỉnh khác rồi đưa về trạm trung chuyển tại Đồng Nai. Nhiều cơ sở chăn nuôi khác cũng phát hiện heo dịch bệnh tả châu Phi.

Theo dấu vết lô heo trên 800 con bị nghi ngờ nhiễm bệnh

Sau thời gian theo dõi tình hình dịch bệnh tả lợn (heo) châu Phi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, ngày 5/10/2023 phóng viên Báo Kinh tế và Đô thị nhận nguồn tin phát hiện cơ sở thu gom heo nghi bị dịch tả châu Phi từ các tỉnh thành khác rồi đưa về trạm trung chuyển tại tỉnh Đồng Nai để giết mổ rồi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Cụ thể, ngày 5/10/2023, tại cơ sở thu gom heo của ông Lương Hữu Điền (còn gọi là cơ sở Trang Điền, ấp Tam Hiệp, xã Xuân Hiệp, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) đã nhập một lô heo trên 800 con, số heo này có dấu hiệu bị nhiễm dịch bệnh.

Hiện trường heo được cơ sở thu gom chuyển về chuồng, có những con heo tỏ ra yếu ớt nằm im, trong đó có con chết nằm chỏng chân.

Hiện trường heo được cơ sở thu gom chuyển về chuồng, có những con heo tỏ ra yếu ớt nằm im, trong đó có con chết nằm chỏng chân.

Theo xác minh, lô heo này được cơ sở Trang Điền thu gom từ một trang trại chăn nuôi heo của những công ty nổi tiếng có nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Theo chia sẻ của giới chuyên môn kinh doanh heo thịt, khi nguồn heo chăn nuôi đủ thời gian có trọng lượng từ 100 kg trở lên là có thể xuất bán và các cơ sở trung chuyển đến thu gom. Với trọng lượng heo như vậy, thì trang trại chăn nuôi mới không bị thua lỗ.

Tuy nhiên, trong lô heo hơn 800 con trên được cơ sở thu gom heo của ông Lương Hữu Điền có rất nhiều con heo chỉ nặng từ 20 kg đến 50 kg. Ghi nhận tại thực tế tại chuồng heo khi heo được nhập về, rất nhiều con heo trong số đó đang bị yếu sức, mệt mỏi. Thậm chí, có những con heo đã chết nằm chổng chân lên trời.

Trao đổi với phóng viên, một cán bộ thú y thừa nhận hình ảnh số heo bệnh và chết đó được phóng viên thu thập được là có thật. Khi cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra lô heo được thu gom trên, còn có sự tham gia của cán bộ thú y thuộc Trạm chăn nuôi thú y Xuân Lộc.

Thực hiện công việc lấy mẫu bệnh heo để đi xét nghiệm về dịch bệnh, cán bộ thú y tên Dũng (thuộc Trạm chăn nuôi thú y Xuân Lộc) kể: “Hôm đó tôi trực tiếp thực hiện việc lấy mẫu 30 con heo còn sống nhưng yếu ớt, và 2 con heo chết đặc trưng, một con đã chết tím ngắt”.

Heo đã bị nhiễm bệnh được thu gom đưa về Đồng Nai

Biên bản kiểm tra dịch bệnh gia súc, gia cầm do Trạm chăn nuôi thú ý Xuân Lộc (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) thể hiện: Vào lúc 13 giờ ngày 5/10/2023, tại cơ sở thu gom heo ông Lương Hữu Điền (thuộc ấp Tam Hiệp, xã Xuân Hiệp, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai), tiến hành kiểm tra dịch bệnh trên đàn 810 con heo. Tuổi (cơ cấu đàn) 40 con heo có trọng lượng trung bình trên 20kg; 45 con heo với trọng lượng trung bình từ 50 đến 60kg; 725 con heo có trọng lượng trung bình từ 90 đến 100 kg.

Số heo trên được thu gom từ trại heo của Công ty CJ Vina tại tỉnh Khánh Hòa và Trung tâm kho TapFa tại Bình Dương (tỉnh Bình Dương). Trong số heo trên, có 2 con heo chết tại chuồng. Bước đầu, cơ sở thu gom khai “heo chết do bị chèn ép trong quá trình vận chuyển bị ngộp nên bị chết chưa kịp xử lý. Và có 10 con heo mệt, nhiệt độ heo từ 37 đến 39 độC.

Biên bản lấy mẫu xét nghiệm do Trạm chăn nuôi và thú y Xuân Lộc thực hiện lúc 14 giờ ngày 5/10/2023. Cũng tại cơ sở thu gom heo Lương Hữu Điền, thể hiện đàn heo lấy mẫu xét nghiệm trên tổng đàn 810 con. Nguồn gốc heo được thu gom từ các địa phương ngoài tỉnh Đồng Nai. Biểu hiện lâm sàng đàn heo lấy mẫu: Có 2 con heo chết trong chuồng sau khi vận chuyển về, một số heo mệt mỏi, ủ rũ.

Biên bản lấy mẫu xét nghiệm tìm vi rút dịch tả lợn châu Phi của lô 810 con, tại cơ sở thu gom heo Lương Hữu Điền ở ấp Tam Hiệp, xã Xuân Hiệp, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.

Biên bản lấy mẫu xét nghiệm tìm vi rút dịch tả lợn châu Phi của lô 810 con, tại cơ sở thu gom heo Lương Hữu Điền ở ấp Tam Hiệp, xã Xuân Hiệp, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.

Số heo trên được lấy mẫu xét nghiệm huyết thanh, hạch bẹn, số lượng 30 mẫu (30 mẫu huyết thanh và 1 mẫu hạch bẹn). Yêu cầu xét nghiệm là tìm vi rút dịch tả heo châu Phi.

Chiều ngày 6/10/2023, Chi cục chăn nuôi thú y tỉnh Đồng Nai cho biết, kết quả xét nghiệm của lô heo trên. Cụ thể, có 30 mẫu huyết thanh gộp thành 6 mẫu và 1 mẫu hạch bẹn; kết quả có 5 mẫu gộp huyết thanh và 1 mẫu hạch bẹn dương tính (nhiễm dịch bệnh tả lợn châu Phi).

“Trong 6 mẫu gộp được xét nghiệm thì có đến 5 mẫu bị dương tính (heo bị bệnh dịch tả lợn châu Phi), còn lại 1 mẫu âm tính (heo không bệnh)”, cán bộ Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh Đồng Nai thông tin.

Khi phóng viên đặt vấn đề, số heo (810 con) liên quan đến đàn heo do cơ sở thu gom được đang bị dịch bệnh (đã có kết quả mẫu xét nghiệm mang dịch tả lợn châu Phi) hiện nay đang được di chuyển đến khu vực nào, hay là đang lưu giữ tại cơ sở thu gom? Lãnh đạo Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Đồng Nai không trả lời.

Đồng Nai xuất hiện nhiều đàn heo bị dịch tả lợn châu Phi

Được biết, thời gian gần đây tình hình dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại tỉnh Đồng Nai. Thậm chí theo tìm hiểu của phóng viên, chỉ từ tháng 9/2023 đến nay có nhiều lô heo khi kiểm dịch đều có kết quả dương tính vi rút tả lợn châu Phi.

Cụ thể, ngày 9/9/2023 tại mẫu xét nghiệm kiểm dịch bệnh tả lợn châu Phi, số 3282, từ Trạm chăn nuôi xét nghiệm thú y (số 11 đường Đồng Khởi, phường Tam Hòa, TP Biên Hòa). Mẫu heo xét nghiệm này được lấy từ trại chăn nuôi heo Dolico, trên tổng đàn 3.500 con, số lượng 1 mẫu gộp, cho kết quả dương tính với dịch tả lợn châu Phi.

Cũng tại Trạm chăn nuôi xét nghiệm thú y (số 11 đường Đồng Khởi, phường Tam Hòa, TP Biên Hòa), ngày 30/9/2023, với mẫu số 4028, nơi gửi mẫu xét nghiệm là Trại heo Dolico Suối Cao. Loài heo thịt đàn 50 con, số lượng lấy mẫu gồm 10 mẫu gộp, xét nghiệm huyết thanh heo để tìm vi rút gây dịch bệnh tả lợn châu Phi. Kết có có đến 5/tổng số 10 mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.

Hiện trường heo được thu gom từ các tỉnh khác về điểm trung chuyển tại tỉnh Đồng Nai.

Hiện trường heo được thu gom từ các tỉnh khác về điểm trung chuyển tại tỉnh Đồng Nai.

Hay như mẫu xét nghiệm số 4027 ngày 30/9/2023, nơi gởi mẫu là Trại heo CJ Xuân Lộc 6 SF - Công ty CJ Vina Agri. Heo lức tuổi từ 18 đến 30 tháng, tổng đàn 38 con, số lượng 8 mẫu gộp huyết thanh, yêu cầu xét nghiệm là phát hiện vi rút gây dịch bệnh tả lợn châu Phi. Kết quả xét nghiệm có 1 mẫu dương tính.

Có thể thấy, tại thủ phủ chăn nuôi heo tỉnh Đồng Nai, tình hình thu gom heo từ các tỉnh thành khác về cũng như các trại chăn nuôi trong tỉnh đang xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Thế nhưng, Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Đồng Nai, cán bộ các trạm chăn nuôi thú y các huyện, hệ thống thông tin về dịch bệnh chăn nuôi thú y của Đồng Nai gần như… rơi vào im lặng (!?)

Trong quá trình thực hiện bài viết này, phóng viên phải tiếp cận rất khó khăn nguồn tin từ các trang trại chăn nuôi và các cơ sở thu gom heo (trong đó thu gom cả heo dịch bệnh). Mọi nguồi tin từ cơ quan chức năng bị bít chặn, mọi cơ sở thu gom chăn nuôi đều hoạt động âm thầm, bí mật. Thế như điều đau lòng là sau những lần phóng viên tiếp cận hụt các cơ sở thu gom heo có dấu hiệu dịch bệnh không thành công, thì nghiễm nhiên rồi số heo đáng nghi ngờ đó vẫn được chuyển ra thị trường tiêu thụ.

Những câu hỏi khiến phóng viên trăn trở: Thị trường heo dịch bệnh có phải tuồn ra thị trường để tiêu thụ hay không (vì khi cơ sở thu gom cố tình nhập heo thiếu trọng lượng cần khai thác và nhiễm dịch bệnh thì ai đảm bảo được số heo bị dịch bệnh đó lại không bị tuồn ra thị trường?). Các công ty chăn nuôi, các trang trại chăn nuôi heo nào đang tuồn heo dịch bệnh tả lợn châu Phi ra thị trường?

Nguồn: Báo KT&ĐT

Facebook Linkedin Top